Chạy bộ là cách giao tiếp cộng đồng hiệu quả
Anh Bùi Xuân Nam, hiện là chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm truyền thông VPBank, bắt đầu xỏ giày chạy bộ cách đây mới được gần 2 năm nhưng đã kịp “sưu tập” cho mình tới 20 giải chạy bộ, trong đó có cả các giải chạy ở Seoul, Singapore. Runner 8X này và gần 30 đồng nghiệp trong nhóm VPIron sẽ có một chuyến “team building” độc nhất vô nhị đầy ý nghĩa tại “vương quốc tỏi”.
“Tôi tập chạy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là muốn tổ chức giải chạy bộ cho những đồng nghiệp VPBank tuyệt vời của tôi. Muốn vậy tôi phải tự mình chạy để hiểu các runner hơn. Chúng tôi đã từng tổ chức giải chạy nội bộ để các đồng nghiệp và gia đình giao lưu với nhau và nhận được hiệu ứng tích cực. Là một người tham gia tổ chức các sự kiện nội bộ của công ty, tôi nhận thấy chạy bộ có tác dụng rất tốt, tạo nét văn hóa cho doanh nghiệp, đồng thời đây là cách giao tiếp với cộng đồng hiệu quả”, anh Nam nói.
“Một trong những người ấn tượng nhất trong cộng đồng chạy bộ đối với tôi là bác sĩ Đinh Linh, bác sĩ tim mạch cố vấn cho đội ngũ y tế của Tiền Phong Marathon năm nay và cũng là một VĐV tham gia chạy cự ly marathon. Niềm đam mê chạy bộ, cách cân bằng cuộc sống, tập luyện có kỷ luật, khoa học của bác sĩ gây cảm hứng cho bất cứ ai”, anh Bùi Xuân Nam
VPIron là một trong những câu lạc bộ thể thao (chủ yếu 3 môn bơi, đạp xe, chạy bộ) có nhiều hoạt động tích cực. Hiện câu lạc bộ VPIron có hơn 1.000 thành viên. Sau giờ làm việc hoặc ngày cuối tuần, các thành viên VPIron lại rủ nhau tập chạy để khích lệ nhau, có thêm động lực tập luyện. Ngoài các giải chạy nội bộ rầm rộ trên toàn quốc, VPIron còn đồng hành cùng 1 giải chạy quốc tế của Hà Nội.
Anh Nam và nhiều người trong VPIron chưa bao giờ chạy Tiền Phong Marathon và cũng chỉ mới biết đến Lý Sơn qua sách báo, vì thế cuộc đua lần này khiến anh và các đồng nghiệp phấn khích: “Trong thời gian đại dịch COVID-19, tôi và các đồng nghiệp không có điều kiện tập nhiều do bị cách ly xã hội. Chúng tôi chỉ có thể tự chạy cự ly ngắn quanh nhà. Những buổi tập chung chuẩn bị cho Tiền Phong Marathon mới được nối lại trong thời gian gần đây. Đường chạy Lý Sơn nóng và dốc, không dễ để có PR (kỷ lục cá nhân) nên cá nhân tôi đặt mục tiêu trải nghiệm lên hàng đầu, không đặt nặng thành tích cao. Được cùng các đồng nghiệp chạy trong một giải chạy lịch sử, giải vô địch quốc gia marathon đầu tiên trên một hòn đảo khiến tôi cảm thấy rất hào hứng”, anh Nam bày tỏ.
Lý Sơn - Thánh địa của runner
Khác với những lần tổ chức giải trước đây ở các thành phố lớn, qui mô Tiền Phong Marathon ở mùa giải này bị giới hạn chỉ khoảng 2.000 VĐV do diện tích đảo Lý Sơn nhỏ và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Nhưng cũng chính vì vậy, đảo Lý Sơn sẽ là nơi có mật độ runner cao nhất cả nước trong hai ngày 4-5/7 tới khi số lượng VĐV chiếm tới 10% dân số của đảo (Lý Sơn có khoảng hơn 2 vạn dân).
Trao đổi với Tiền Phong, anh Nam nói: “Tôi rất tò mò bởi có tới hơn 2.000 VĐV cùng ở trên một hòn đảo. Hai ngàn con người xa lạ nhưng có những câu chuyện chung để kết nối, để sẻ chia và chắc chắn trong đó có tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo. Nói một cách hình ảnh, Lý Sơn sẽ là thánh địa của runner trong ngày diễn ra giải”.
Hình ảnh 3.000 lá cờ Tổ quốc căng gió bay phần phật dọc đường chạy cũng khiến chân chạy này thích thú. Anh nói: “Chắc chắn hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng mang lại hiệu ứng ngợp thị giác. Tôi rất may mắn được chạy trên con đường đặc biệt này và mong đợi có được những bức ảnh đẹp để gửi cho người thân bạn bè, kèm theo đó là niềm tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi mong đợi thời tiết đẹp và bầu không khí lễ hội đặc sắc do những người yêu chạy bộ tạo ra trên hòn đảo Lý Sơn. Phần thưởng lớn nhất của giải chạy chính là trải nghiệm của runner, là bước chân chạy trên tấc đất quê hương, là cảm xúc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió”.
Nguồn: Tienphong