[WeNews] Mùa thu năm nay nhất định phải du hí An Giang vì lý do này
Khác với miền Bắc hay miền Trung, độ vào thu là thời điểm mùa nước nổi diễn ra đỉnh điểm ở An Giang cũng như các tỉnh miền Tây. Phải về An Giang dịp này mới thấy được một màu trắng xóa của những cánh đồng lúa khi nước lên, khu rừng tràm xanh mướt và sôi động hơn với hệ sinh thái đặc trưng, cả những món ngon gắn liền với mùa nước nổi đang chờ đón bạn.
An Giang được mệnh danh là vùng đất của thốt nốt. (Ảnh: Hường Trần)
Du lịch An Giang là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa tâm linh, nếu muốn khám phá trọn vẹn nhất, bạn nên dành ra khoảng 3 – 4 ngày để đi hết An Giang. Mùa nước nổi về mang theo cá tôm về, làm giàu thêm phù sa cho ruộng đồng, không những thế còn đem lại những cảnh sắc tuyệt vời làm ngơ ngẩn lòng du khách.
Len lỏi trong rừng tràm Trà Sư. (Ảnh: Jet Huỳnh)
An Giang được biết đến với nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, du lịch phát triển, văn hóa đa dạng và là điểm trung gian để tham quan nhiều vùng lân cận cũng như hành trình du lịch sang nước bạn Campuchia. Tháng 10 – 11 là thời điểm thích hợp để du khách về An Giang đón mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư, ngang qua những cánh đồng thốt nốt ở Tịnh Biên, Tri Tôn, hồ Tà Pạ, hay tham quan núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ, búng Bình Thiên và thưởng thức ẩm thực xứ mắm Châu Đốc,…
Mùa nước trắng xóa trên những cánh đồng lúa. (Ảnh: Hường Trần)
Sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm rừng tràm Trà Sư bởi "con đường xanh" này dường như đã trở thành nét điển hình cho cho mùa nước nổi An Giang. Ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, len lỏi giữa kênh rạch chằng chịt của rừng tràm. Bạn sẽ có cơ hội thả mình trong bốn bề xanh ngắt với những hàng cây tràm thẳng tít hai bên, dưới nước là lớp bèo trôi, không gian yên tĩnh, thỉnh thoảng bị đánh động bởi tiếng chim kêu giữa rừng. Du khách có thể tận mắt nhìn ngắm những loài chim đủ màu sắc với cự ly gần, có thể là trên những tán cây hay ở hai bên bờ.
Trà Sư là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của An Giang. (Ảnh: Hường Trần)
Cách thị xã Châu Đốc chừng 30km, rừng tràm Trà Sư tại An Giang là nơi mà con người có thể hòa vào thiên nhiên, lênh đênh giữa mây trời, sông nước và chim muông và không hề dính chút khói bụi nào. Khi rẽ vào sâu bên trong, những hàng lối ngay ngắn thẳng tắp như chào đón bạn, khung cảnh xanh ngắt từ mặt nước lên đến bầu trời cũng đủ làm bạn thích thú. Ngay cả khi đứng trên đài quan sát, bốn bề chung quanh cũng đều là rừng nối tiếp nhau.
Thả mình giữa thiên nhiên xanh mướt. (Ảnh: Hường Trần)
Trà Sư nhìn từ đài quan sát. (Ảnh: Hường Trần)
Trở về từ rừng tràm Trà Sư, đi ngang qua Tịnh Biên – xứ sở của những hàng thốt nốt cao chót vót, bình yên giữa cánh đồng lúa khiến ai cũng muốn nán lại chụp vài kiểu ảnh và tận hưởng giây phút hiếm hoi ấy. Vào tầm tháng 10 – 11, đa phần các cánh đồng đã ngập nước hoặc vào lúc chín rộ chuẩn bị gặt. Nếu may mắn, bạn sẽ lạc vào bức tranh đẹp như thiên đường, cả đồng lúa chín vàng được điểm xuyết bằng hàng thốt nốt giữa nền trời xanh trong.
Những hàng thốt nốt giữa cánh đồng lúa. (Ảnh: Hường Trần)
Cảnh sắc có một không hai ở An Giang. (Ảnh: Hường Trần)
Những cánh đồng chạy dọc theo con đường chính, hai bên còn có những hàng quán, café võng bán nước thốt nốt mới chặt, tươi rói và ngọt lịm. Thật uổng phí nếu bạn không thử một lần thưởng thức thứ nước uống đặc trưng chỉ có ở xứ thốt nốt này. Ngoài ra, đừng quên thưởng thức bánh bò thốt nốt – loại bánh làm từ trái thốt nốt đặc trưng của vùng đất An Giang. Bánh có màu vàng đậm đặc trưng, vị ngọt nhẹ không quá gắt, xốp mềm và ăn không hề ngán.
Thưởng thức nước thốt nốt trứ danh. (Ảnh: Hường Trần)
Từ Tịnh Biên, đi thêm khoảng 40km nữa sẽ đến Tri Tôn. Ở đây, có một địa danh rất quen thuộc với các nhiếp ảnh gia, đó là cánh đồng Tà Pạ và hồ nước cùng tên được ví như “tuyệt tình cốc” của miền Tây. Hồ Tà Pạ nằm trong đồi Tà Pạ – là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh “Thất Sơn” huyền bí của An Giang. Do quá trình khai thác đá, hồ có màu xanh ngọc bích lạ mắt. Và màu nước cũng có thể biến đổi tùy theo đá ở dưới và sắc mây trời bên trên. Chính điều này đã khiến Hồ Tà Pạ trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Hồ Tà Pạ là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: @beto.leisure)
Một địa điểm độc lạ mà bạn nên thử vào mùa nước nổi chính là búng Bình Thiên, gần cửa khẩu Khánh Bình, cách thành phố Châu Đốc 35 km. Búng Bình Thiên trở mình vào mùa nước nổi, đem lại cảm giác yên bình, dịu mát giữa không gian xanh ngắt của dòng sông và cả bầu trời. Nét đặc trưng dễ thấy ở búng chính là màu nước trong xanh, khác xa nước màu đục của những kênh, rạch, sông, hồ quanh vùng, ngay cả vào mùa lũ khi dòng nước đục ngầu phù sa tràn vào. Nếu thích thong dong giữa hồ, bạn có thể thuê thuyền của người dân ven bờ, với giá từ 150.000 – 300.000 đồng/người, mỗi lượt thuyền chở được 4 – 10 người.
Búng Bình Thiên trở mình vào mùa nước nổi. (Ảnh: @mekongdelta_vietnam)
Quay lại với Châu Đốc – chốn linh thiêng mà bất cứ ai cũng muốn ghé thăm một lần để cầu an. Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc tại chân núi Sam là địa điểm không chỉ lý tưởng cho chuyến đi hành hương, mà còn là nơi để bạn có thể tận hưởng không khí trong lành của núi Sam ở độ cao gần 300 m và nhìn toàn cảnh Châu Đốc cùng kênh Vĩnh Tế. Một số địa điểm tâm linh khác cho bạn tham khảo như chùa Tây An, Đình Châu Phú, Lăng Thoại Ngọc Hầu,...
Miếu Bà Chúa Xứ đón nhiều du khách thập phương ghé thăm. (Ảnh: Hường Trần)
Qua phà Châu Giang sẽ đến với 2 làng Chăm Phú Hiệp và Châu Phong (thị xã Tân Châu), mọi thứ đều trở nên độc đáo và thú vị với một người ngoại đạo. Những thánh đường Hồi giáo đầy uy nghi, bề thế với lối kiến trúc đặc trưng rất rõ nét. Trên đường, bạn có thể bắt gặp rất nhiều người dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Nam giới thường mặc xà rông, nữ giới mặc abaja và quấn khăn hijab.
Thánh đường hồi giáo Jamiul – Azhar ở Châu Giang. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra)
Ở hai ngôi làng này các món ăn thường không dùng thịt heo, thay vào đó là thịt bò, gà và các loại hải sản. Du khách có thể thử thưởng thức cháo bò, cơm thịt bò nướng, cà ri Ấn Độ và các món ăn hấp dẫn khác của người Chăm nơi đây.
Cơm thịt bò nướng ở làng Chăm. (Ảnh: Hường Trần)
Ngoài văn hóa của người Chăm, bạn cũng có thể ghé thăm những ngôi chùa của người Khmer tại An Giang như chùa Tà Miệt ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn hoặc chùa Thom Mít ở xã Vĩnh Trung, chùa Rô ở xã An Cư của huyện Tịnh Biên.
Những ngôi chùa Khmer cổ ở An Giang. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra)
Mùa nước nổi về, cá linh và bông điên điển lại trở thành điểm nhấn trong ẩm thực của người dân An Giang. Vị ngọt từ cá linh, chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... tạo nên một món ăn tuyệt tác miền sông nước mà không đâu có được. Bạn có thể thưởng thức lẩu hay canh cá linh bông điên điển, lẩu mắm, bún mắm, cá lóc nướng trui,… để cảm nhận.
Một quầy hàng bán mắm ở miếu Bà Chúa Xứ . (Ảnh: Hường Trần)
Món lẩu cá linh bông điên điển. (Ảnh: Anh Tuấn)
Trong hành trình An Giang, nếu có dịp ghé ngang “chùa Bánh Xèo” Thiền Viện Đông Lai (thuộc khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), bạn có thể thử món bánh xèo chay trứ danh của chùa. Đây là nơi đã phục vụ bánh xèo chay miễn phí cho bà con khách thập phương ghé thăm gần 20 năm qua.
Thiền Viện Đông Lai nổi tiếng với món bánh xèo chay. (Ảnh: Hường Trần)
Khi được vào khu bếp chứng kiến tận mắt những người đứng bếp với đôi bàn tay thoăn thoắt đổ bánh liên tục trên 10 chiếc chảo xếp theo hình bán nguyệt mới thật sự đáng khâm phục. Vì lớp vỏ rất mỏng nên người làm phải thật sự nhanh tay, đổ xong chảo này phải lật chảo khác ngay lập tức mới kịp cho ra những chiếc bánh vàng ươm, nóng hổi.
Nguyên liệu để làm bánh rất đơn giản, gồm bột gạo pha cùng nước dừa. Nhân bánh có đậu xanh, đậu hũ, giá đỗ, sắn, nấm, bông điên điển và nhiều loại rau rừng của vùng núi Cấm. Tuy chỉ là bánh xèo chay nhưng không vì thế mà món lại thua kém trong hương vị. Chiếc bánh nào cũng vàng ươm, giòn rụm cùng với mùi thơm lan tỏa. Nhân có phần thanh đạm và mộc mạc với đậu bùi bùi, sắn tươi ngọt cùng với bông điên điển đăng đắng. Khi ăn chấm với nước mắm chua ngọt, gói cùng rau rừng thì còn gì đặc sắc hơn.
Món bánh xèo chay khiến mọi vị khách mê mẩn. (Ảnh: Hường Trần)
An Giang là một trong những tỉnh ở đầu nguồn đón lũ về sớm nhất. Khi con nước lớn đổ về mỗi độ giao mùa, khi lúa vừa gặt phơi xong, cũng vừa lúc mùa nước nổi lại về. Những ngày tháng 10 – 11 mang nhiều đặc trưng mà không nơi nào có được, nên mùa thu này, nhất định phải về An Giang thương nhớ!
(Nguồn: Việt Nam Mới)