Hôm 15/7, chàng trai 29 tuổi chuẩn bị đồ để lên đường, chọn nơi không có người để đảm bảo an toàn mùa dịch và dự định ở lại 3-4 ngày.
Tuy nhiên, khi chưa kịp trở về, anh bất ngờ nghe tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 từ 6h ngày 23/7.
“Mình đang kinh doanh nên nghe tin cũng hơi buồn. Thế nhưng, thay vì suy nghĩ quá nhiều, mình chọn cách ở lại để tận hưởng phong cảnh, khí hậu và dành thời gian để nhìn nhận lại mọi thứ của bản thân trong năm”, Công cho hay.
Công "mắc kẹt" trên núi hơn nửa tháng qua vì dịch.
Những ngày sống chậm
Trong mọi chuyến đi cắm trại ngắn hay dài ngày, Công luôn mang đủ đồ dùng quan trọng như lều, tấm tarp chống mưa nắng, túi ngủ, gối hơi, võng, bàn ghế dã ngoại, bộ nồi, dao, dĩa, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, sạc dự phòng loại 120.000 mAh có thể nạp điện thoại và đèn tích điện đủ dùng trong khoảng 20 ngày.
Tuy nhiên, lần này, điều duy nhất anh không lường tới là trong balo chỉ có 3 bộ quần áo, 1 khăn tắm và chút đồ dùng cá nhân.
Ở Hà Nội, Công thường cảm thấy một ngày trôi qua rất nhanh và bận rộn. Nhưng hơn nửa tháng qua, mọi chuyện diễn ra hoàn toàn khác.
Công luôn chuẩn bị vật dụng cần thiết trong những chuyến cắm trại xa nhà.
Thực phẩm Công tranh thủ đi mua tại tạp hoá ở bản. Vì dịch, chàng trai thường mua đồ trữ được lâu để hạn chế tiếp xúc với người dân.
Sống một mình trên núi hơn nửa tháng qua, Công không buồn mà thậm chí thấy vui vẻ, lạc quan.
“Mình chọn chỗ cắm trại có view đẹp nhất khu nên ở lâu cũng không thấy chán, chỉ là đôi khi có chút nhớ nhà, nhớ việc. Mỗi ngày, mình thường dành 4-5 tiếng đọc sách. Lúc khác, mình ngồi ngắm cảnh, nghe nhạc”, anh kể.
Điều khiến Công bất ngờ là trong chuyến đi này, anh tăng gần 4 kg. Chàng trai cho rằng tinh thần thoải mái, không khí trong lành giúp anh khỏe mạnh hơn.
Công tăng gần 4 kg nhờ ăn uống đầy đủ, điều độ trong nửa tháng qua.
Tuổi trẻ đáng nhớ
Công bắt đầu thích đi cắm trại từ năm 2016. Khi đó, anh là người sáng lập và trưởng nhóm phượt theo cách mộc mạc ở Hà Nội. Mỗi khi có dịp, các thành viên lại rủ nhau rong ruổi khắp vùng núi Tây Bắc để tìm hiểu văn hoá, ẩm thực và cảnh đẹp của Việt Nam.
Cứ cách 1-2 tháng, Công lại xách balo lên và đi. Anh thường đồng hành với nhóm bạn hoặc người thân có chung đam mê, sở thích.
Với chàng trai, mọi nẻo đường Tây Bắc đều có vẻ đẹp và sự mộc mạc riêng. Hầu như chuyến đi nào cũng để lại trong anh nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là vào dịp đầu năm, khi vừa được ngắm hoa đào, hoa mận nở giữa núi rừng, vừa có cơ hội ăn Tết cùng dân bản.
6 năm qua, Công không nhớ hết những nơi mình ghé thăm. Có địa điểm đẹp, anh quay lại gần 20 lần. Chàng trai này còn mê chụp ảnh, quay video về vùng cao.
Khung cảnh yên bình ở Tà Xùa qua ống kính của Công.
“Camping là thú chơi không mới, cũng không cũ ở Việt Nam. Đối với mình, loại hình này rất lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên và tiết kiệm. Cái hay là mình có thể tự nấu ăn, cảm nhận không khí và cảnh đẹp ở bất cứ đâu. Đó là điều thôi thúc mình sắm bộ camping để cứ rảnh là lại lên đường”.
Trong số chuyến đi đáng nhớ, Công kể lần đi cắm trại một mình ở rừng thông tại Mù Cang Chải (Yên Bái) hồi tháng 3. Lần đầu độc hành, anh có chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khi đến nơi, cảnh đẹp khiến anh quên hết âu lo.
“Mọi thứ đều bình thường cho đến khi trời tối. Ăn cơm xong, mình vào lều đọc sách như mọi khi nhưng chỉ nửa tiếng sau thì mưa rào ập tới. Lúc đó, mình chỉ sợ ướt lều, nước ngấm vào trong thì khỏi ngủ. May mắn là mọi thứ đều ổn. Mình vẫn nhớ cảm giác khó tả, vừa vui, vừa sợ khi ngồi đọc sách, nghe mưa rơi dưới ánh đèn vàng”, anh bật cười nhớ lại.
Vốn thích thử thách và trải nghiệm điều mới mẻ nên khi biết tin Hà Nội giãn cách thêm 15 ngày, Công quyết định tiếp tục ở lại trên núi. Anh coi đây là chuyến đi cắm trại để đời mà sau này có thể kể cho bạn bè, gia đình nghe.
“Những khoảnh khắc đáng giá như vậy dù có nhiều tiền cũng không thể mua được”, anh nói.
Theo zing.vn