[WeNews] Phượt thủ bỏ việc đi chơi thành ông lớn hốt 300 triệu USD mỗi năm
Hai chàng trai trẻ từ bỏ công việc ổn định, mua một chiếc xe tải cũ và rủ bạn lên đường phượt khắp châu Phi vào năm 1988.
Tốt nghiệp Đại học Melbourne từ giữa những năm 1980, Geoff Manchester và Darrell Wade lăn xả vào xây dựng sự nghiệp như bao người trẻ khác. Tuy nhiên, hai chàng trai nhận ra cuộc sống của mình vẫn thiếu sót điều gì đó.
Geoff (trái) và Darrell. Ảnh: Geoff Manchester.
Năm 1988, Geoff cùng Darrell "rủ nhau" bỏ việc trong ngành vận tải và bán lẻ để dấn thân vào hành trình phiêu lưu khắp thế giới.
Họ mua một chiếc xe tải cũ giá 3.200 USD từ một phiên đấu giá, dành 6 tháng tự tay tháo dỡ toàn bộ và biến nó thành một căn nhà di động có cả điều hòa.
6 tháng cùng 12 người bạn trên chiếc xe tải đi xuyên châu Phi không phải là một hành trình đầy màu hồng: Đường sá đầy rẫy ổ voi, ổ gà; những lần phải đợi hết tuần để chờ sửa cầu, mắc kẹt tại chốn khỉ ho cò gáy giữa biên giới... Nhưng đó không phải những điều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Darrell.
"Thật hoang dã. Rất nhiều thứ tuyệt diệu đã xảy ra, như khoảnh khắc chúng tôi tìm thấy một hố nước để bơi giữa lòng sa mạc Sahara chẳng hạn", Darrell hồi tưởng.
Geoff cho biết: "Trở thành phượt thủ, bạn phải chấp nhận có những ngày mọi thứ đều hỏng bét, nhưng cuối cùng bạn sẽ được tận hưởng điều gì đó thật tuyệt vời khi chuyến đi kết thúc".
Điều khiến hai chàng trai thích thú hơn cả là họ đã bán lại chiếc xe tải tồi tàn với giá 14.000 USD vào cuối hành trình, số tiền dành để hoàn chi phí cho bạn bè - những người sẵn sàng chi 2.800 USD để cùng lên đường. Ảnh: Geoff Manchester.
Hành trình phượt kết thúc, tên tuổi của Geoff và Darrell nhanh chóng nổi như cồn tại quê nhà. Họ bắt tay vào giấc mơ đưa hoài bão kinh doanh và đam mê xê dịch đi chung một con đường, dù không có chút kinh nghiệm nào.
Kiểu du lịch theo đoàn truyền thống không gây hứng thú cho hai chàng trai sau chuyến đi châu Phi. Họ muốn đem đến những trải nghiệm chân thực như dân phượt vẫn làm như ngủ trong làng, bắt xe địa phương, ăn uống như người bản địa... nhưng họ chỉ phục vụ một nhóm khách nhỏ, với chi phí trong tầm tay.
"Vào những năm 90, bạn có thể đi khắp châu Á mà mỗi ngày chỉ cần tiêu 10 USD, nhưng đi theo tour thì mất tới 100 USD. Dường như bạn càng tới những nơi xa xôi, hành trình càng tốn kém", Geoff cho hay.
Không lâu sau, Intrepid Travel ra đời. Quãng đường kinh doanh của hai CEO trẻ tuổi cũng nhiều thách thức bất ngờ như những chuyến phượt, khi họ loay hoay tìm mô hình kinh doanh hiệu quả.
Ban đầu, Darell đảm nhận sales và marketing trong khi Geoff trực tiếp dẫn tour tới Thái Lan, Borneo, Malaysia và Indonesia.
Sau đó, họ mở đại lý tại Việt Nam và thuê hướng dẫn viên để làm các khâu đặt phòng khách sạn, sắp xếp xe cộ hay thanh toán những khoản phát sinh. Phương thức này tỏ ra hiệu quả giúp Geoff và Darrell sát sao chất lượng tour và chi phí, từ đó họ áp dụng mô hình quản lý trên với nhiều chi nhánh trên thế giới.
Darrell và Geoff cũng phải lèo lái qua cơn khủng hoảng của ngành du lịch đầu những năm 2000, như dịch SARS, dịch cúm gà, vụ 11/9, đánh bom ở Bali - sự kiện đánh dấu kỷ nguyên mới của những kẻ khủng bố.
Gần 3 thập kỷ trôi qua, "đế chế" của hai chàng trai Melbourne có doanh thu đạt 300 triệu USD hàng năm, theo Guardian. Từ con số 1.500 khách trong hai năm đầu tiên, công ty của Geoff và Darrell hiện nay phục vụ đến 250.000 khách (chủ yếu là khách Australia) tới hơn 120 quốc gia mỗi năm.
Geoff nhận định: "Du lịch ngày nay không còn là thứ chỉ người giàu mới đủ điều kiện thực hiện, chúng ta có thể xách balô lên và đi xa mỗi năm. Dần dần chúng ta nhận ra rằng có nhiều thứ để làm hơn chỉ ngồi tắm nắng bên bể bơi và uống bia. Cuộc sống thật diễn ra bên ngoài bức tường của những khu resort và ngày càng nhiều người muốn trải nghiệm nó, đó là những gì chúng tôi theo đuổi".
(Nguồn: VnExpress.net)