Menu
Logo WeTrek 2024 new (0)
Bạn cần trợ giúp ?
Gọi cho chúng tôi (miễn phí)
028 7305 1988
Live Chat
Tài khoản
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập bằng số điện thoại
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc
Kinh nghiệm trekking Tà Chì Nhù - Thiên đường mây nhất định phải ghé một lần trong đời
Bởi: Vô danh
06/09/2024  -  26216 Lượt xem

Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, được ví như “đại dương trên mây” vì nổi tiếng với biển mây ở lưng chừng trời. Nơi đây cũng là "vương quốc của nắng -gió" và đặc biệt nổi tiếng với loài hoa Chi Pâu phủ tím các đỉnh núi.

Địa điểm: Tà Chì Nhù

Vị trí: Trạm Tấu, Pú Luông, Hoàng Liên Sơn

Độ cao so với mực nước biển: 2.979 m

Đặc điểm: Đường leo nhiều cây bụi, dốc núi đá liên tục

Thời gian leo: 3 ngày

Hoạt động Outdoor nổi bật: Trekking, leo núi, săn mây, săn hoa tím Chi Pâu, cắm trạiĐộ khó: 4/5 (cung đường dốc núi liên tục và rất trơn trượt khi trời mưa)

Thời gian lý tưởng săn mây: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau (thời điểm săn mây đẹp)

Thời gian lý tưởng săn hoa Chi Pâu: Tháng 10

1. GIỚI THIỆU TÀ CHÌ NHÙ

Tà Chì Nhù (thuộc khối núi Phú Lương của dãy Hoàng Liên Sơn) thực ra chỉ là cái tên do các phượt thủ đặt, được ghi trên chóp inox gắn trên đỉnh núi này. Với người dân tộc Thái, nó có tên là Phu Song Sung, còn người Mông gọi là Chung Chua Nhà.

Kinh-nghiem-trekking-ta-chi-nhu-thien-duong-may-nhat-dinh-phai-ghe-mot-lan-trong-doi-wetrek.vn

Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, được ví như “đại dương trên mây” vì nổi tiếng với biển mây ở lưng chừng trời. Nơi đây cũng là "vương quốc của nắng -gió" và đặc biệt nổi tiếng với loài hoa Chi Pâu phủ tím các đỉnh núi.

Tà Chì Nhù được đánh giá là cung đường trek khó với địa hình nhiều núi đá và những con dốc liên tục như không có địa hình. Dù vậy, Tà Chì Nhù vẫn cuốn hút người chinh phục với vẻ đẹp mây ngàn gió núi tựa chốn bồng lai tiên cảnh. 

2. NÊN LEO TÀ CHÌ NHÙ VÀO THỜI GIAN NÀO?

Thời gian lý tưởng để leo Tà Chì Nhù là từ tháng 10 đến tháng 3, đây là thời điểm lý tưởng để leo núi và săn mây. Tuy vậy, do địa hình núi cao nên thời tiết tương đối đa dạng, ở khu vực thấp khí hậu khô nóng vào mùa hè, càng lên cao độ ẩm lại càng cao, nhiều mây mù có thể hoá mưa gây trở ngại cho chặng đường leo núi. Do vậy, trước khi leo Tà Chì Nhù, bạn nên lưu ý tới yếu tố thời tiết. Thời tiết của Tà Chì Do địa hình đường dốc núi đá liên tục, lại nhiều cây bụi, không có chỗ bám nên nếu bị đi vào ngày mưa, đường sẽ rất trơn trượt, nguy hiểm. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng áo mưa bọc balo, áo mưa bộ và găng tay gai để hỗ trợ bạn khi gặp mưa núi thất thường.

Nếu Bạn muốn săn hoa Chi Pâu để tận hưởng khoảng không gian hoa tím lãng mạn phủ kín các đỉnh núi, thời gian leo đẹp nhất sẽ là vào Tháng 10, thời điểm hoa nở rộ. Ngoài ra, Tháng 2 sẽ là khoảng thời gian đẹp để bạn leo khi mùa hoa đỗ quyên nở.

3. HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI TỚI TÀ CHÌ NHÙ

Đoạn đường di chuyển từ Hà Nội đến điểm leo gồm hai chặng: Một chặng từ Sài Gòn/Hà Nội đến Yên Bái, một chặng từ Yên Bái đến bản Xà Hồ (điểm leo)

 
 

Chặng 1: Từ Sài Gòn/Hà Nội đến Yên Bái

Từ Sài Gòn, bạn có thể di chuyển bằng xe khách tuyến Hồ Chí Minh – Yên Bái tại Bến xe Ngã Tư Ga, giá vé khoảng 600.000đ tuy nhiên thời gian đi sẽ mất gần 2 ngày, 42 tiếng. Hoặc có điều kiện hơn thì bạn có thể bay tới sân bay Nội Bài, Hà Nội sau đó đi xe khách ra Yên Bái như chỉ dẫn bên dưới. 

Từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy. Nếu đi bằng xe khách, bạn ra bến Mỹ Đình hoặc Giáp Bát bắt xe tuyến Hà Nội - Yên Bái, vé xe dao động từ 100.000 - 150.000đ, thời gian đi từ hơn hai tiếng cho đến nhiều nhất là 5 tiếng tùy xe. Nếu đi xe 5 tiếng bạn có thể lựa đi đêm cho tiết kiệm thời gian. Trường hợp bạn đặt xe riêng và đi theo đoàn, xe thường sẽ đón bạn tại Đại học Quốc Gia.

Thời gian xuất phát sẽ vào khoảng 7h-7h30 tối là phù hợp.Nếu bạn tự đi bằng xe máy, các bạn sẽ xuất phát theo tuyến đường Đại Lộ Thăng Long hoặc  Nhổn (Đường 32). Khi đến Sơn Tây, bạn sẽ qua cầu Trung Hà rẽ trái vào đường Thanh Thủy, tới ngã 3 Thanh Sơn Thu Cúc, theo đường đèo khế. Khi tới Ba Khe xe rẽ trái tới Nghĩa Lộ.

Đường đi tới Tà Chì Nhù

Chặng 2: Từ Nghĩa Lộ, Yên Bái đến bản Xà Hồ (điểm leo)

Từ Nghĩa Lộ, xe sẽ đi thêm 30km nữa để tới Trạm Tấu. Bạn sẽ tới Trạm Tấu vào khoảng 12h - 1h30 sáng, nghỉ ngơi tại nhà nghỉ để dưỡng sức chuẩn bị cho hành trình leo vào buổi sáng. Còn nếu xe của bạn xuất phát muộn, bạn nên lựa chọn nghỉ lại tại Nghĩa Lộ và 5h sáng hôm sau bắt đầu di chuyển từ Nghĩa Lộ tới Trạm Tấu. Nếu chặng đầu bạn đi xe khách khi đến thành phố Yên Bái bạn thuê xe máy để di chuyển tiếp.

Lưu ý, quảng đường từ địa phận Yên Bái tới Trạm Tấu. Đặc biệt là đoạn Nghĩa Lộ - Trạm Tấu đường nhỏ, hẹp. Cả quãng đường phần lớn là những khúc cua uốn lượn liên tục. Do vậy, nếu bạn là người bị say xe, nên có sự chuẩn bị trước.

Chú ý sau khi tới nơi nên nghỉ ngơi, ăn uống cho thư thả là lấy sức. Và điều quan trọng hơn cả là nhớ phải xem dự báo thời tiết ngày leo, nếu gặp trời mưa bạn nên đổi ngày vì cung đường leo khi trời mưa trơn trượt rất nguy hiểm. 

4. HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TÀ CHÌ NHÙ

Xuất phát từ khu Mỏ Chì

Từ Trạm Tấu, bạn sẽ bắt đầu di chuyển tới Mỏ Chì để bắt đầu leo. Các bạn nên xuất phát sớm, muộn nhất khoảng 10 giờ sáng để đến nơi trước khi trời tối. Từ Trạm Tấu, bạn sẽ bắt đầu di chuyển tới Mỏ Chì để bắt đầu leo. Đoàn của bạn có thể lựa chọn phương thức di chuyển tới Xà Hồ bằng ô tô tải hoặc xe máy. Bạn có thể liên hệ với các nhà nghỉ hoặc porter để chuẩn bị xe đón đoàn.

Đoạn đường từ Trạm Tấu tới Mỏ Chì rất xấu, nếu đi ô tô phải là xe gầm cao. Nếu đi xe máy, các bạn sẽ được trải nghiệm tay lái lụa của các Porter, đây cũng sẽ là một trải nghiệm rất thú vị để bắt đầu hành trình một ngày của bạn. 

Thời gian leo từ chân núi đến điểm nghỉ với tộc độ trung bình tính cả ăn nghỉ trên đường mất khoảng 6 – 7 tiếng. 

 Tới Mỏ Chì, có 2 đường để xuất phát.

  • Đường đi qua Mỏ Chì: Nếu đi qua đường này, quãng đường di chuyển sẽ được rút ngắn hơn khoảng 2km. Tuy nhiên, do quy định của Mỏ, hiện nay các đoàn không còn được đi vào trong khu vực này. 
  • Đường men theo suối: Do không đi qua mỏ chì nên các bạn sẽ bắt đầu hành trình bằng con đường men theo con suối. Tại đây, các bạn có thể tranh thủ thời gian để chụp ảnh cùng với những đàn dê núi.

Con đường qua suối ở Tà Chì Nhù

Bắt đầu hành trình chinh phục Tà Chì Nhù bằng con đường đi qua suối

Chụp Ảnh với Dê Núi Tà Chì Nhù

Chụp ảnh với đàn dê núi bên bờ suối là một trải nghiệm thú vị ngay khi bắt đầu hành trình leo núi 

Hành trình băng rừng vượt suối

Để lên đến đỉnh ngọn núi, bạn không thể dùng bất kỳ phương tiện nào ngoài đôi chân, men theo lối mòn của người đi trước. Bạn cần thuê một porter dẫn đường, chuẩn bị hành trang gọn nhẹ, đặc biệt là đôi giày tốt thích hợp với việc leo núi.

Tà Chì Nhù thử thách ý chí và thể lực người leo núi. Có đoạn dễ đi, nhưng có đoạn dốc dựng đứng và trơn trượt do mây mù quá dày, độ ẩm cao, mưa bụi thấm lạnh. Không ít người bỏ cuộc, hoặc dừng giữa chừng vì không đủ sức đi tiếp. Đường leo là đường mòn nhỏ và rất dốc, đi phía trên những tán cây nên không có bóng râm mát, sống núi nguy hiểm và không có điểm bám, nhiều đoạn phải bò mới leo lên được.

Núi trọc nên gió giật rất mạnh, cần hạ thấp trọng tâm để leo, đỡ mất sức. Bên cạnh con đường thẳng đứng, dường như không có điểm dừng và tầm nhìn bị hạn chế, càng lên cao, không khí càng loãng, gió càng mạnh và nhiệt độ càng thấp bạn sẽ cảm thấy từng đợt gió rít qua tai, táp thẳng vào mặt. Vào thời điểm nguy hiểm này, bạn nên cúi thấp xuống để tránh gió. 

Tuy nhiên, hãy cứ quên đi khó nhọc và tận hưởng cuộc hành trình bằng việc chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ vĩ hai bên đường với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát rậm rạp.

Chưa kể đến những ngôi rừng trúc dày đặc đan xen nhau, lúc ẩn lúc hiện trong màn mây trắng mờ ảo như những cánh rừng mà người ta hay luyện võ công trong phim cổ đại Trung Quốc. 

Đặc sản về Tà Chì Nhù có lẽ là gió, gió thổi ràn rạn quất vào mặt lạnh buốt. Càng lên đỉnh càng gió, gió mạnh đến mức có lúc gần như phải bò rạp xuống để khỏi bị gió thổi bay mất, đêm nằm trong lều thấy gió rít bên ngoài, lều oằn lại, vặn vẹo trước từng đợt gió mà cảm giác sắp gãy đến nơi, chưa bao giờ ngủ dậy mà mặt mũi, mồm miệng lại đầy cát cứ như ngủ đêm ngoài trời trên sa mạc vậy.

Lưu ý: Nếu thấy trời bắt đầu tối mà chưa đến điểm nghỉ mong đợi, tốt nhất nên dừng lại, liên hệ với trưởng đoàn và porter để được trợ giúp. Nếu bạn là người ưa thích trải nghiệm khác biệt, bạn có thể kiếm chỗ kín gió, đủ rộng để cắm trại, không nên liều đi tiếp vì leo núi trời tối rất nguy hiểm. Tuy nhiên địa điểm cắm trại cần chọn nơi thoáng rộng, gần nguồn nước và có bạn cần mang theo đủ lều cắm trại, túi ngủ và thực phẩm.

Sau chặng đường trên bạn sẽ đặt chân đến điểm nghỉ là một lán ngựa, chỗ này gần nguồn nước tự nhiên nên các bạn có thể dựng trại và nấu ăn được. Phần thưởng cho bạn là một bầu trời đêm ngàn sao, cùng nhau ăn uống, trải lòng giữa đất trời núi rừng ban đêm mênh mông, để lại những kỷ niệm và xúc cảm đáng giá trong cuộc đời mỗi người. Đặc sản bữa tối ở Tà Chì Nhù chính là món dê núi và gà bản bạn nhé. 

Chiêm ngưỡng hoa tím Chi Pâu

Loài hoa đặc trưng của Tà Chì Nhù - Hoa Chi Pâu. Hoa mang tên gì có lẽ đến nay vẫn chưa ai biết, ngay cả những người Mông sành sỏi như A Chư cũng chịu. Có lẽ vì thế mà người Mông đặt cho hoa lạ trên Tà Chì Nhù cái tên chi pâu (theo tiếng Mông có nghĩa là không biết, không hiểu).

Tò mò về cái tên lạ, về loài hoa mang vẻ đẹp đầy mộng mơ, sắc tím khiến bất cứ ai khi được chiêm ngưỡng đều phải siêu lòng, chúng tôi đã đi tìm kiếm thông tin về loài hoa bí ẩn và tên tiếng Anh của hoa Chi Pâu là Swertia hay còn được gọi là cỏ Mật Rồng và Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), là một chi thuộc họ Long đởm thảo-Gentianaceae. Như vậy, Hoa Chi Pâu ở Trung Quốc vốn là một loài thuốc dân gian truyền thống của vùng Tây Tạng, Vân Nam và Quý Châu và loài hoa này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1883. Hoa mọc nhiều ở vùng núi phía bắc của Việt Nam và đặt biệt là mọc rất nhiều tạo thành một tấm thảm màu tím vô cùng đẹp mắt tại đỉnh núi Tà Chì Nhù.

Hoa Chi Pâu nở rộ vào tháng 10 nên bạn hãy chọn thời điểm giữa tháng 10 sẽ là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm hoa Chi Pâu. Nếu bạn đi vào tháng 11, rất có thể bạn sẽ chẳng còn chiêm ngưỡng được bông hoa nào (Trên cộng đồng vẫn lan truyền kinh nghiệm ngắm Hoa Chi Pâu vào Tháng 11 nhưng chúng tôi đã phải thất vọng ra về vì thực tế hoa đã nở hết từ cuối Tháng 10)

Núi rừng hoang sơ, mây trời bao la, những nụ hoa nhỏ xinh khoe sắc cùng đàn dê núi nhởn nhơ gặm cỏ đã tạo ra bức tranh đẹp đẽ. Người Mông sống ở các bản quanh đó đã làm lán gần đỉnh để chăn thả ngựa, bò, dê. 

Trên lưng chừng trời, những đàn gia súc tung tăng giữa rừng hoa, giúp cho bức tranh phong cảnh vốn đã đẹp càng có thêm hơi thở của cuộc sống, sự cuốn hút của muôn loài.

Lên đỉnh săn mây

Sáng hôm sau dậy sớm để kịp lên đỉnh ngắm bình minh và săn đại dương mây. Đỉnh Núi Tả Chì Nhù ngập trong biển mây trắng bồng bềnh lãng trôi với những ánh nắng tinh khiết đầu tiên của ngày nhẹ nhàng len qua từng đám mây chiếu xuống tạo nên một cảnh tượng đẹp huy hoàng mà chỉ có trải qua gian nan ta mới có thể thưởng thức. Tuy nhiên để săn được mây còn phụ thuộc vào thời tiết nên các bạn lên lịch trình phải xem trước dự báo chọn ngày trời quang đãng. 

Những vệt hồng, vàng in hằn rõ nét trên nền trời cùng biển mây bồng bềnh tựa chốn thiên đường trên đình Tà Chì Nhù.

Cảnh tượng hùng vĩ khó có thể quên được

Đường lên đỉnh Tà Chì Nhù với núi non hùng vĩ, những lối mòn ngập tràn hoa tím sẽ làm siêu lòng bất cứ ai đặt chân tới nơi đây.

Không gì tuyệt vời hơn khi tận hưởng trọn vẹn hành trình chinh phục được đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam.

Sau khi chinh phục bạn sẽ quay trở về lán để ăn sáng. Bữa sáng ở Tà Chì Nhù có thể sẽ là món mỳ tôm nhanh gọn hay bữa cháo gà đặc sản. Nhắc tới cháo gà Tà Chì Nhù có lẽ bạn đang liên tưởng tới một món cháo gà thơm phức với đầy đủ hành, gia vị như ngoài hàng. Nhưng không, món cháo gà tại Tà Chì Nhù rất đặc biệt và chắc chắn nó sẽ để lại cho bạn ấn tượng khó phai. Cháo gà Tà Chì Nhù có thể làm bạn liên tưởng tới món cơm nhão vì cháo sẽ được nấu đặc và được chan với nước luộc rau và thêm một ít mắm. Rất đặc biệt phải không? Đó là cách mà các poster chiêu đãi bạn một bữa sáng nhẹ nhàng, đủ chắc dạ cho hành trình xuống núi.

Các bạn lưu ý là sau một ngày leo núi vất vả của ngày hôm trước, rất có thể các bạn đã uống hết số nước mang theo nên lúc này các bạn sẽ phải dùng nước đun sôi để uống. Do vậy, tốt nhất bạn hãy tính toán trước lượng nước uống sẽ mang theo trong suốt hành trình để phân bổ cho hợp lý. Bạn cũng có thể mang theo bút lọc nước nếu phải sử dụng nước suối để uống.

 
 

Xuống núi

Kết thúc các bạn di chuyển xuống núi, đường xuống đi nhanh hơn nhiều nhưng cần chú ý đường trơn trượt dễ ngã do sương ướt đọng lại.

Đây cũng là thời điểm mà một số bạn, sẽ bị đau dây chằng, đau cơ, đau mũi chân...do lúc này, cơ thể bạn đã mệt mỏi, chân bị trùng xuống nên bạn cũng sẽ khó để đi nhanh được. Bạn nên chuẩn bị trước bó gối để trợ giúp cho bạn đỡ bị đau hơn trong quá trình di chuyển. Bạn cũng nên lưu ý việc buộc dây giày. Hãy buộc dây dày chặt để giúp cố định cổ chân và không bị dồn mũi chân gây đau ngón chân, thậm chí có thể bị bong móng khi xuống núi.

Hãy cố gắng đi đều, hạn chế nghỉ để duy trì tốc độ vì nếu bạn đi chậm lại, rất có thể bạn sẽ phải xuống núi muộn, thậm chí sẽ phải đi vào trời tối. Trong khi đoạn đường phải đi xuống những đoạn dốc cao và dài sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt là đoạn dốc xuống ở khu vực mỏ chì.

Cuối cùng bạn đã xuống núi an toàn, chia tay Yên Bái và quay về nhà thôi. 

5. LƯU Ý KHI LEO TÀ CHÌ NHÙ 

Kinh-nghiem-trekking-ta-chi-nhu-thien-duong-may-nhat-dinh-phai-ghe-mot-lan-trong-doi-wetrek.vn

Các thành viên yêu cầu phải có sức khỏe tốt, dẻo dai, đã từng leo núi hoặc đã được rèn luyện trước như leo Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc) … hoặc trước khi leo phải dành ít nhất 2 tuần chạy bộ hoặc đi bộ, leo cầu thang bộ để rèn được về luyện hơi thở, phá cơ...

Khác với một số đỉnh núi cũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn như Fansipan (Lào Cai), Pu Ta Leng (Lai Châu)…, muốn lên đỉnh Tà Chì Nhù, các bạn sẽ phải trải qua nhiều con dốc, đi phía trên những tán cây nên người leo phải hết sức cẩn thận, cố gắng điều hòa nhịp thở, và bám sát cả đoàn trong suốt hành trình. Tốt nhất nên xem trước dự báo thời tiết, để tránh gặp phải tình trạng trơn trượt, sạt lở khi đi vào những ngày mưa gió.

Nếu đoàn bạn đi với số lượng ít, bạn nên thuê người dẫn đường là người dân bản địa để có người đồng hành tin cậy. Có thể thuê thêm 1 người vác những đồ nặng chung cho cả đoàn. Nếu không biết thuê ai, hãy hỏi đường đến nhà bí thư bản Xà Hồ để được giúp đỡ. Bạn có thể trả họ mức chi phí hợp lý từ 600.000 - 700.000/người.

Nếu thấy trời bắt đầu tối mà chưa đến điểm nghỉ, tốt nhất nên dừng lại, kiếm chỗ kín gió, đủ rộng để cắm trại để nghỉ ngơi tạm thời, không nên đi tiếp vì leo núi trời tối rất nguy hiểm.

Nếu tại nơi cắm trại gió quá mạnh, các bạn cần có phương án neo dây cố định chắc chắn.

Khi leo núi xong, trên đường về Nghĩa Lộ cũng có khá nhiều cảnh đẹp, bạn sẽ thấy cuộc sống thanh bình của người dân địa phương, những chú bò nhẩn nha gặm cỏ trên núi... hãy dành chút thời gian để ngắm nghía, chụp ảnh. Đừng vội bỏ qua khoảnh khắc bình yên này trên chặng đường khó khăn và nhiều thử thách!

6. ĐỒ DÙNG THIẾT YẾU KHI LEO TÀ CHÌ NHÙ

Kinh-nghiem-trekking-ta-chi-nhu-thien-duong-may-nhat-dinh-phai-ghe-mot-lan-trong-doi-wetrek.vn

Balo leo núi: Nên chọn loại có dây đeo mềm, chắc chắn, có dây thắt quanh bụng, để đi cho đỡ nặng, có túi cạnh để nước, chất liệu chống thấm, có giá trợ lực tốt hỗ trợ sức cho các bạn đi leo núi rất nhiều. Nếu balo không có chống thấm, nên có tấm trùm balo chống nước phía ngoài. Một số mẫu balo leo núi của các thương hiệu như Senterlan, Ryder, Deuter thường có sẵn áo mưa balo rất tiện dụng.

Lưu ý: Trước khi sắp xếp đồ vào balo, bạn nên kiếm 1 túi nilon to và dày nhét vào trước rồi mới cho đồ đạc vào bên trong túi nilon phòng trời mưa.



Mẹo sắp xếp đồ thông minh là đồ dùng thường xuyên dùng để ngăn ngoài, phía trên balo; đồ dùng chưa cần đến để phía dưới. 

Giày leo núi: Nên chọn loài giày leo núi chuyên dụng, giày nặng, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút) để giữ chắc khớp tránh bong gân, có gai bám bằng cao su (bám đá tốt hơn nhựa mềm), có hệ thống thoáng khí tốt và tránh nước. Bạn cũng nên chú ý chọn cỡ giày vừa với cỡ chân mình, hoặc rộng hơn cỡ chân một số, không được để kích chân. 

Tất dày: Mang theo 3-4 đôi là được, chọn loại tất dày tốt, cao cổ trùm lên quần, vừa là để giữ ấm, chống vắt, vừa là để ngăn tình trạng chân phồng rộp do cọ sát với giày.  

Gậy leo núi: Nên chọn mua gậy chuyên dụng, có lò xo đàn hồi, điều chỉnh được độ dài ngắn khác nhau tuỳ theo chiều cao của bạn, thu ngắn lại dắt sau balô được khi không cần thiết. Có rất nhiều các mẫu gậy leo núi cho bạn lựa chọn tại các cửa hàng uy tín như WeTrek với đa dạng thương hiệu như Ryder, Naturehike, Trackman, Coleman. 

Găng tay: Nên chọn loại găng tay bảo hộ có gai cao su, loại này mỏng rất thoải mái và tự tin khi bám vào thân cây, tre nứa, sườn núi và cả khi chụp ảnh. Do Tà Chì Nhù phải leo dốc đá nhiều, ít cây để bám nên găng tay gai sẽ rất cần thiết cho suốt hành trình leo núi.

Quần áo: Đi vào thời điểm này, tiết trời khá dễ chịu tuy nhiên leo núi khá nóng nhưng lại dễ gặp độ ẩm cao, mưa mù khi trên núi do vậy nên ưu tiên mặc loại áo mau khô hoặc loại áo phông thể thao khô thoáng, quần mau khô nối ống  và nhớ là nên mang 1 chiếc áo gió 2 lớp để mặc khi đêm xuống (nhiệt độ sẽ giảm xuống và bạn sẽ rất dễ bị lạnh nếu không có áo khoác). Chú ý cần chuẩn bị một, hai bộ áo mưa giấy để sẵn trong balo để ứng phó với mưa rừng nhé. 

Một vài lưu ý khác như nên quần áo nên là loại chống thấm nước, chọn quần dài vừa phải, nên mặc quần có đũng thoải mái, đầu gối thoải mái để di chuyển. Cạp quần rộng vừa, không quá chật không quá rộng. Bạn nên mang theo 2 bộ, một bộ mặc trên người một bộ để thay.  

Mũ đội đầu trùm gáy: Đi mùa hè nên không thể thiếu được mũ lưỡi trai hoặc tốt hơn là mũ tai bèo gọn nhẹ, có quai và vành mũ rộng.  

Khăn: 1 khăn mỏng khăn rằn quấn cổ khi đi nóng 

Đèn pin cá nhân (loại tích điện tốt), dao gấp đa năng, bật lửa,…  

Đồ cắm trại: Lều bạt, túi ngủ, đèn lều để qua đêm, …

Đồ y tế  Mang theo một số thuốc uống mà cá nhân thường dùng cho bệnh tật của mình (nếu có), ngoài ra như thuốc cảm cúm, đường ruột… gọn nhẹ. Ngoài ra, cần mang theo một tuýp Salonpast để xoa bóp tránh chuột rút, 1 túi đồ cứu thương cho cả nhóm.   

Đồ chống muỗi, chống vắt 

Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, kem chống nẻ. 

Máy ảnh, máy quay, điện thoại, sạc dự phòng  

Đồ ăn, nước uống: Mang theo đồ ăn vặt yêu thích nhưng phải gọn nhẹ. Đặc biệt cần là đồ ăn cung cấp năng lượng nhanh: chocolate, phomai con bò cười, kẹo ngọt, phomát sợi. Sáng ăn nhanh gọn, đơn giản như mỳ xúc xích, sandwich… trưa cầm theo đồ nhiều đạm ăn ngay trên đường còn tối cắm trại thì nấu một bữa nóng hổi, đầy đủ để ăn.  

Mỗi người khoảng 3 - 4 chai nước lọc nhỏ. Nước nên uống nhấm nháp làm nhiều lần không nên uống đầy bụng sẽ rất khó di chuyển và rễ bị tức bụng. Khi mệt nên hít thở bằng mũi cho đỡ hại phổi và thở ra bằng miệng sẽ giữ được sức bền tốt hơn. Ngoài ra, có thể mang theo sữa để cung cấp năng lượng, café tan, trà gừng (nếu có đem theo cốc nhựa để pha uống).

 
 
 
 

SARA 

Mua ngay đồ dùng cần thiết khi đi leo núi tại WETREK.VN

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC CỦA
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
[WeTrekology] Hướng dẫn cách chọn giày chạy bộ [WeTrekology] Hướng dẫn cách chọn giày chạy bộ
Bởi: Ethan
31/03/2015 - 23.716 lượt xem
Khám phá thêm
Chăm sóc khách hàng
NHẬN BẢN TIN SỐNG CÁ TÍNH
Để nhận ngay thông tin khuyến mại, deals hấp dẫn
faceyoutubetwintter

Tại WETREK.VN, chúng tôi tin rằng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên luôn đáng sống. WETREK.VN tiên phong khích lệ mọi người tích cực tham gia các hoạt động diễn ra ngoài trời, luôn cam kết trang bị và chăm sóc tốt nhất các Hoạt động Giải Trí Ngoài Trời này theo các tiêu chí An Toàn, Trách Nhiệm, Sướng.

GIẢI TRÍ NGOÀI TRỜI LÀ GÌ

Giải Trí Ngoài Trời (Outdoor Recreation) là những hoạt động thể thao, giải trí, thư giãn diễn ra ngoài trời, thường trong môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên. Ví dụ như hoạt động du lịch (travelling), chạy bộ địa hình (trail-running), đi bộ đường dài (hiking - trekking), leo núi (mountaineering), cắm trại (camping), đạp xe (cycling), chèo thuyền - kayak - ván chèo đứng SUP (paddling), câu cá (fishing), trượt tuyết (skiing), lướt sóng (surfing) và nhiều hoạt động khác. Hoạt động giải trí ngoài trời cũng có thể là những trò chơi thể thao hay những buổi luyện tập thể thao theo nhóm được tổ chức ngoài trời.

wetrek

HỆ THỐNG CỬA HÀNG WETREK STORES

Đã khai báo BCT DMCA.com Protection Status

Copyright © 2013-2023 WETREK.VN. All rights reserved.

Mua lẻ: 02873051988 | CSKH: chamsockhachhang@wetrek.vn | NCC: purchasing@wetrek.vn | Khách doanh nghiệp: b2b@wetrek.vn

Công ty TNHH WETREK RETAIL
Địa chỉ: Số 235 Nguyễn Ngọc Nại, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giấy ĐKKD: 0109655188, ngày cấp: 02/06/2021, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Trang Chủ Mua Sắm Thương Hiệu WeTrek Store