Phát hiện chấn động: Đàn khỉ dùng bè vượt gần 1500km qua Đại Tây Dương để tới Nam Mỹ 34 triệu năm trước -
Một loài khỉ cổ đại cách đây 34 triệu năm đã vượt Đại Tây Dương để di chuyển từ châu Phi tới Nam Mỹ bằng một ‘
chiếc bè’ làm từ thực vật. Đây là nghiên cứu mới được các nhà khảo cổ học của Đại học Nam California (USC) công bố, dựa trên các dữ liệu thu thập được từ 4 hóa thạch răng của loài khỉ cổ đại được tìm thấy ở Peru.
Theo CNN, hóa thạch trên thuộc về một loại khỉ chưa từng được phát hiện trước đây có tên Ucayalipithecus perdita, sinh sống tại khu vực bờ sông Yurua trong rừng Amazon của Peru. Khỉ Ucayalipithecus có kích thước khá nhỏ, chỉ nặng khoảng 350 gram.
Ảnh 1. Khỉ Ucayalipithecus perdita được cho là có kích thước tương tự với một số loài khỉ sinh sống tại Nam Mỹ ngày nay
Đáng chú ý, hoá thạch của loài khỉ này rất giống với một nhánh linh trưởng châu Phi đã tuyệt chủng có tên là Parapithecidae, từng sống cách đây 23-56 triệu năm tại khu vực hiện nay là Ai Cập, Libya và Tanzania – cách rất xa so với Nam Mỹ. Nói cách khác, đây có thể coi là bằng chứng đầu tiên về việc khỉ Nam Mỹ thực chất đã tiến hóa từ loài linh trưởng có nguồn gốc châu Phi, sau khi chúng ‘di cư’ đến đây vào thời điểm hàng chục triệu năm về trước.
Theo nhóm nghiên cứu, vào khoảng 34 triệu năm trước, các lục địa xích lại gần nhau hơn rất nhiều. Khoảng cách để di chuyển từ Châu Phi sang Nam Mỹ chỉ khoảng 1450km – gần hơn khoảng cách hiện tại rất nhiều.
Ảnh 2. Những con khỉ cổ đại đã sử dụng những chiếc bè tự nhiên để vượt Đại Tây Dương (Ảnh minh họa)
Được biết, những con khỉ Ucayalipithecus perdita đã thực hiện chuyến hải trình vượt qua Đại Tây Dương trên một ‘chiếc bè’ đặc biệt. Một cơn bão khi đổ bộ vào đất liền đã cuốn trôi nhiều cây cối, thực vật ra biển.
Những đám cây và thực vật này đã mắc kẹt vào nhau, vô tình tạo thành một chiếc bè tự nhiên trôi nổi trên biển, giúp khỉ Ucayalipithecus perdita ‘dong buồm’ tới thẳng Nam Mỹ. Đáng chú ý, những ‘chiếc bè’ tự nhiên này cũng đồng thời là nơi các loại cây ăn quả phát triển, cung cấp thức ăn cho khỉ trong suốt hành trình.
Ảnh 3. Các hóa thạch răng khỉ Ucayalipithecus perdita được tìm thấy ở Peru.
Giáo sư Erik Seiffert, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam California cho biết, hành trình vượt biển Đại Tây Dương của khỉ Ucayalipithecus là ‘vô cùng khó khăn’". Tuy nhiên, kích thước rất nhỏ của loài khỉ tiền sử này lại là lợi thế so với động vật có vú lớn hơn khi vượt biển, bởi chúng sẽ cần ít thức ăn và nước uống hơn từ bè thực vật, theo giáo sư Erik Seiffert.
Tuy nhiên, khỉ Ucayalipithecus không phải loài động vật có vú đầu tiên thực hiện chuyến di cư từ Châu Phi sang Nam Mỹ. Trước đó, đã 2 loại động vật có vú khác từng vượt biển thành công qua Đại Tây Dương. Một loài là khỉ Tân thế giới (Platyrrhini), đặt chân tới Nam Mỹ vào khoảng 40 triệu năm trước đây. Loài còn lại là nhóm động vật gặm nhấm được đặt tên là Caviomorph, vốn được coi tổ tiên của chuột lang nước hiện đại. Mặc dù vậy, việc chúng đến Nam Mỹ bằng cách nào vẫn đang là một dấu hỏi lớn với các nhà khoa học.
"Đây là một khám phá độc đáo. Bên cạnh những con khỉ Tân thế giới và một nhóm động vật gặm nhấm được gọi là caviomor, đã có một loài động vật có vú khác bằng một cách nào đó đã thực hiện hành trình cực kỳ khó khăn, băng qua Đại Tây Dương để đi từ Châu Phi đến Nam Mỹ", Giáo sư Seiffert cho hay.
Tham khảo CNN
Tri Thức Trẻ