Làng Oa nằm ở vùng núi phía bắc Đài Loan. Đây là công trình tâm huyết của kiến trúc sư Hà Truyền Trân. Một nửa diện tích của làng được làm trang trại và xây những đường mòn xung quanh. Không trải nhựa lối đi, không lắp đèn đường... để cây xanh và hoa lá phát triển tự nhiên là cách vị kiến trúc sư này áp dụng
Cư dân làng Oa gồm toàn các doanh nhân, kiến trúc sư, bác sĩ và giáo viên. Một phần ba trong số đó có bằng tiến sĩ. Họ quay lại lối sống truyền thống, uống trà, làm nông, chơi mạt chược, nấu ăn cùng nhau, thậm chí có người chưa bước chân ra khỏi làng từ khi đến.
Mười năm nay, ngôi làng này không có vụ trộm nào. Trẻ con trong làng tự do chạy nhảy, chơi bóng, té nước, đạp xe và coi nhau như người thân.
Làng Oa được xây dựng từ năm 2011 và hoàn thành sau 4 năm, có thiết kế giống những làng cổ hàng trăm tuổi ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, gần các bờ suối và các hộ đều có sự liên kết với nhau. Không xây dựng những ngôi nhà bề thế, kiến trúc sư họ Hà dựng nhà trên những con dốc có độ cao chênh lệch 7 m, dựa vào địa hình để xây dựng. Nhà nào cũng có sân thượng, vươn tay ra có thể chạm vào cây cối.
Làng Oa không có trung tâm, 24 ngôi nhà được chia thành 4 dãy, mỗi dãy mang nét đặc trưng riêng. Dãy nhà trên cùng nhìn ra cả làng, dãy 2 và 3 kẹp giữa tạo cảm giác an toàn vì được hàng xóm trông coi. Dãy thứ 4 có tầm nhìn rộng nhất, xung quanh là những nông trại xanh mướt mắt.
24 ngôi nhà ở làng Oa tương ứng với 24 tiết khí trong lịch của các nước phương Đông như Thanh minh, Hạ chí, Mang chủng, Thu phân, Sương giáng... Trong sân mỗi hộ đều trồng những loại cây phát triển theo mùa tương ứng, để người dân có thể cảm nhận được bốn mùa.
Một con suối nhỏ chạy qua giữa làng phân chia khu dân cư và trang trại nông nghiệp. Kiến trúc sư Hà đã quy hoạch một nửa diện tích đất để làm trang trại trồng hoa màu. Những con kênh cổ dùng để tưới tiêu và những cây cầu gỗ đều được giữ lại.
Kevin là người đầu tiên chuyển tới làng Oa sinh sống. Căn hộ của ông có tên là Bạch lộ (Nắng nhạt). Bà Du, hàng xóm sát vách nhà Kevin, mỗi khi ăn cơm thường hỏi người dân trong làng: "Các bạn muốn ăn cùng không?". Hoặc bà Du sẽ gọi điện trực tiếp cho Kevin sau khi chế biến xong các nguyên liệu, để nói rằng bà sẽ mang đồ đến nhà anh cùng nấu.Kevin nói: "Mối quan hệ giữa những người hàng xóm rất tốt, điều này khiến tôi bất ngờ". Nhà nào cũng tin tưởng nhau, có khi đi vắng mấy ngày không khóa cửa, nhưng trong thôn 10 năm qua không có vụ trộm nào xảy ra. Có lần nhà Du thiếu đá nên mở cửa vào nhà Kevin lấy, không ngờ người thân của Kevin gọi điện đến, bà Du nghe máy, nói chuyện rôm rả cả tiếng đồng hồ.
Khi làng Oa mới được xây dựng, giá của mỗi căn hộ là khoảng 4-7 triệu Đài tệ (16-24 tỷ đồng), hiện nay đã tăng lên 10 triệu tệ.
Khi thiết kế thôn Oa, điều đầu tiên kiến trúc sư Hà Truyền Trân nghĩ đến là cách phân bố không gian, đồng thời khắc phục môi trường tự nhiên ẩm ướt. Khi thiết kế các đường thông khí, ông đã sử dụng gió bên ngoài để tạo thành áp suất thấp trong ống, dẫn luồng không khí đi từ dưới lên trên để đạt được hiệu quả thông gió tự nhiên. Hà đã lắp đặt một rãnh trên mái của mỗi nhà để thu nước mưa, các rãnh thoát nước của các căn hộ được kết nối với nhau, nước mưa được tập trung để tưới cho cây xanh trong công viên.
Không giống như đường trải nhựa trong các khu dân cư hiện đại, làng Oa sử dụng những viên gạch rỗng để lát đường. Những viên gạch này có khả năng chịu lực tốt, khoảng không ở giữa là nơi cỏ sinh trưởng, tạo ra những con đường xanh mát mắt. Bình thường, cư dân có cảm giác mình đang đi trên thảm cỏ, nhưng khi ô tô chạy qua thì những viện gạch vẫn đủ vững chắc.
Cây xanh và nước trong làng dùng để điều chỉnh nhiệt độ. Mùa hè, nhiệt độ tại làng Oa thấp hơn bên ngoài 2-3 độ. Ngoài 60 gốc cổ thụ, ở đây còn trồng thêm hơn 100 đại thụ mới. Người dân nói rằng: "Nhìn thấy đại thụ giống như nhìn thấy nhà". Hệ sinh thái bên ngoài thôn Oa cũng được giữ nguyên. Môi trường nơi đây và 10 km lân cận không có gì khác biệt, tạo điều kiện để côn trùng và chim muông kéo về. Để đảm bảo độ riêng tư của từng gia đình, đồng thời giúp họ kết nối với nhau, ông Hà đã sử dụng cây cỏ làm hàng rào ngăn cách.
Vị kiến trúc sư này cảm nhận rằng, để biến làng Oa thành "làng cổ trăm năm", điểm quan trọng nhất là tính kế thừa. Ông đã cho xây dựng một ngôi nhà trên 3 cây cổ thụ. Nơi đây trẻ em thường xuyên vui đùa, khám phá, còn phía dưới người lớn tổ chức những bữa tiệc nhỏ hoặc tiệc trà đơn giản. Ngôi nhà cây này trở thành nơi gắn kết tình cảm giữa người lớn và trẻ nhỏ, để mỗi đứa trẻ đều có những kỷ niệm đẹp khi nhớ lại thời thơ ấu.
Một số bếp lò kiểu cũ cũng được dựng trong làng. Khi thời tiết đẹp, dân làng hái dâu, lấy rau từ vườn, nướng khoai lang và ngô ở đây, cùng nhau uống trà, cà phê, chia nhau các loại mứt tự làm, trong khi lũ trẻ rượt đuổi và chơi trên bãi cỏ. Xung quanh làng còn có những tuyến đường chạy bộ nối liền các gia đình và những khu vực công cộng. Để tránh ô nhiễm ánh sáng, thôn Oa không lắp đặt đèn đường, chỉ thiết kế vài nguồn sáng yếu gần bãi cỏ hai bên đường. Khi đi ra ngoài vào ban đêm, người dân sẽ mang theo đèn lồng điện tử.
Sống ở đây, hàng xóm không so đo tiền bạc, địa vị, bởi quan trọng nhất là họ biết tận hưởng cuộc sống. Những cư dân nghỉ hưu thích gặp gỡ nhau chơi mạt chược, chơi nhạc và cùng nhau trồng hoa cỏ. Một số cư dân làm việc ở những nơi khác thường đưa gia đình và con cái trở về làng vào cuối tuần. Họ cùng nhau uống trà, trò chuyện và chia sẻ cuộc sống thường ngày. Trẻ con gia đình nào cũng biết nhau. Chúng thường xuyên nô đùa, tự do chơi đùa khắp nơi trong làng.
Nguồn: The Paper/Vnexpress