[WeNews] Đến thác Bản Giốc, đừng quên viếng thăm những địa điểm bậc nhất này ở Cao Bằng
Cao Bằng không chỉ thu hút khách du lịch với thác Bản Giốc nổi tiếng, phong cảnh non nước hùng vĩ, hoang sơ mà còn nhiều địa danh mang đậm tính lịch sử như hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao,…
1. Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc từ lâu đã là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch vởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền diệu. Qủa thật không sai khi nói rằng, Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam.
Nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, nhìn từ xa, thác Bản Giốc giống như “dải ngân hà tuột khỏi mây”.
Từ độ cao trên 30 m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng nước thành 3 luồng như ba dải lụa trắng.
Đến thác Bản Giốc, du khách sẽ được thả mình vào dòng nước suối mát lạnh hay ngồi bên phiến đá to dưới chân thác để ngắm nhìn những dòng nước tuôn trắng xóa từ trên cao xuống, mọi buồn phiền theo đó mà tan biến.
2. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Đến đây, du khách sẽ được thanh lọc tâm hồn, trốn xa những ồn ào phố thị, hướng về cuộc sống thiện tâm hơn.
3. Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Nó nằm ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển.
Tên của Hồ Thang Hen còn được hiểu là "đuôi ong", bởi vì nếu đứng từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống bạn sẽ liên tưởng ngay đến hình dáng của đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng từ 100m - 300m, chiều dài từ 500m - 1.000m tùy theo mực nước lên xuống vào mùa mưa hay mùa khô trong một năm.
Hồ là một bể nước kín tự nhiên, có các dòng sông suối ngầm đổ về và cũng có nhiều dòng suối ngầm chảy đi theo một hệ thống sông suối ngầm nằm sâu trong lòng những rặng núi đá. Hiện tượng này trong ngành địa chất gọi là Carxtơ.
Đến đây ngoài việc được ngắm cảnh sông nước, núi rừng hùng vĩ, thơ mộng, chèo thuyền từ hồ này sang hồ khác, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, du khách còn được nếm hương vị rượu thơm ngon nồng ấm chưng cất từ ngô và men lá theo phương pháp cổ truyền của người dân tộc Tày.
4. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921.
Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Vòm động khép lại rồi lại mở ra, tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, nhũ thẳng đứng, nhũ to, nhũ nhỏ… tất cả đan xen tạo thành một mê cung kỳ diệu.
Có thể nói, động Ngườm Ngao là kiệt tác hoàn hảo của tạo hóa.
5. Khu di tích Pắc Pó
Khu di tích Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia – đặc biệt của Việt Nam, thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía Bắc.
Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó (tên địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, suối Lê nin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành…
Ảnh sưu tầm
(Theo Báo Phụ Nữ)