Những trò chơi quanh lửa trại sẽ tăng thêm niềm vui và trở thành những hồi ức quý giá mà bạn sẽ nhớ mãi về thời gian tuyệt vời cùng bạn bè khi đi cắm trại, dã ngoại.
Camping Kit gợi ý bộ đồ cắm trại đầy đủ nhất
Top lều cắm trại được khách hàng ưa chuộng
Lửa trại gắn liền với hình ảnh bạn ngồi thoải mái trên ghế cắm trại, với kẹo dẻo giữa tiếng động của đêm, côn trùng, những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm, tàn lửa gỗ bay giữa không khí trong lành, mùi hương của những món ăn và các loại đồ uống thơm ngon khác dùng khi đi dã ngoại… và dĩ nhiên là niềm vui, tiếng cười, và những người bạn tốt!
Trong đêm lửa trại, ngoài việc kể cho nhau nghe những câu chuyện ma đáng sợ, hay những câu chuyện cười vui nhộn thì hãy thử tổ chức những trò chơi được WETREK.VN gợi ý sau đây để tăng thêm phần hào hứng khi ngồi quanh lửa trại.
TRÒ CHƠI CON ẾCH (FROG)
Ngồi thành một vòng tròn xung quanh lửa trại, người đầu tiên nói: MỘT CON ẾCH, người thứ hai nói: 2 MẮT, người thứ ba nói: 4 CHÂN, người thứ tư nói: TRONG VŨNG NƯỚC, người thứ năm nói: TÕM. Hãy xem có bao nhiêu con ếch mà bạn có thể có trong vũng nước nhỏ mà không phạm luật.
Gợi ý:
- Bạn có thể chơi trò chơi lửa trại này theo nhịp vỗ tay sẽ vui hơn.
- Nếu ai đó mắc sai lầm, mọi người hét “ẾCH” và người đó BỊ LOẠI và những người còn lại tiếp tục cho đến khi có một người chiến thắng cuối cùng!
TRÒ CHƠI GHẾ NÓNG (HOT SEAT)
Đặt ghế của một người trước mặt cả nhóm - người này đang ngồi “GHẾ NÓNG”! Viết một từ hài hước hoặc kỳ lạ lên một mẩu giấy và giơ nó lên phía sau người ngồi ghế nóng để mọi người nhìn thấy. Cả nhóm phải cố gắng giúp thành viên ngồi ghế nóng đoán được từ đó bằng cách đưa ra những lời gợi ý và đầu mối. Nếu người đó đoán được từ sau khi mọi người trong nhóm gợi ý, họ an toàn, nếu không, nhóm quyết định một hình phạt hài hước như hát một bài hát hoặc thực hiện một hành động ngốc nghếch.
TRÒ CHƠI ĐIỆN THOẠI (TELEPHONE)
Người đầu tiên nghĩ về một cụm từ, sau đó thì thầm với người bên cạnh trong hàng. Bây giờ, người này truyền thông điệp cho người bên cạnh tiếp, việc truyền đi tiếp tục được thì thầm từ người này sang người kia cho đến khi tới người chơi cuối cùng, người này nói to thông điệp mà anh ấy hay cô ấy nhận được. Trò chơi lửa trại vui nhộn này không có người chiến thắng, sự giải trí đến từ cụm từ cuối cùng mà người chơi nhận lại được và so sánh với cụm từ gốc.
TRÒ CHƠI VUA GIÀY (SHOEKING)
Ngồi quanh lửa trại trên những chiếc ghế cắm trại, mỗi người giữ thăng bằng một chiếc giày trên các ngón chân! Mục tiêu là đá nhẹ chiếc giày ra sau đầu! Không phải vào đám lửa! Người hất được giày ra xa nhất sẽ là người chiến thắng! Hãy thử trò chơi này, sẽ rất vui đấy!
TRÒ CHƠI LÀM TÔI CƯỜI (MAKE ME LAUGH)
Trò này có một quy tắc đơn giản: làm mọi người bật cười trong khi cố không để chính mình cười. Chia nhóm thành hai đội và quyết định nhóm nào chơi trước tiên. Sau đó chọn một người từ nhóm đối thủ vào “ghế nóng”. Đặt máy bấm giờ trong 2 phút. Đội chơi có một nhiệm vụ đơn giản là: làm người ở ghế nóng bật cười. Giờ thì việc cười thành tiếng, cười mỉm, cười khúc khích và cười hô hố có thể rất khó phân biệt với nhau, có nguy cơ tạo ra sự bất đồng, nên chúng tôi muốn đưa ra luật chơi đơn giản này: nếu bạn nhe răng ra, bạn bị loại!
Đội có thể chơi cùng nhau hoặc chơi theo cá nhân, nhưng họ không được phép chạm vào đội kia, chế nhạo, hoặc chơi xấu. Khi ai đó bị loại, đội của anh ấy hay cô ấy phải thay phiên lên sân khấu. Nếu người chơi có thể giữ một bộ mặt không thay đổi trong suốt hai phút, anh ấy giành được một điểm cho đội của mình.
TRÒ CHƠI ĐOÁN TÊN GIAI ĐIỆU (NAME THAT TUNE)
Nếu có một người biết chơi nhạc trong đoàn thì các bạn nên thử trò “Đoán tên giai điệu”. Trong đêm đốt lửa trại, một cách chơi rất vui là để người chơi nhạc bắt đầu chơi một ca khúc. Người đầu tiên có thể đoán đúng tên giai điệu chiến thắng. Nếu không ai biết chơi nhạc trong đoàn hãy dùng máy nghe nhạc mp3 hoặc chiếc smartphone của bạn.
Lưu ý: trò này chơi vui nhất khi phần lớn người chơi thật sự biết những bài hát được chơi.
TRÒ CHƠI HAI SỰ THẬT VÀ MỘT LỜI NÓI DỐI (TWO TRUTHS AND A LIE)
Mỗi người trong nhóm chia sẻ ba thông tin về chính mình. Đây là quy tắc: hai trong số đó là thật, nhưng một cái là hoàn toàn sai. Những người chơi khác phải cố gắng đoán cái nào là lời nói dối. Bây giờ, để làm nó vui nhộn, đừng nói điều gì đó như “Tôi trưởng thành ở Brooklyn” nếu bạn thật sự lớn lên ở Queens. Đó không phải một sự khác biệt lớn và không ai quan tâm. Mỗi người đều có những trải nghiệm trong đời mà gần như chẳng ai có thể tin nổi. Những điều như, “Tôi từng múa belly dance.” “Tôi đã học cùng khóa với Bill Gates.” “Tôi đã vật nhau với một con cá sấu.” Bạn càng sáng tạo bao nhiêu, trò chơi càng vui bấy nhiêu, và tất cả các bạn sẽ trở nên thân thiết hơn!
TRÒ CHƠI HAI MƯƠI CÂU HỎI (TWENTY QUESTIONS)
Hai mươi câu hỏi là một trò chơi nổi tiếng bắt đầu với một người được chọn để làm người trả lời. Người đó sẽ chọn một đồ vật và giữ bí mật về nó. Những người khác là người hỏi, thay phiên nhau đặt những câu hỏi có thể được trả lời với “đúng” hoặc “sai”. Ngoài ra, nếu phù hợp, “có lẽ” cũng là một câu trả lời có thể chấp nhận được, nhưng người trả lời không được nói dối. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu người hỏi không thể xác định được đối tượng trong 20 câu hỏi, người trả lời sẽ thắng và duy trì vai trò đó trong vòng tiếp theo. Nếu ai đó đoán được đồ vật trước khi 20 câu hỏi được hỏi hết, người đó được tuyên bố là người chiến thắng và đảm nhận vai trò vinh dự của người trả lời.
TRÒ CHƠI THẬT HAY THÁCH (TRUE OR DARE)
Trở về năm 1712, một trò chơi diễn ra với một người chỉ huy sẽ yêu cầu những bề tôi trả lời một câu hỏi. Nếu bề tôi từ chối, hoặc không làm hài lòng người chỉ huy với câu trả lời của mình, anh ta sẽ bị ép làm theo một mệnh lệnh hoặc bị bôi nhọ nồi vào mặt. Ngày nay, ít người bị bôi nhọ vào mặt hơn, nhưng người chơi vẫn được cho một câu hỏi để trả lời. Nếu họ không muốn nói thật, họ có thể thực hiện một “lời thách đố”. Những câu hỏi thường gây xấu hổ, và những lời thách đố cũng vậy. Sau khi trả lời câu hỏi hoặc hoàn thành lời thách đố, người đó hỏi một người khác “Thật hay Thách?” và trò chơi tiếp tục.
TRÒ CHƠI KẺ ÁM SÁT NHÁY MẮT (THE WINKING ASSASSIN)
Một buổi tối khô lạnh ngồi quanh ánh sáng rực rỡ của lửa trại là một bối cảnh hoàn hảo cho trò chơi về cái chết và sự dối trá này. Tất cả người chơi nhắm mắt lại, ngoại trừ một người được xác định trước và được gán cho cái tên Bố Già. Bố Già bí mật đập nhẹ lên vai một trong những người chơi khác. Người này trở thành “kẻ ám sát”, người này có nhiệm vụ giết những người chơi khác, mỗi lần giết một người bằng cách nháy mắt với họ, mặc dù anh ấy phải làm điều đó bí mật, không để người khác nhìn thấy. Ngay khi ai đó bị anh ấy nháy mắt, người đó phải gục xuống và giả chết. Nhưng nếu có bất kỳ ai chứng kiến kẻ ám sát nháy mắt và nói với những người khác, trò chơi kết thúc. Nhưng đừng làm lộ bí mật quá nhanh; bất cứ ai đoán sai ngay lập tức được đưa tới vực sâu nhiều cá trong tưởng tượng và bị loại.
Phương Dung