[WeNews] Khám phá Kailash - vùng viễn Tây của Tây Tạng mang lại may mắn cho những người hành hương
Kailash cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng 1.000 km về hướng tây, nổi tiếng là ngọn núi linh thiêng theo Phật giáo.
Nằm trong rặng Kailash thuộc dãy Himalaya, Kailash như một khối đá đen khổng lồ vươn sừng sững lên trời. Với độ cao gần 6.700 m, nơi đây nổi tiếng là một trong những ngọn núi linh thiêng theo tín ngưỡng Phật giáo. Ảnh: ShutterStock/Alexfe.
Kailash nằm ở vùng viễn Tây của Tây Tạng. Không có máy bay, tàu hay xe buýt công cộng đến gần vùng này. Ngay cả khi dùng xe địa hình, chuyến đi cũng kéo dài hàng tuần với nhiều khó khăn, thử thách. Dù có hướng dẫn viên giúp đỡ, người hành hương cũng phải tự mang vác nhiều đồ dùng cho chuyến đi. Ảnh: ShutterStock/Raimond klavins.
Mùa hè thời tiết dễ chịu, trung bình 15 độ C, tuy nhiên nhiệt độ vùng này nhiều khi thay đổi đột ngột không theo dự báo. Trên cao, không khí loãng và khô. Thiếu ô-xy làm nhiều người bị đau đầu, mất ngủ. Không phải ai cũng đủ sức khỏe để chịu đựng. Vì thế, trước chuyến đi, bạn cần tập luyện thể thao và sức bền, trung bình khoảng 6 tháng, nếu bạn không muốn phải bỏ cuộc hành hương giữa chừng. Ảnh: ShutterStock/Almazoff.
Chuyến hành hương gồm hai phần. Phần thứ nhất đi bằng các phương tiện tàu xe, lừa, ngựa, bò yak hay đi bộ đến chân núi. Phần thứ hai là đi vòng quanh chân núi. Phần này chỉ được đi bộ, ngôn ngữ bản địa gọi là Kora Kailash.
Nghi thức đi bộ quanh chân núi sẽ mang lại may mắn cho người hành hương. Người theo đạo Phật và Ấn Độ giáo thì đi vòng theo chiều kim đồng hồ. Người theo đạo Jana và Bon theo chiều ngược lại. Chỉ khi chuẩn bị cho mình đủ sức mạnh cả về tâm linh lẫn thể chất thì bạn mới có thể vượt qua thử thách trên hành trình khó khăn này. Ảnh: ShutterStock/Almazoff.
Hàng nghìn người đã leo được tới đỉnh Everest cao 8.848 m, còn Kailash cao hơn 6.700 m thì chưa ai đặt chân đến. Nhiều truyền thuyết kể rằng, những người đặt chân lên con dốc dẫn lên núi đều phạm thượng và có thể chết. Vì thế, việc hành hương chỉ được phép quanh chân núi. Hiện nay, để bảo vệ sự linh thiêng của ngọn núi, chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm leo núi. Ảnh: ShutterStock/Almazoff.
Mỗi năm, hàng nghìn người đến núi thiêng Kailash, nhưng chỉ có ít người chịu được gian khổ để tới sát chân núi. Số người đi bộ được hết vòng chân núi dài 52 km, lại càng ít.
Nhiều người Tây Tạng tin rằng, phải đi hết con đường này trong vòng một ngày, nhưng khó ai làm nổi. Nhiều khách hành hương bản địa còn thực hiện nghi thức khó khăn. Sau mỗi bước đi, tín đồ lại phủ phục xuống, rồi nằm dài ra để các đầu ngón tay in dấu xuống tuyết. Sau đó, họ ngồi lạy, rồi đứng lên bước tới chỗ ngón tay mình in dấu và lại phủ phục xuống. Người khỏe cũng mất ít nhất một tháng mới đi được hết chân núi như vậy. Ảnh: ShutterStock/Almazoff.
Nếu muốn đến đây khám phá, bạn nên đặt tour của các công ty du lịch. Hành trình đưa bạn đến Lhasa, sau đó di chuyển bằng ôtô. Chuyến đi kéo dài khoảng 4 ngày qua nhiều thành phố xinh đẹp của Tây Tạng rồi dừng tại Darchen ở độ cao 4.600 m, nơi có nhà nghỉ. Du khách sau đó sẽ đi bộ, cưỡi yak (trâu rừng) hoặc ngựa để đi vòng quanh chân núi, mất khoảng ba ngày. Hạ tầng cơ sở vật chất quanh núi hiện nay được cải thiện hơn nhiều, với những ghế ngồi rải rác để nghỉ chân. Ảnh: ShutterStock/Almazoff.
(Theo Vnexpress)