Vào Biển Đông lúc 1h sáng nay, bão Noru mạnh cấp 13 (149 km/h) đang tiến đến quần đảo Hoàng Sa, dự báo gây gió mạnh cho vùng biển miền Trung từ trưa mai.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 4h sáng nay, tâm bão nằm trên vùng biển phía tây đảo Luzon, Philippines, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 810 km, sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 14.
Hôm nay, bão chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/h, đến 4h ngày mai cách quần đảo Hoàng Sa 250 km, duy trì cấp 13, giật tăng ba cấp.
Sau đó bão giữ nguyên tốc độ theo hướng tây và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4h ngày 28/9, bão cách đất liền Đà Nẵng - Bình Định khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13-14, giật cấp 17.
Dự báo hướng đi của bão Noru, lúc 4h ngày 26/8. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng và tốc độ, đi vào các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 29/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên Nam Lào.
Như vậy so với dự báo lúc 23h đêm qua, bão Noru có xu hướng đi chếch lên phía bắc, vị trí đổ bộ có thể dâng cao hơn một chút, nhưng trọng tâm vẫn là Đà Nẵng - Bình Định. Cường độ bão duy trì cấp 14, tức 166 km/h.
Các đài quốc tế sáng nay nhận định giống nhau về hướng đi và khu vực đổ bộ của bão Noru là Đà Nẵng - Quảng Nam, tuy nhiên cường độ khác nhau. Đài Nhật Bản dự báo bão duy trì sức gió 144 km/h trong hôm nay, ngày mai khi vào gần bờ tăng lên 162 km/h. Đài Hong Kong cho rằng bão sẽ vào đất liền với sức gió mạnh nhất là 175 km/h.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,5 đến 20; phía đông kinh tuyến 111,5. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng này có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Bão ảnh hưởng biển miền Trung từ trưa 27/9
Theo đài khí tượng Việt Nam, từ trưa 27/9, ngoài khơi từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10 m, biển động dữ dội.
Từ tối 27/9, vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m. Các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1-1,5 m gây ngập úng tại vùng trũng thấp ở ven biển, cửa sông.
Từ gần sáng 28/9, ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định từ sáng sớm 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15
Các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 9, giật cấp 11.
Hôm nay, đài khí tượng Việt Nam đã dự báo chi tiết về lượng mưa. Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa 150-300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ 28 đến 30/9, mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Bốn địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định dự báo chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4 (cao nhất là cấp 5 - thảm họa). Năm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai chịu rủi ro cấp 3.
Hoạt động chống bão ở Quảng Nam được triển khai từ hôm qua, 25/9. Ảnh: Đắc Thành
Trước đó sáng 25/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán hơn 860.000 dân. Trong đó, bốn tỉnh thành dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sơ tán 368.000 dân.
Hôm nay, các địa phương sẽ có phương án phòng chống bão chi tiết hơn như dừng các cuộc họp không thực sự cấp bách, cấm biển, cấm đường, cho học sinh nghỉ học. Phương án lập Ban chỉ huy chống bão ở tiền phương đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay. Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam với sức gió cấp 13, giật cấp 14, tháng 9/2006. Bão gây mưa lớn cho khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế mưa 300-400 mm. 76 người đã chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.
(NGUỒN: VnExpress)