Modak tại Registan – trung tâm thành phố cổ Samarkand của Uzbekistan. (Ảnh: Hurshid Narimov)
Chuyến đi mơ ước
Tháng 1/2019 báo New York Times công bố bản danh sách thường niên “Những điểm đến du lịch lý tưởng”, trong đó nêu 52 điểm cần phải đến trong năm. Tiếp đó báo này thông báo sẽ cử phóng viên Sebastian Modak cũng là một tín đồ du lịch đi trải nghiệm thực tế toàn bộ 52 điểm đến “cần tới” trên.
Modak sinh ra tại New Jersey trong gia đình mẹ là người Colombia, cha là người Ấn Độ. Theo bước chân người cha làm trong ngành viễn thông cứ sau vài năm gia đình Modak lại di chuyển từ nước này sang nước khác. Bởi vậy với Modak những ngôi nhà thời thơ ấu của anh đều chỉ là chốn ở tạm thời, nhưng có lẽ cũng vì thế mà Modak đam mê ngao du từ bé.
Thời trưởng thành Modak từng sống tại Australia, Ấn Độ, Indonesia và Botswana trước khi sang Mỹ. Trong số những công việc đã trải qua, Modak kể anh từng là nhạc sĩ, nhà sản xuất của MTV, biên tập viên và nhà văn làm việc cho Condé Nast Traveler.
Những kinh nghiệm đó giúp anh trở thành ứng viên phù hợp nhất với vai trò du khách trải nghiệm 52 điểm đến lý tưởng theo danh sách của New York Times. Và thế là giấc mơ ngao du của Modak đã biến thành sự thực, tuy nhiên đó cũng là một công việc mới đầy khó khăn dù rất lý thú.
Báo Insider ngày 22/1 dẫn lời Modak – người vừa trở về nhà ở New York sau 52 tuần chu du khắp thế giới – kể lại những trải nghiệm thực tế từ hành trình mỗi tuần một điểm đến mới không ngừng nghỉ, không ghé về thăm nhà.
Tín đồ du lịch chuyên nghiệp này kể rằng anh đã mơ ước từ lâu là được trả tiền để đi ngắm nhìn thế giới nhưng lại vướng bận nhiều việc khác. Và nay khi đã tiếp cận được chuyến đi trong mơ của mình với tư cách một nhà báo, anh cảm nhận đã rút ra được nhiều điều bổ ích hơn là chỉ đi chơi theo kiểu tuỳ hứng. Đặc biệt sau một năm “vạn dặm độc hành” anh đã học được cách nắm bắt niềm vui đi solo và cách sống tối giản.
Modak đã tới 52 quốc gia, trải qua 88 chuyến bay, 45 chuyến tàu hoả và 48 chuyến đi thuyền. Anh thấy mình thật may mắn khi chỉ lỡ một chuyến bay và mất 2 vật dụng là kính râm và chiếc quần bơi. Đúng là những con số khá ấn tượng.
Modak vừa trở về nhà được vài tuần nhưng khi danh sách tương tự của năm 2020 vừa được thông báo, anh đã chia sẻ với báo Insider rằng còn một số điểm anh muốn tới và nếu có thể là sẽ đi tiếp trong năm 2020 này.
Tìm kiếm các hang động băng dọc theo bờ hồ Superior tại Ontario, Canada. (Ảnh: Ellen Van Laar)
Modak dành trung bình 6 ngày tại mỗi điểm đến, đi từ nơi này tới nơi tiếp theo, tiếp theo nữa… không hề ngừng nghỉ hoặc rẽ về nhà. Anh chỉ ngủ trung bình từ 5 đến 6 giờ mỗi ngày trong suốt cả năm qua.
Mỗi ngày một câu chuyện
“Giống như hội chứng sợ bỏ lỡ, đó không chỉ là bạn sợ sẽ bỏ qua trải nghiệm cần có với tư cách một du khách. Tại những nơi nghỉ dưỡng tôi vẫn muốn dậy sớm và ra đường vì điều tôi phải làm, tôi cần làm là chụp thêm ảnh, tìm ra một cốt truyện, phỏng vấn một số người… Nên tôi bị sức ép suốt cả năm – Modak chia sẻ - Đó là một công việc như mơ nhưng cũng khó khăn nhất tôi từng có”.
Tới khu thuộc địa xa xôi của loài chim cánh cụt Vua trên quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương. (Ảnh: Sebastian Modak)
“Tôi tới mỗi điểm để tìm kiếm một câu chuyện, gặp gỡ mọi người. Điều đó giúp tôi có nhiều trải nghiệm không bao giờ có được nếu chỉ đi nghỉ”- Modak nêu rõ.
Để có mặt trên 88 chuyến bay một chiều tới cả 52 điểm đến, Modak thường chỉ đặt vé trước khoảng 2 tuần để tránh bất kỳ hiệu ứng domino nào nếu không may có sự cố xảy ra. Nói chung, Modak cho rằng khi đi du lịch mà ta có được sự tò mò như của các nhà báo, sẽ thấy ở nơi đó có nhiều điều thú vị hơn.
Ngắm dãy núi Nam Alps trên đảo Nam của New Zealand. (Ảnh: Sebastian Modak)
Có một điều duy nhất Modak luôn tuân thủ suốt chuyến đi dài là dành ngày đầu tiên tại mỗi điểm đến mới để viết, vì anh cần viết một câu chuyện mỗi tuần.
Nói chung nếu có thể thì Modak loại bỏ những điểm tham quan nổi tiếng dù rất hấp dẫn để dành thời gian trò chuyện với người dân địa phương, đi bộ và cố gắng khám phá, quan sát những gì xảy ra xung quanh. Còn thông tin có sẵn trên mạng thì Modak cho biết anh không quan tâm vì đó đơn giản chỉ là “những câu chuyện ai đó đã kể”.
Trải nghiệm độc đáo
Modak cũng nêu nhận xét: Cách mọi người đi du lịch đang thay đổi, đó là họ trở nên quan tâm hơn tới những trải nghiệm độc đáo. Xu thế chung là người dân thích trải nghiệm thực tế hơn là “những khách sạn lịch sự và thưởng thức cocktail piña colada trên bãi biển”, thích trải nghiệm như dân địa phương hơn là du khách. Bởi thế Airbnb (một thị trường cộng đồng cho việc đặt, cho thuê phòng, căn hộ kiểu như một hệ thống đặt hàng trực tuyến) đang rất phổ biến.
“Tôi cho rằng điều đó dẫn tới nhiều tương tác, nhiều sự trao đổi văn hoá và cả sự đồng cảm hơn” – Modak nói.
Amsterdam. (Ảnh: Shutterstock)
Và dù đi du lịch một mình trong cả năm đôi khi cũng thấy cô đơn, nhưng Modak kể anh đã học được cách tìm ra những niềm vui nho nhỏ cho riêng mình. Ví dụ như khi ngắm hoàng hôn “khác lạ” tại Hà Lan, Modak quay lại đối mặt với cầu vồng và cảm thấy vô cùng đơn độc mà không có ai để chia sẻ. Bởi thế, Modak cho rằng có thêm những người bạn mới là rất tốt và thú vị.
Một năm lênh đênh trên đường cũng dạy cho Modak cách sống tối giản và biết cách tổ chức cuộc sống khoa học hơn.
Nói chung, Modak nhận thấy điểm đến nào cũng có những tiềm năng du lịch riêng, nhưng Siberia khiến anh ấn tượng nhất vì: “… Giống như tôi bước vào một mặt phẳng khác, ánh sáng khác, bầu không khí khác và con người (tuyệt) không thể tin nổi… thiên nhiên cũng (đẹp) không thể tin nổi…”
Nói chung theo kinh nghiệm của Modak, khi đi du lịch nếu ta muốn có được một điều gì đó để yêu thích thì chắc chắn sẽ tìm thấy điều đáng yêu thích đó.
Hồ Baikal ở Siberia, Nga là hồ rộng nhất và sâu nhất thế giới. (Ảnh: Shutterstock)