[WeNews] Vượt núi, băng đèo săn dải mây đẹp như phim ở Tà Chì Nhù
Tà Chì Nhù - một địa điểm không mới, cũng không còn xa lạ với những người đam mê trekking. Tuy nhiên, nếu lựa chọn một điểm đến để "săn mây" thì hẳn nhiều người sẽ lựa chọn Y Tý hoặc Tà Xùa bởi đường đến Tà Chì Nhu gian nan và khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng, hãy thử đến Tà Chì Nhù ít nhất một lần trong đời, thay vì "biển mây" thì cả một "đại dương mây" sẽ được bao trọn trong tầm mắt của bạn!
Tóm tắt nội dung:
-
Thời điểm lý tưởng nào là cho hành trình "săn mây" tại Tà Chì Nhù?
-
Nên dành mấy ngày để đi?
-
Có thể sử dụng phương tiện nào để di chuyển đến Tà Chì Nhù?
-
Hành trang cần chuẩn bị cho chuyến đi bao gồm những gì?
-
Có phải mang theo đồ ăn đi không?
-
Lịch trình như thế nào thì hợp lý?
-
Một vài lưu ý
|
Tà Chì Nhù theo cách gọi của dân tộc Thái còn có tên là Phu Song Sung, hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của dân tộc Mông, có độ cao 2.979m, nằm trong địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn nổi tiếng. Đây cũng là ngọn núi được mệnh danh là vương quốc cho những hành trình đi săn mây, bởi tầm nhìn nơi đây luôn được “rừng mây” phủ kín. (Ảnh: Fongzooz)
Thời điểm lý tưởng nào là cho hành trình "săn mây" tại Tà Chì Nhù?
Thời gian lý tưởng nhất để “săn mây” Tà Chì Nhù là từ tháng 11 đến tháng 3. Đặc biệt, Những ngày nắng đẹp đầu đông hoặc đầu xuân là thời điểm thích hợp cho hành trình chinh phục đỉnh núi cao 2.979m - Tà Chì Nhù. Lúc này, trời quang mây tạnh, thời tiết ổn định sẽ tạo điều kiện để bạn ngắm nhìn khung cảnh tuyệt sắc của thiên nhiên cũng như giúp tiết kiệm sức khi leo.
Theo kinh nghiệm của nhiều "thợ săn mây" thì mây Tà Chì Nhù đẹp nhất là lúc hoàng hôn và bình minh. Thời điểm đó, nhiều sắc màu cùng đan cài với nhau, tạo ra sự chuyển hóa qua lại giữa tranh sáng và tranh tối, những quầng sáng cùng chiếu rọi và nổi bật trên nền trắng xóa bồng bềnh của mây… (Ảnh: mongvu)
Nên dành mấy ngày để đi?
Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn nên dành 3 ngày để hoàn thành cung này là hợp lý hơn cả, vừa đủ thời gian để leo, ngắm cảnh đẹp và điều hòa sức khỏe. Nếu muốn rút ngắn thời gian, bạn có thể đi trong ngày rưỡi tuy nhiên để làm được điều này bạn phải có thể lực thật tốt.
Cách trung tâm xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khoảng 6-7km là nơi bạn bắt đầu hành trình đi bộ chinh phục ngọn núi đầy thử thách nhưng có sức cuốn hút vô cùng lớn này. (Ảnh: dinhminh)
Có thể sử dụng phương tiện nào để di chuyển đến Tà Chì Nhù?
Chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 200km, nên nếu muốn đến Tà Chì Nhù, các bạn có thể lựa chọn xe máy hoặc ô tô là phương tiện di chuyển đều được.
Tuy nhiên, với những bạn di chuyển bằng xe máy thì nên có kinh nghiệm đi đường trường, chắc tay lái, đi đêm, đi đường đèo núi và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Vì đường đến Tà Chì Nhù không hề đơn giản và bằng phẳng.
Còn nếu lựa chọn ô tô là phương tiện di chuyển, bạn có thể bắt xe khách chặng Hà Nội - Yên Bái, sau đó thuê xe máy ở thành phố Yên Bái để di chuyển tới huyện Trạm Tấu rồi vào bản Xà Hồ. Từ trung tâm xã chỉ đi được xe thêm 6-7 km nữa là bạn phải gửi xe rồi bắt đầu hành trình leo núi đầy thử thách.
So với “Nóc nhà Đông Dương” Fansipan, đỉnh Tà Chì Nhù thấp hơn nhưng lại khó chinh phục gấp bội vì gần như chỉ có con đường mòn độc đạo và dốc dựng dứng dẫn lối bạn vượt qua các sườn núi đá đặc trưng của vùng núi Yên Bái. (Ảnh: Alexlee)
Hành trang cần chuẩn bị cho chuyến đi bao gồm những gì?
Trước đó ít nhất 2 tuần, bạn cần tập những bài thể dục để tăng sức bền cho cơ thể. Đây thực sự là yếu tố quan trọng nhất cho hành trình chinh phục Tà Chì Nhù. Bởi nếu không có thể lực cần thiết, rất có thể bạn sẽ cản trở tốc độ di chuyển của cả đoàn và gặp những tình huống không mong đợi như: ngất dọc đường, không đến được điểm nghỉ trước khi trời tối...
Chuẩn bị đầy đủ đồ cá nhân cần thiết: Túi ngủ, quần áo vừa đủ, mũ, giầy leo núi, gậy, bật lửa, kem chống muỗi, đồ ăn, dụng cụ y tế... Nếu mang theo máy ảnh, hãy chọn loại bao chống nước đề phòng mưa và độ ẩm trên núi cao.
Ngoài những loại thuốc thông thường cần mang như cảm cúm, sốt, ho... bạn cần chuẩn bị thêm vài túi trà gừng để dùng nóng lúc sáng sớm, giúp ổn định thân nhiệt. Cần chuẩn bị thêm những miếng dán tạo nhiệt, túi sưởi, sạc dự phòng…
Tuy nhiên, vì đây là một hành trình khá dài, gian nan và rất vất vả nên hãy cố gắng chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng thực sự cần thiết, không nên mang vác quá nhiều tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có phải mang theo đồ ăn đi không?
Tốt nhất, bạn nên chủ động thực phẩm mang theo, không nên đến huyện Trạm Tấu mới mua vì sẽ khó để có được những thứ bạn cần trong huyện nhỏ này. Tuy nhiên để đỡ phải mang vác nặng từ xa, bạn có thể mua mọi thứ cần thiết khi đến thành phố Yên Bái.
Lịch trình như thế nào thì hợp lý?
Để chuyến đi thành công, các bạn có thể tham khảo lịch trình dưới đây:
Ngày 1: Hà Nội - Nghĩa Lộ
Khoảng cách từ Hà Nội đến thị xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái là 200 km, mất khoảng 5h để di chuyển. Quãng đường này cũng tiêu tốn khá nhiều sức lực rồi nên khi đến đây bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống, đi dạo một số nơi trong thị xã và chuẩn bị cho ngày hôm sau leo núi.
Ngày 2: Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Xà Hồ - Tà Chì Nhù
Từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu khoảng 31 km, di chuyển tiếp vào bản Xà Hồ để leo núi Tà Chì Nhù.
Theo kinh nghiệm của những người dẫn đường, muốn giữ sức để chinh phục thành công đỉnh Tà Chì Nhù, người leo cần hạ trọng tâm và trang bị gậy chống để hỗ trợ leo núi. (Ảnh: ashlea)
(*) Lưu ý nhỏ: Bản thân con đường mòn nhỏ, trơn dẫn qua những vách núi dựng đứng để lên tới đỉnh đã là một thử thách đáng gờm với những kẻ ngao du. Núi leo rất dốc, đường mòn nhỏ, trơn, sống núi nguy hiểm, không có điểm bám, nhiều đoạn bạn sẽ phải bò để leo, cần hạ thấp trọng tâm để đỡ mất sức. Núi trọc nên gió giật rất mạnh, cần có gậy để hỗ trợ việc leo. Bạn phải mất từ 6 - 7h mới lên được đến lán ngựa, nơi có nguồn nước tự nhiên và có thể dừng cắm trại. Vì vậy, nên cố gắng xuất phát từ chỗ gửi xe dưới bản muộn nhất khoảng 10h để kịp tới nơi trước khi trời tối.
Ngày 3: Ngắm mây - Xuống núi, trở về Hà Nội.
Bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù là phần thưởng cho những vất vả bạn phải bỏ ra. Sau khi ngắm mây và có những phút giây thư giãn trên đỉnh núi, bạn nên thu dọn rác trước khi ra về. Xuống núi sẽ nhanh hơn rất nhiều, nhưng cũng cần lưu ý sương ướt còn đọng lại khiến bạn dễ bị trơn trượt.
Tuy nhiên, có thể bắt gặp biển mây đẹp hay không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. (Ảnh: Bichnguyen)
Bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù là phần thưởng cho những vất vả bạn phải bỏ ra. (Ảnh: ashleaaah)
Cảnh tượng hùng vĩ khó lòng có thể quên đi được. (Ảnh: hoabenben)
"Chạm" vào giấc mơ mang tên Mây lúc bình minh sau một chặng đường dài đầy khó khăn và thử thách là một thành quả thực sự tuyệt vời! (Ảnh: tnktravel)
Những vệt hồng, vàng in hằn rõ nét trên nền trời cùng biển mây bồng bềnh tựa chốn thiên đường trên đình Tà Chì Nhù. (Ảnh: hchater)
Một vài lưu ý:
Các thành viên yêu cầu phải có sức khỏe tốt, dẻo dai, đã từng leo núi hoặc đã được rèn luyện trước như leo Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc) … hoặc trước khi leo phải dành ít nhất 2 tuần chạy bộ hoặc đi bộ, leo cầu thang bộ để rèn được về luyện hơi thở, phá cơ...
Khác với một số đỉnh núi cũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn như Fansipan (Lào Cai), Pu Ta Leng (Lai Châu)…, muốn lên đỉnh Tà Chì Nhù, các bạn sẽ phải trải qua nhiều con dốc, đi phía trên những tán cây nên người leo phải hết sức cẩn thận, cố gắng điều hòa nhịp thở, và bám sát cả đoàn trong suốt hành trình. Tốt nhất nên xem trước dự báo thời tiết, để tránh gặp phải tình trạng trơn trượt, sạt lở khi đi vào những ngày mưa gió.
Nếu đoàn bạn đi với số lượng ít, bạn nên thuê người dẫn đường là người dân bản địa để có người đồng hành tin cậy. Có thể thuê thêm 1 người vác những đồ nặng chung cho cả đoàn. Nếu không biết thuê ai, hãy hỏi đường đến nhà bí thư bản Xà Hồ để được giúp đỡ. Bạn có thể trả họ mức chi phí hợp lý từ 600.000 - 700.000/người.
Nếu thấy trời bắt đầu tối mà chưa đến điểm nghỉ, tốt nhất nên dừng lại, kiếm chỗ kín gió, đủ rộng để cắm trại để nghỉ ngơi tạm thời, không nên đi tiếp vì leo núi trời tối rất nguy hiểm.
Nếu tại nơi cắm trại gió quá mạnh, các bạn cần có phương án neo dây cố định chắc chắn.
Khi leo núi xong, trên đường về Nghĩa Lộ cũng có khá nhiều cảnh đẹp, bạn sẽ thấy cuộc sống thanh bình của người dân địa phương, những chú bò nhẩn nha gặm cỏ trên núi... hãy dành chút thời gian để ngắm nghía, chụp ảnh. Đừng vội bỏ qua khoảnh khắc bình yên này trên chặng đường khó khăn và nhiều thử thách!
Đan Chi tổng hợp (Theo Vietnammoi)