UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn thị xã Sa Pa với tình huống mưa, lũ, sạt lở.
Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, đêm 12/9 đến ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh có mưa đều khắp, nhiều nơi có mưa to, đặc biệt một số nơi có mưa rất to.
Lượng mưa tích lũy đo được ở một số trạm (từ 18 giờ ngày 12/9 đến 6 giờ ngày 13/9) như sau: Xã Trung Chải 142,4mm, thủy điện Tà Thàng 118,2mm, Ô Quý Hồ 82,6mm, xã Mường Hoa 77,4mm (thị xã Sa Pa); xã Gia Phú 1 (huyện Bảo Thắng) 109,2mm; xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) 106,6mm; các điểm đo mưa còn lại trung bình khoảng 40 - 55mm.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18h ngày 13/9, tại Lào Cai thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở, dông lốc đã khiến 9 người chết và mất tích (5 người chết, 4 người mất tích); và 5 người bị thương.
Một nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng 12 nhà. Sạt lở Quốc lộ 279, 4, 4D và một số tuyến đường tỉnh, huyện; hư hỏng một số công trình công cộng. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 255 tỷ đồng.
Thị xã Sa Pa là khu vực cảnh báo khẩn cấp bởi thiên tai nguy hiểm. Ảnh: Anh Ngọc.
Trước tình hình đó, tình trạng khẩn cấp được công bố trên phạm vi thị xã Sa Pa. Theo đó, địa phương này cần thực hiện, áp dụng các biện pháp khẩn cấp.
UBND thị xã Sa Pa cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và các biện pháp phù hợp ứng phó với các loại thiên tai nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường.
Phối hợp với các sở, ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Xây dựng... chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông thực hiện kiểm tra, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du. Huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích; huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, kết quả tìm kiếm người bị mất tích theo quy định.
Tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương.
(Nguồn: Vietnamnet)