Chọn bãi biển
Hãy chọn những bãi biển có độ dốc thoai thoải, để trẻ tự tin vui chơi và cha mẹ dễ dàng quan sát. Làn nước ấm áp cũng khiến trẻ dễ chịu hơn. Ngoài ra, một bờ cát trắng, sạch, mịn màng phù hợp để cả nhà cùng nhau xây lâu đài cát. Chọn một nơi yên tĩnh, không quá đông đúc và an toàn là điều nên làm khi bạn dẫn theo trẻ em.
Các vùng biển Quy Nhơn, Phú Quốc là gợi ý cho gia đình.
Trang phục
Ngoài đồ dành cho bố mẹ, bộ đồ bơi nhiều màu sắc nghộ nghĩnh cho các bé là không thể thiếu. Du khách nên có ít nhất 2 bộ đồ bơi cho một người nếu đi biển dài ngày. Ngoài ra, váy maxi, quần short, áo thun cotton, khăn tắm, nón rộng vành, kính mát, kính bơi, dép xỏ ngón cũng rất cần thiết.
Kem chống nắng
Bạn nên chọn kem chống nắng dành cho trẻ em, có chỉ số SPF từ 40 đến 50. Chỉ số thông thường là 20 - 30 giúp bảo vệ tốt và cho phép da bé làm quen từ từ với tác động của ánh nắng. Tiếp tục sử dụng kem chống nắng có chỉ số 10 - 15 trong những ngày ít nắng hoặc khi bé đã rám nắng.
Đồ dùng mang theo
Nếu trẻ đang trong thời kỳ ăn dặm thì các mẹ nên chuẩn bị thêm bát, chén, thìa, gói cháo ăn liền, ruốc, nước rửa bình sữa, bình giữ nhiệt. Còn đối với những bé lớn hơn, các mẹ cần chuẩn bị thêm đồ ăn nhẹ như snack, trái cây, kẹo... để bổ sung sau khi con chơi đùa. Ngoài ra, đồ chơi yêu thích để dỗ dành bé cũng rất cần thiết.
Làm quen với biển
Ban đầu, hãy cho con làm quen những nơi có sóng nhỏ và gần bờ. Hãy nhớ dạy con khởi động trước khi xuống biển. Khi tắm biển xong cha mẹ hãy cùng trẻ đi dạo trên bờ cát và kể cho con nghe những câu chuyện liên quan đến biển. Điều đó sẽ giúp bé mở rộng vốn hiểu biết với thế giới xung quanh hơn.
Mang theo bể bơi nhỏ
Không nên cho trẻ nhỏ tắm lâu khi nước biển lạnh. Thay vào đó, bạn hãy cho trẻ tắm trong bể bơi hoặc chơi trên bãi cát. Trẻ sẽ vô cùng thích thú, vẫn tắm được biển, trong khi người lớn cũng không phải để mắt quá nhiều.
Du khách có thể mang theo phao tay, kính mắt và mũ cho trẻ. Ảnh: Shutterstock.
Luôn để mắt đến trẻ
Trong chuyến đi biển cùng trẻ nhỏ, bạn phải luôn bên cạnh con. Tốt nhất ba mẹ nên cho con bơi gần bờ. Cũng nhớ phải chuẩn bị đầy đủ áo phao và phao bơi cho trẻ, đồng thời luôn đứng gần và quan sát bé.
Không để trẻ phơi nắng và tắm quá lâu
Không nên tắm vào khoảng thời gian 10h - 15h, vì tia UV lúc này ở mức có hại. Cha mẹ chỉ nên cho bé chơi chừng 20 - 30 phút mỗi lần, sau đó vào bờ ăn uống, giải lao. Sau khi tắm hãy lau khô người và thay đồ khô cho bé ngay, để tránh cảm lạnh.
Sơ cứu khi gặp tai nạn
Khi phát hiện trẻ ngã xuống nước, cha mẹ cần bình tĩnh đưa lên bờ, kiểm tra đường thở của trẻ. Nếu trong miệng hay mũi có dị vật, cần lấy ra sau đó đặt trẻ nằm nghiêng, giúp nước thoát ra khỏi đường thở. Nếu trẻ ngừng thở, ngay lập tức để trẻ nằm ngửa sau đó lấy tay bịt mũi, hít thật sâu và ngậm kín miệng trẻ, thổi hơi dài, làm lại liên tiếp 2 lần. Tiếp tục ép tim lồng ngực bằng cách dùng hai tay đan nhau, đặt lên 1/3 xương ức về phía ngực trái của trẻ và ép liên tục cho đến khi có nhân viên y tế tới.
Một số lưu ý khác:
Mang theo túi, balo chống cát, bình xịt/ thuốc chống côn trùng. Ngoài ra, có thể chống muỗi bằng chanh tươi.
Hãy học cách nhận biết dòng chảy rút xa bờ: có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn, có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
Một khi bị kẹt vào dòng chảy rút xa bờ thì chớ nên cố bơi ngược dòng để vào bờ vì sẽ bị kiệt sức và đuối nước. Hãy giữ bình tĩnh và bơi theo hướng song song với bờ cho đến khi bạn thoát khỏi dòng chảy.
Hãy mang theo túi để dễ dàng gom rác lại và bỏ ở nơi thích hợp.
Bạn có thể mua những chiếc chổi quét bụi mini để phủi sạch cát còn bám trên quần áo, giày dép trước khi lên xe về nhà.
Để giảm thiểu khả năng bị các mảnh đá nhọn cắt vào chân, hãy mang theo dép hoặc giày đi nước khi xuống biển.
Nguồn: Vietravel