[WeTrekology] Nên Mua Áo Khoác Kháng Nước (Water-resistant) Hay Chống Thấm Nước (Water-proof)?
Bạn sẽ không thể nhận ra tầm quan trọng của một chiếc áo khoác chống thấm nước cho đến khi không may gặp một cơn mưa lớn trên đường mòn - hay ở bãi đỗ xe. Nhưng có đôi khi việc bỏ tiền mua một chiếc áo khoác chống thấm nước (waterproof jacket) chất lượng cao trở nên không cần thiết vì một chiếc áo khoác kháng nước (water-resistant jacket) cũng đã khá hiệu quả. Thêm nữa, một vài loại áo khoác kháng nước đem lại những tiện ích mà những chiếc áo chống thấm nước không có. Đó là lý do việc lựa chọn chiếc áo khoác phù hợp nhất cũng cần một chút khôn ngoan. Vì vậy, hãy so sánh và cân nhắc giữa hai tính năng này để tìm ra chiếc áo phù hợp nhất dành cho mình.
Trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào về loại áo nào là tốt nhất cho mình, bạn cần phải biết một số điều cơ bản về công nghệ kháng nước và chống thấm nước.
“Kháng nước” (water-resistant) có phải là “chống thấm nước” (water-proof) không?
Khi bạn thấy một chiếc áo khoác ghi là “kháng nước”, thường thì nó không có nghĩa là chống thấm nước. Quần áo chống thấm nước được áp dụng công nghệ chống thấm nước, còn quần áo kháng nước thì không. Mặc dù vậy, một điều quan trọng cần phải nhớ đó là một vài nhãn hiệu có những tiêu chuẩn cao hơn các nhãn hiệu khác. Sự thật là, trừ khi được làm từ chất liệu đặc như cao su, bằng không thì chẳng có một chiếc áo khoác nào 100% chống thấm nước. Và bởi cao su đặc nên nó cũng không thoáng khí hay làm bạn thoải mái khi mặc được.
Sự khác biệt giữa “chống thấm nước” (water-proof) và “kháng nước” (water-resistant)
Sự khác biệt giữa kháng nước và chống thấm nước chủ yếu do cấu trúc vải. Trang phục kháng nước thường có lớp màng kháng nước (Durable Water Repellent - DWR) ở bên ngoài giúp hạt nước trôi đi và giữ cho bạn khô ráo dưới cơn mưa nhỏ hay tuyết rơi nhẹ. Nếu áo khoác có màng chống thấm nước thoáng khí hoặc các công nghệ chống thấm nước khác thì nó thường được coi là chống thấm nước. Trang phục chống thấm nước có màng chống thấm nước thoáng khí kết hợp với đường may dập kín thì có khả năng chống thấm nước cao hơn những chiếc chỉ có màng chống thấm nước thoáng khí mà không có đường may băng kín.
Đường may dập kín (sealed seams) là gì?
Ngay cả khi có màng chống thấm nước thoáng khí, bạn vẫn có thể bị ướt nếu đường may của áo khoác không kín. Đường may khâu là điểm yếu chính trong cấu trúc vải chống nước, vì chúng có rất nhiều những lỗ nhỏ li ti trên vải khiến cho nước có thể xâm nhập vào. Đó là lý do áo khoác (hay quần) chống thấm nước nên được dập nửa hoặc dập kín. “Áo dập nửa” (Critically seam sealed) có nghĩa chỉ có phần ở trên được dập kín, còn các đường may khác vẫn có thể để lọt nước. “Áo dập kín” (Fully seam sealed) có nghĩa là tất cả các đường may đều được băng kín để chống nước tối đa.
Có một số cách băng kín đường may để giữ cho nước không bị rò rỉ vào. “Đường may dán” (Taped seams) là cách băng kín bằng băng chống thấm nước, tạo ra một lớp màng chống nước dọc theo đường may. “Đường may hàn” (Welded seams) là các đường may được nối lại với nhau mà không cần khâu - và kháng nước tốt hơn đường may dán. Đường may hàn thường dùng máy ép keo hoặc ép nhiệt để gắn các mảnh vải lại với nhau.
Chỉ số chống thấm nước (waterproof ratings) cho biết điều gì?
Như đã được đề cập ở trên, có rất nhiều mức độ “chống thấm nước”. Khi bạn tìm mua một chiếc áo khoác chống thấm nước, bạn sẽ nhận thấy rằng chỉ số chống thấm nước thường đi kèm với công nghệ chống thấm được dùng. Những chỉ số này phản ánh khả năng chịu đựng của vải trong thử nghiệm “Cột áp thuỷ tĩnh” (Static-Column Test). Trong thử nghiệm này, một ống nước có đường kính 1 inch sẽ được đặt lên trên vải và đổ nước vào từ từ. Khi giọt nước đầu tiên thấm qua, chiều cao cột nước sẽ được ghi lại và đó chính là chỉ số chống thấm nước. Bởi vậy, áo khoác chống thấm nước có chỉ số 5.000 mm sẽ bị thấm nước trước một chiếc áo khoác có chỉ số 20.000mm. Mặc dù vậy, một điều quan trọng cần phải ghi nhớ đó là có thể bạn không cần đến một chiếc áo khoác có chỉ số chống thấm nước quá cao.
Nên mua áo khoác kháng nước (water-resistant jacket) hay chống thấm nước (waterproof jacket)?
Cũng giống như các trang bị dã ngoại khác, điều này còn phụ thuộc vào việc bạn định mặc chiếc áo khoác đó trong trường hợp nào. Khi đi mua, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều loại áo khoác kháng nước rất tốt. Một vài loại có công nghệ Gore Windstopper, có thể chống gió rất tốt, đồng thời có thể chống nước một phần. Một số loại áo có thể đồng thời là áo giữ nhiệt hay áo lông vũ. Và nhớ rằng, một chiếc áo khoác không chống thấm nước không có nghĩa là nó không tốt và không hợp với bạn.
Trở lại với việc bạn nên lựa chọn loại áo khoác nào: kháng nước hay chống thấm nước? Nếu bạn dự định đi trượt tuyết, hay để mặc riêng vào những ngày trời mưa, hoặc nếu bạn gặp phải điều kiện ẩm ướt trong thời gian dài, bạn sẽ cần một chiếc áo khoác chống thấm nước. Còn nếu bạn mua áo khoác để đi bộ, leo núi, lái xe hoặc để mặc hàng ngày khi trời khô ráo, một chiếc áo khoác kháng nước sẽ phù hợp với bạn hơn.
Cuối cùng thì, có lẽ đầu tư cho một chiếc áo khoác chống thấm nước (waterproof jacket) chất lượng tốt cũng là xứng đáng khi bạn nhận thấy mình có thể đối mặt với thời gian dài trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Và dù gì thì, nếu bạn là người thích đi dã ngoại, bạn cũng nên có dự phòng ít nhất 1 chiếc áo chống thấm nước trong hành trang của mình.
DUKI Hoàng