Ai nói cứ hè thì phải đi biển mới là thích nhất? Hè này hãy thử cùng ngược lên miền trên hòa vào cuộc sống của một trong những cao nguyên hút hồn nhất Việt Nam nhé. Mùa hè miền Bắc lại đúng vào mùa mưa của Tây Nguyên. Nhưng như thế thì có hề gì? Chỉ cần biết lựa chọn địa điểm để khám phá, bạn vẫn có thể ghé Pleiku vào mùa này để được cảm nhận những cơn mưa ẩm ướt đến chẳng hề báo trước, được tránh xa cái nắng hè oi ả để đón không khí lành lạnh, chìm trong màn sương mờ đặc trưng chỉ có ở những vùng miền cao Tây Bắc.
1. Biển hồ T’Nưng
Có lẽ từ lâu câu hát “đôi mắt Pleiku biển hồ đầy” đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Và nếu muốn tìm kiếm cái mát của biển để làm dịu đi nắng nóng ngày hè thì “đôi mắt” của Pleiku hay “biển trên núi” sẽ đáp ứng bạn. “Biển trên núi” là ý nghĩa tên gọi của hồ T’Nưng trong tiếng Gia Lai.
T’Nưng có diện tích rất lớn, nhìn mãi không thấy bờ và vì lẽ đó mà người ta không gọi đây là hồ, mà là biển hồ T’Nưng. Ngay từ đường xuống biển hồ, bạn đã bị thu hút bởi hai hàng thông xanh mát cao vút chạy dọc bên đường, thổi vào tâm hồn những làn gió tự nhiên nhè nhẹ. Cho đến khi đặt chân đến bên bờ biển hồ, bạn sẽ hoàn toàn đắm chìm trong vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Pleiku – một vẻ đẹp với màu xanh bạt ngàn của nước biển, của mây trời và cây cỏ hòa quyện với nhau. Thả hồn vào trong khung cảnh ấy, bạn sẽ ngỡ như mình là một vị tu sĩ nào đó lên núi ẩn danh, sống giữa thiên nhiên và hít hà vào lồng ngực cái gió biển, gió rừng đặc trưng của vùng đất cao nguyên này.
2. Hồ thủy điện Yaly
Cùng với biển hồ T’Nưng nức tiếng, hồ thủy điện Yaly cũng là nơi đem gió mát đến cho thành phố này. Từ Biển Hồ, đi xa hơn về phía Kon Tum, với giá vé vào cửa 30.000đ/người, bạn có thể trực tiếp tham thú đại danh nổi tiếng lâu đời cũng là công trình Thủy điện lớn thứ hai ở nước ta - Hồ Thủy điện Yaly. Chú ý với các bạn đi xe máy thì sẽ không chạy xe vào tận trong đập được mà phải gửi xe rồi thuê ô tô gần đó. Đường vào Thủy điện đẹp và dễ đi nhưng nếu đi từ hướng Kon Tum sang Pleiku, các bạn cần chú ý biển chỉ đường và tốt nhất là nên hỏi người dân đường đi trước tránh lạc đường mất thời gian.
Hồ thủy điện Yaly hay còn được biết đến là Nguồn sáng lớn nhất Tây Nguyên là một lòng hồ rộng lớn, hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Tọa giữa núi đồi Tây Nguyên, hồ thủy điện Yaly hiện lên là một công trình thủy điện hiện đại, nguy nga, lấp ló ẩn mình trong lòng đồi núi.
Đến Pleiku, để được chiêm ngưỡng công trình đáng tự hào giữa cái bắt tay của thiên nhiên và con người, để được đắm mình trong làn gió mát rượi từ chiếc hồ không chỉ đẹp mà còn đem lại tiện ích cho cuộc sống người dân nơi đây này.
3. Biển Hồ chè
Thành phố Pleiku lại tiếp tục nhiệm vụ tưới mát cho tâm hồn bạn trong những ngày hè nắng nóng khi trốn tới cao nguyên này bằng cái mát mẻ dễ chịu của cửa nương chè bạt ngàn tại Biển Hồ chè – một điểm kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và những bạt ngàn chè xanh nơi đây.
Đồn điền trà chỉ cách TP. Pleiku về phía Bắc chừng 10 km. Để đến với đồi chè, các bạn sẽ được đi trên con đường quốc lộ với núi non hùng vĩ chạy dọc theo hai bên đường và bầu trời mênh mông trong vắt ở trên cao. Sau đó, các bạn sẽ được đặt chân lên con đường nhỏ dẫn vào đồi chè và ngay lập tức bị cuốn hút bởi hàng thông phủ kín lá kim dọc hai bên đường, tựa một dàn quân nồng hậu chào đón chúng ta.
Đồi chè của Pleiku bạt ngàn ngút tầm mắt, khiến người đi như lạc vào một thiên đường chè xanh ngát với xa xa những dãy núi ẩn hiện cùng làn mây trắng bồng bềnh và hít hà chút hương thơm lá chè dìu dịu, thanh mát mà vương vấn mãi không nguôi. Đặc biệt, nếu đến đây vào mùa hè, bạn còn sững sờ hơn nữa khi cảm nhận được hết cái thơ của đồi chè này khi giữa khung cảnh thiên nhiên mơ mộng điểm chấm những hình ảnh con người đầy chân thật, sinh động với những cô cậu nhóc nhỏ nhặt những quả thông rụng và đắm mình trong những tiếng ve hè ríu rít.
Ngoài ra, nếu đã đến đồi chè, bạn đừng bỏ lỡ chùa Bửu Minh với ngọn tháp cao nhất thấp thoáng trong làn mây khi đứng từ vườn chè nhìn xa ra. Chùa Bửu Minh nằm ngay gần Biển Hồ chè và là niềm tự hào của người dân trồng chè tại Biển Hồ chè nói riêng và người dân Pleiku nói chung với diện tích chánh điện hơn 500 m2, cao gần 50m.
4. Công viên Đồng Xanh
Nằm trên quốc lộ 19, giữa cánh đồng lúa An Phú xanh bạt ngàn, công viên Đồng Xanh hay còn được ví như một “Tây Nguyên thu nhỏ” là một địa điểm nữa bạn nhất định không thể bỏ lỡ khi đến khám phá Pleiku dịp hè này.
Công viên Đồng Xanh không chỉ là nơi giúp các bạn “tránh nắng” với cây cỏ xanh rì ngập lối đi, với những bồn hoa được tỉa tót chăm sóc cực chu đáo mà còn là cơ hội để tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên bởi nơi đây mang đầy đủ những đặc trưng truyền thống trong cuộc sống thường nhật của đồng bào Tây Nguyên với các mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài. Đến đây, bạn còn có cơ hội được hòa mình vào không khí tưng bừng của các hoạt động sinh hoạt lễ hội cộng đồng của các buôn làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong tiếng vọng của đại ngàn: Tiếng đàn T’rưng nước, tiếng cối giã gạo, âm thanh của dàn cồng chiêng... và được thưởng thức rượu cần – một loại rượu đặc trưng của người Tây Nguyên được làm từ khoai mì, lúa và các nguyên liệu từ thiên nhiên.
Vừa dã ngoại lại vừa được tìm hiểu văn hóa đặc sắc của vùng cao nguyên nổi tiếng Việt Nam thì còn gì tuyệt bằng, nhỉ?
5. Núi Hàm Rồng
Cái tên cuối cùng nhưng không kém phần cuốn hút lôi kéo bạn đến với Pleiku hè này chính là núi Hàm Rồng hay còn gọi là núi ChưH’Rông. Núi Hàm Rồng nằm cách trung tâm thành phố 7km. Các bạn có thể đi bằng xe máy lên đỉnh núi hoặc leo bộ tùy ý. Lên đến đỉnh rồi thì xin phép các chú bộ đội đóng quân trên đó để có thể leo lên đài quan sát.
Cùng nằm trong khu vực cao nguyên, đường lên núi Hàm Rồng hoa dã quỳ mọc rất nhiều, đẹp vô kể. Đứng lên đỉnh núi vào những ngày hè, để gió trời thổi mát tâm hồn bạn rồi phóng tầm mắt xuống khung cảnh yên bình phía dưới với những ngôi nhà quanh chân núi, những vườn tiêu, rừng cao su và những đồi cà phê bị mây che lấp và sương mù phủ kín.
Lưu ý khi đi khám phá Pleiku mùa hè
- Khi đi lại bằng xe máy hoặc ô tô tự lái tại khu vực này các bạn cần tuân thủ theo các luật lệ giao thông, đặc biệt là quy định về tốc độ. Ở các khu vực đầu vào thành phố hay trung tâm huyện thường có cảnh sát giao thông bắn tốc độ.
- Hệ thống biển chỉ đường ở Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung nhiều khi gây nhầm lẫn nên hãy chắc chắn là bạn đã tìm hiểu kỹ google máp và khi rẽ vào đường ngang các bạn cứ hỏi thêm người dân cho chắc ăn.
- Đi Gia Lai vào mùa mưa – tức mùa hè của miền bắc, các bạn nên chuẩn bị kỹ càng áo mưa, giày dép thuận tiện và tránh đi vào những khu vực suối, thác vì thời điểm này thác nước chảy xiết, đá trơn, đường mòn bùn đất, lầy lội, rất nguy hiểm cho việc di chuyển.
- Các bạn cũng nên mang theo áo khoác mỏng vì sáng sớm và tối muộn ở đây cũng lạnh hơn so với ban ngày.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết kinh nghiệm chi tiết khám phá Pleiku
TẠI ĐÂY.
(Tổng hợp)