Có lẽ đối với những người lỡ yêu việc đi đây đi đó khám phá và trải nghiệm tại những vùng đất xa xôi, những nơi khiến ta thực sự được tìm về với thiên nhiên đất trời thì cao nguyên Tây Bắc luôn là địa điểm gây thương nhớ và chẳng thể đã đến mà không tìm đường quay trở lại. Và chắc hẳn rằng những kẻ đem lòng yêu vùng núi đồi Tây Bắc hẳn đang háo hức rạo rực chuẩn bị hành trang quay lại chốn này. Vì sao ư? Vì chỉ Tây Bắc sắp bước vào một trong hai mùa khung cảnh nơi đây đẹp ngỡ ngàng và cũng chỉ có ở Tây Bắc mới tìm được vẻ đẹp này – vẻ đẹp mùa nước đổ.
Mùa nước đổ là gì?
Mùa nước đổ, hay còn gọi là mùa đổ ải là nét riêng độc đáo của vùng miền núi phía Bắc. Mỗi năm cao nguyên Tây Bắc chỉ gieo trồng một vụ lúa duy nhất cũng chính là lúc đổ ải, thu hút không biết bao bước chân người lữ hành tìm về chiêm ngưỡng và lưu giữ những bức ảnh thiên nhiên và con người đẹp hài hòa mà đầy cuốn hút.
Gọi là mùa nước đổ vì đây là lúc người dân Tây Bắc đổ ải. Thời gian đổ ải phụ thuộc vào thời tiết từng năm, từng vùng cụ thể, tuy nhiên thường thường cứ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ trút xuống núi đồi thì cũng là lúc người dân Tây Bắc đổ ải hay chính là dẫn nước vào ruộng.
Ruộng ở vùng núi không bằng phẳng, thẳng cánh cò bay như đồng ruộng ở miền xuôi mà mang nét đặc trưng riêng với những ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh đồi xuống chân đồi. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây mỗi khi vào mùa nước đổ được dẫn nước bởi bàn tay khéo léo, cần cù của người nông dân. Họ thả nước vào ngâm đất rồi để nước chảy từ khe núi xuống, qua những ống nứa, ống nhựa, tràn ra xâm xấp khắp các mặt ruộng Tây Bắc. Chính từ công việc cày cấy, dẫn nước giản dị mà đòi hỏi sự tài hoa, cần mẫn ấy của những người nông dân nơi đây lại vô tình phủ lên đồng ruộng Tây Bắc những mảng màu đa sắc mà hòa hợp chứ không hề đối chọi nhau. Đó là sự kết hợp giữa màu vàng của đất núi, màu xanh dịu nhẹ của mạ non vừa gieo, màu trời xanh mây trắng và màu tím biếc của một chiều hoàng hôn buông…
Sau đó, khi nước đã được đưa đủ vào các bậc ruộng là lúc người dân gieo hạt. Rồi khi thấy từng thửa ruộng nước xanh trong thì lại tháo nước bớt ra cho hạt lúa bám đất nảy mầm. Đến khi những mầm non của hạt vươn mình khỏi mặt nước, người nông dân lại dẫn nước trở về ruộng cho cây mạ lớn thêm chút nữa, chuẩn bị cho mùa cấy (thường vào tháng 7).
Lúc này đây, những thửa ruộng bâc thang của Tây Bắc mang một vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà mộc mạc hoang sơ đậm đà bản sắc vùng cao Tây Bắc với sự hòa quyện của màu nước bạc hòa lẫn màu vàng của đất, tạo nên một gam màu sóng sánh, lung linh dưới ánh ban mai của núi rừng vùng cao và lấp lò mờ ảo trong những ngày mây phủ giăng kín.
Đến đâu để được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đa sắc màu đẹp nhất Tây Bắc mùa nước đổ?
- SaPa: Được truyền miện là nơi ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ đẹp nhất, SaPa luôn làm thỏa lòng người lữ hành với vô vàn các ruộng bậc thang đẹp óng ánh khi nước đổ có thể tìm kiếm ở bất cứ bản làng nào như Tả Van, Tả Phìn, Hầu Thào, Trung Chải, Lao Chải.
Đặc biệt, được yêu thích nhất là khu Di tích quốc gia ruộng bậc thang Tả Van - Hầu Thào - Lao Chải (huyện Sa Pa) nằm ở thung lũng suối Mường Hoa, cách thị trấn Sa Pa gần 10 km về phía Tây Nam. Đây cũng chính là quần thể ruộng bậc thang đẹp và lớn nhất Sa Pa, với tổng diện tích gần 1.000 ha. Ngoài ra có khu ruộng bậc thang Vù Lùng Sung (xã Trung Chải huyện Sa Pa), là khu ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất Việt Nam (121 bậc thang).
- Bát Xát: Vào mùa đổ ải, bạn có thể tìm đến các xã Ngãi Thầu, Dền Sáng, Y Tý, A Lù, Khu Chu Lìn để chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên Bát Xát mùa nước đổ đẹp nức lòng người.
- Hoàng Su Phì: Nhắc đến vẻ đẹp của ruộng bậc thang mùa nước đổ thì chắc chắn không thể không có tên Hoàng Su Phì – vẻ đẹp được nhà nước công nhận là một trong những di tích cấp quốc gia ở Tây Bắc.
- Mù Cang Chải: Chắc hẳn chẳng còn ai chưa nghe thấy tiếng tăm của những thửa ruộng bậc thang mùa đổ ải luôn rực rỡ lấp lánh được tạo nên dưới bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người dân H’Mông tại hai xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha.
- Tú Lệ: Là một thung lũng ruộng bậc thang nằm giữa ba ngọn núi cao Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song ở Tây Bắc.
- Quốc lộ 32: Con đường “dải lụa” này là kiệt tác ruộng bậc thang trải dài từ Tú Lệ lên đến Mù Cang Chải (Yên Bái), chỉ cách Hà Nội tầm 300km.
(Tổng hợp)