Cách chọn bánh chưng ngon ngày Tết
Bởi: Vô danh
15/02/2015  -  3801 Lượt xem
Tết đến, mỗi gia đình người Việt Nam đều nô nức chuẩn bị mọi thứ từ ”Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” đến “ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, với mong muốn đón một năm mới thật sung túc, an lành, hạnh phúc. Trong mâm cỗ đón xuân của người Việt Nam, bánh chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ xưa đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn của ngày Tết ở niềm Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Theo truyền thuyết, bánh chưng có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 nhằm tôn vinh nền văn hóa lúa nước và thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Ngoài bánh chưng xanh truyền thống, ngày nay người ta còn gói cả bánh chưng gấc và bánh chưng chay. Thông thường, bánh được làm trong các dịp Tết, đám cưới, ma chay và trong các dịp lễ cúng Tổ tiên, Trời Đất. Ngày nay, bánh bánh chưng không những có mặt ở miền Bắc, miền Trung, mà ngay cả ở miền Nam người ta cũng thích ăn bánh chưng. Nếu như ở miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng làng Tranh Khúc ( Duyên Hà), miền Trung có bánh chưng Hoàng Công ( Đà Nẵng), thì miền Nam có bánh chưng Thanh Đan, Tiến Thịnh hay. Nét đặc biệt của bánh chưng ở miền Nam, ngoài bánh chưng được sản xuất tại cơ sở, còn có bánh chưng thuần miền Bắc với độ thơm, độ dẻo, đậm đà của hương vị Hà Nội. Ngoài ra, bánh còn đươc bán trong các hệ thống siêu thị Co-op Mark, Citi mark, Maxi Mark…
Để chọn được bánh ngon, theo kinh nghiệm của nhiều người, bánh khi cầm trên tay phải có độ chắc vừa phải, không quá cứng nhưng vẫn có độ mềm của bánh. Khi cắt bánh ra, lớp nếp bên trong và bên ngoài phải có độ nở đều, lớp nếp và nhân kết dính thành lớp, nhân không bị vụn hoăc rớt xuống, thịt mỡ có màu trắng trong, còn thịt nạc có màu trắng hồng. Một số nhà sản xuất còn cho rằng bánh ngon còn phải sạch, sạch từ khâu chuẩn bị nguyên liệu: lá phải được rửa sạch, đậu xanh đồ vừa chín tới, gạo nếp phải ngâm đãi thật kĩ, thịt mỡ ướp đủ gia vị…và phải được nấu ngay sau khi gói, như thế sẽ bảo quản bánh được lâu hơn.
Bánh chưng cầu kì từ cách gói, khâu chọn nguyên liệu, còn đến cả nghệ thuật thưởng thức như một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Người ta thường cắt chéo bánh vuông bằng lạt, bánh chưng dài thì cắt lát ngang, thường được ăn cùng với dưa hành, nước mắm rắc chút bột tiêu.