[WeNews] Hành trình chinh phục các cung đường bằng xe cào cào của biker Việt
Khá kén người sử dụng nhưng xe máy địa hình - cào cào không còn quá mới mẻ với giới trẻ Việt. Tuy nhiên, có những lý do khiến dòng xe này không được nhìn thấy nhiều trên các cung đường. Đầu tiên, phải kể đến là thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa đa dạng các mẫu xe nhập khẩu chính ngạch nên người mê xe chưa có nhiều lựa chọn. Cào cào chia làm ba loại chính:
Supercross - chuyên nghiệp, dùng để biểu diễn và đua, không có đèn, còi, xi- nhan, tinh giản hết mức để hạn chế cân nặng, không thể tham gia giao thông.
Enduro - bán chuyên nghiệp, có các bộ phận cần thiết để đạt tiêu chuẩn công cộng. Lốp xe không quá gai góc, để có thể linh hoạt sử dụng khi đi off-road, lẫn đường trường.
Supermoto - xe phố, được tối ưu hóa đường bộ bằng cách sử dụng cặp lốp ít gai, và vòng bánh bằng nhau trước sau.
Chiều cao yên xe cào cào chưa thực sự phù hợp với người Việt Nam. Bốn dòng xe enduro phổ biến hiện nay là Honda XR 150 L yên cao 825 mm, Yamaha XTZ 125 là 840 mm, Honda CRF 150 L 869 m và Kawasaki KLX 150 BF 870 mm, sẽ thoải mái với người có chiều cao 1,7-1,8 m. Những người có chiều cao thấp hơn sẽ phải kiễng chân và dễ bị ngã do chân đáp không vững. Ngoài ra, kiểu dáng cao, dài của xe sẽ khá chiếm diện tích khi tham gia giao thông trên đường.
Xe cào cào băng qua sỏi đá...
Đặc biệt, giá thuê khá cao. Nếu bạn đi du lịch ở một thành phố khác bằng máy bay, bạn thường thuê xe máy tại điểm đáp, rồi bắt đầu chuyến du ngoạn của mình. Thay vì 150.000-200.000 đồng một chiếc xe máy thông thường, thì xe cào cào lại có giá thuê khoảng 500.000 đồng một ngày.
Tuy vậy, khoảng hai năm trở lại đây, những bạn trẻ với niềm đam mê dòng xe cào cào đã có rất nhiều chuyến đi với chiếc xe mình yêu thích. Các hội nhóm đam mê dòng xe địa hình này phát triển, như Cào Cào Việt Nam, 8.000 thành viên trên cả nước.
Các nhóm này phát triển mạnh ở miền Bắc, nơi có nhiều núi cao vực sâu và tứ đại đỉnh đèo hiểm trở. Tại khu vực miền Nam, đặc biệt là TP HCM, các thành viên chủ yếu chạy xe trong phố. Các chuyến đi xa cùng nhau chỉ vài chục người, chủ yếu là nam. Thành viên nữ chỉ chiếm thiểu số, chỉ dừng ở mức yêu thích, chưa đủ để tham gia nhiều hoạt động off-road của hội.
...hay vượt suối, bùn lầy.
Nếu như những dân phượt khác đến nơi để chụp ảnh, check-in, nghỉ ngơi, thư giãn... thì những người phượt cào cào lại có thú vui khác. Họ thích off-road với những con đường đôi khi sỏi đá, đôi khi sình lầy, vượt ngầm tràn, hoặc lội suối. Họ thích thách thức bản thân cùng "chiến mã" trên những con đường không đúng nghĩa, mà có khi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng phải trả giá đắt.
Những điểm đến của người mê xe cào cào thường có đồi núi và biển, như: Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Phan Thiết, Đà Lạt, Vũng Tàu. Những người chơi dòng enduro sẽ tự lái xe, còn những người thích dòng motocross sẽ thuê xe bán tải để vận chuyển xe đến địa điểm tập kết. Lạc nhau và hư hỏng xe dọc đường là những trở ngại thường gặp nhất, mà các phụ kiện cho dòng xe này đều được nhập từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ và chờ đợi rất lâu.
Các hội nhóm thường tổ chức những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ở một ngọn núi, hay một khu rừng nào đó. Họ hy vọng sẽ có nhiều người am hiểu hơn về dòng xe này, để có thêm những người bạn cứu trợ ở bất cứ đâu mà họ gặp khó khăn.
>> Những phụ kiện đi kèm dành cho xe máy: mũ bảo hiểm, đồ đi mưa, đồ bảo hộ, phụ kiện xe máy