Nhằm khám phá giới hạn của bản thân, Trọng An và nhóm bạn ở Hà Nội đạp xe 16 ngày qua 3 nước Đông Nam Á dưới cái nóng có lúc lên tới 45 độ C hồi tháng 3.
"Đạp xe có thời gian quan sát phong cảnh, chậm rãi tìm hiểu cuộc sống ở nơi mình đi qua", anh Trần Trọng An, 45 tuổi ở Hà Nội, cho biết sau khi hoàn thành chuyến đi qua ba nước Lào, Campuchia và Thái Lan.
Hành trình đạp xe của anh An và bốn người bạn bắt đầu từ 4/3. Từ Hà Nội, nhóm đi xe khách vào Quảng Trị để đến cửa khẩu Lao Bảo, từ đây bắt đầu đạp xe với tổng quãng đường 1.000 km, trong thời tiết 43 - 45 độ C. Với anh An, đây là "một thử thách ngoài dự tính nhưng mang đến nhiều trải nghiệm bất ngờ".
Mua xe đạp từ 10 năm trước, khoảng 2 năm gần đây anh An bắt đầu tập luyện để chuẩn bị cho những hành trình "vượt giới hạn bản thân". Anh đạp xe thường xuyên với những chuyến đi dưới 30km quanh Hà Nội. Chuyến đi xa nhất là cùng bạn bè đạp xe xuyên đảo Cát Bà, TP Hải Phòng. Ý tưởng đạp xe qua Lào, Campuchia và Thái được anh xem là một cách đặt ra giới hạn mới cho bản thân vượt qua.
Anh Nguyễn Trọng An và chiếc xe đạp đồng hành qua ba nước Đông Nam Á.
Đạp xe trên đất Lào, anh An thấy nhịp sống người dân chậm hơn so với Hà Nội. Không nhiều cây cối, vài tiệm tạp hóa và sạp trái cây thỉnh thoảng xuất hiện bên đường. Trời nóng ran, nhiệt độ 45 độ C, đạp xe trên những con đường xung quanh không bóng người khiến anh "cảm giác con đường ấy, không gian ấy là của riêng mình".
Tỉnh Pakse là điểm đến đầu tiên nhóm dừng chân, cách cửa khẩu khoảng 300 km, địa hình nhiều đồi dốc. Lúc anh An và nhóm đến nơi là vào cuối tuần, hàng quán đóng cửa sớm, họ phải mất 8 tiếng để tìm chỗ ăn, nghỉ.
"Mỗi người một chiếc xe đạp trong đêm tối, đường không một bóng người, vừa mệt vừa lo lắng", anh nói.
Bốn người bám sát nhau, đạp trong im lặng, chỉ dừng nghỉ vài lần, mỗi lần không quá ba phút. Đến nửa đêm, nhóm tìm được một nhà nghỉ hẻo lánh, không điều hòa, không nước nóng nhưng mọi người đều "sung sướng vì không phải ngủ ngoài trời".
Đạp xe trải nghiệm rõ nhất sự thay đổi của địa hình và thời tiết. Nhiệt độ ban ngày ở Lào lên đến 44 độ C nhưng đêm xuống còn 22 độ C. Chênh lệch nhiệt trong ngày từ 23 lên 40 độ C chỉ trong 2 tiếng buổi sáng khiến người đi xe đạp rất mất sức, anh An cho biết.
Những đứa trẻ anh An bắt gặp trên đường đi ở Lào
Trên đường đi, nhóm đạp xe gặp những người dân tươi cười chào đón, tặng nước miễn phí để rửa mặt, giặt khăn. Đi xe đạp giúp anh An dễ dàng hòa nhập và cảm nhận sự thân thiện, hiếu khách của người Lào.
Ở Lào, nắng nóng gay gắt nhưng "người dân ăn cay xé lưỡi", ngay cả khi yêu cầu không cho ớt, món ăn vẫn cay, anh chia sẻ. Anh đặc biệt ấn tượng với các món gà nướng, heo nướng của người dân bản địa, thịt vừa đủ chín, mềm, thơm và mọng nước. Canh cá sông Mekong cay nhẹ, xôi nếp Lào dẻo, thơm, ăn với thịt gà hoặc thịt nướng "rất hợp".
Anh An trên đường đạp xe từ cửa khẩu đến Savannakhet, Lào
Anh An chụp cùng chủ quán gà nướng ở Lào
Ngoài đạp xe, nhóm anh An cũng trải nghiệm một số trò chơi cảm giác mạnh như đi zipline, chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của thác Tad Fane hay ngắm con thác Khone Phapheng hùng vĩ và choáng ngợp trên sông Mekong.
Họ tiến đến cửa khẩu quốc tế Trapeang, Stung Treng ngày 11/3. Campuchia chào đón đoàn khách bằng con đường đầy sỏi đá, khói bụi nhưng nhiều cây cối hơn Lào. Thị trấn cách vùng biên khoảng 60 km cũng đông đúc và sầm uất hơn. Khi đến Xiêm Riệp, cả nhóm ăn hủ tiếu theo cách địa phương với miến, trứng, lòng heo, mọc và giá đỗ, giá 3 USD (khoảng 75.000 đồng). Anh An nhận thấy chi phí sinh hoạt ở đây đắt đỏ hơn ở Lào.
Cả nhóm chọn dừng chân tham quan Angkor Wat, quần thể đền đài di tích tôn giáo lớn nhất thế giới tại Campuchia, trước khi khởi hành tới Poipet hai ngày sau. Đường đi khá bằng phẳng nên đoàn nâng tốc độ lên 22 - 25 km/h và đạp hơn 100 km để đến khách sạn. Đường cao tốc có làn riêng cho xe đạp.
Họ đến Thái Lan ngày 14/3, trời vẫn nắng nóng 43 độ C nhưng đường rộng hơn, có làn xe đạp riêng. Ngoài hệ thống giao thông, cách làm du lịch của người Thái khiến anh An thấy "rất dễ chịu". Đồ ăn sáng được bán trong các quầy xe tải với giá rẻ, những quán ăn nằm sâu trong ngõ nhỏ. Người dân ngạc nhiên khi nghe chia sẻ về hành trình đạp xe từ Việt Nam qua Thái Lan của anh An và nói "Vietnam good, Thailand happy". Có người "tự đấm vào ngực, dùng tay vẽ hình trái tim để bày tỏ tình cảm".
Thưởng thức ẩm thực Thái là trải nghiệm nhóm khách Việt không bỏ qua khi ở Bangkok. Anh An bất ngờ vì lẩu Tom Yum, xôi xoài bản địa "khác hẳn với những món Thái ăn ở Việt Nam".
Cửa khẩu Poipet, Campuchia
Bangkok mang đến cho cả nhóm cảm giác quen thuộc, "có một chút sôi động của Sài Gòn, một chút tĩnh lặng của Hà Nội". Người Thái không đạp xe nhiều nhưng vẫn có đường dành cho xe đạp, một số điểm cho thuê xe đạp đặt cạnh trạm xe bus. Họ không bấm còi xe và lịch sự nhường đường cho xe đạp. Điều gây khó chịu nhất với anh là tiếng ồn từ những chiếc xe máy, bán tải, xe ba bánh tự chế ống pô.
Sau 2 ngày đạp xe khám phá Bangkok, họ trở về Việt Nam bằng đường hàng không. Gửi xe đạp theo máy bay có một số quy định: trọng lượng không quá 32 kg, kích thước không quá 119x119x 81 cm. Thùng ký gửi có kích thước phổ biến 127x135 cm, nếu xe lớn hơn cần tháo rời các bộ phận. Do đã tìm hiểu trước thủ tục nên chiều về nhóm không gặp sự cố hay khó khăn nào.
Chuyến chu du xe đạp qua ba nước của anh An hết hơn 18 triệu đồng mỗi người, bao gồm cả vé máy bay về và phí ký gửi xe đạp 2,6 triệu đồng. Với những chuyến đi dài và đến đất nước nóng 35-40 độ C như Lào, Campuchia và Thái Lan, anh An chuẩn bị khá nhiều đồ bảo vệ như mũ trùm đầu, tất và găng tay xe đạp; thuốc bột pha cùng nước lọc để bù chất điện giải và không thể thiếu bộ dụng cụ sửa xe để tự khắc phục sự cố trên đường.
Cảm giác hoàn thành chuyến đi rất thú vị khi "vừa rất muốn đạp thêm vài nước nữa, vừa nhớ nhà và muốn về luôn", anh nói và dự tính hành trình tiếp theo sẽ diễn ra ở châu Âu.
"Mình mong muốn lan tỏa cảm hứng tới những ai muốn đạp xe", nam phượt thủ nói.
Xem thêm: Mọi điều bạn cần biết về đi xe đạp dã ngoại - Bikepacking
(Theo VnExpress.net)