[WeNews] Mẹ Hà Nội cho con ngủ lều đối phó hết phòng ở Cúc Phương 30/4
Mặc dù không thuê được phòng, ba gia đình Hà Nội vẫn có hai ngày trải nghiệm thú vị khi đi đúng mùa bướm, đom đóm ở Ninh Bình.
Chuyến đi dưới đây được chị Thúy Loan thực hiện vào dịp 30/4 năm ngoái, sau hai tuần lên kế hoạch. Hiện vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình vào mùa bướm và đom đóm nên chị Loan chia sẻ lại kinh nghiệm để các gia đình có con nhỏ tham khảo.
Trong quá trình thực hiện, tôi nhận được nhiều phản hồi không thuận lợi trên mạng như lượng khách vào rừng quá tải, hết sạch phòng trong 3 khu của rừng, dự báo thời tiết mưa gió... cùng những lời cảnh báo về muỗi, vắt, rắn, rết... Ba gia đình đã chuyển hướng sang cắm trại ngủ đêm, ăn uống tự túc.
Sáng đầu tiên, hai xe xuất phát từ Hà Nội lúc 9h30. Ngày đầu nghỉ lễ nên đường cao tốc ken đặc xe tại các nút lên xuống. 12h hơn đoàn đến địa điểm ăn trưa, là nhà hàng tại cổng khu du lịch Tràng An. Ở đây có bán xoài tứ quý, 35.000 đồng một kg.
Xe tiếp tục di chuyển vào vườn quốc gia Cúc Phương, đường đi khá vắng, lác đác một hai xe cùng di chuyển vào rừng. Đến nơi, chúng tôi mua vé 60.000 đồng mỗi người lớn, 10.000 đồng mỗi trẻ em và 20.000 đồng cho một xe ôtô, rồi đi vào điểm cuối là Xóm Bống - một trong ba khu chính của rừng, ngoài Bìa Rừng và Hồ Mạc.
Đường vào rừng Cúc Phương. Ảnh: An Nhiên.
Đường xuyên rừng khá nhỏ, hai xe tránh nhau hơi vất vả. Lúc đó hai bên đường không còn nhiều bướm, nhưng hôm sau đoàn quay ra vào buổi sáng 9-10h thì bướm có nhiều hơn, bay lấp lánh dưới trời nắng. Nhưng không khí trong rừng thực sự rất mát và trong lành, khác hẳn với khí hậu ở thành phố, đông đúc khói xe. Khi bước chân vào rừng cũng đồng nghĩa tất cả điện thoại bị vô hiệu hoá, do ở đây không hề có sóng di động. Lúc này điện thoại còn hai chức năng là chụp ảnh và làm đèn pin buổi tối.
Cả đoàn vào đến Xóm Bống khoảng 4h chiều. Bãi cắm trại được gọi là khu sân bay, là một bãi cỏ trống nằm trước 4 căn nhà Luồng, xung quanh bao bọc bởi rừng núi hùng vĩ, rất lý tưởng để cắm trại. Nơi này có sẵn các mảng bê tông vuông vắn để dựng trại. Cả nhà dỡ đồ và bắt đầu dựng lều. Với phó giáo sư của một trường đại học, kỹ sư tự động hoá trong đoàn, việc dựng lều khồng hề gặp khó khăn. Chúng tôi gồm 9 người lớn, 6 trẻ con nên dựng một lều lớn và một lều nhỏ, xịt thuốc khắp khu dựng trại để chống muỗi.
Sau đó là màn nấu nướng thần tốc để kịp hoàn thành trước khi màn đêm buông xuống. Ảnh: Thúy Loan.
Đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn sàng từ nhà nên chúng tôi chỉ việc làm nóng: Xôi đồ lại, gà luộc qua rồi gỡ thịt, thả xương vào nồi nước nấu miến. Thực đơn cũng khá phong phú: Xôi ruốc, gà luộc, miến gà, kimbap, kim chi, thịt dê (từ trưa), cơm cháy, hoa quả tráng miệng (dưa hấu, táo, quýt, xoài) và cả cháo ăn liền cho bạn bé.
Đồ ăn được giữ trong thùng xốp có đá và dán kín, mang theo một thùng nước khoáng thiên nhiên, và bình nước 20 lít để nấu nướng. Gần đó khu cắm trại có nhà vệ sinh chung, nhà tắm nhưng nước hơi lạnh. Ở khu này hoàn toàn không có điện (đến tối chỉ chạy máy nổ 3 tiếng cho 4 nhà Luồng) nên phải chú ý mang các loại đèn, càng nhiều đèn càng tốt. Khách có thể đi chặt lá chuối để làm mâm, củi thì vào rừng lấy để đốt. Mấy nhà "hàng xóm" đốt củi nướng thịt rất vui. Tất cả cùng nhau ngồi ăn tối, không ai bị muỗi đốt.
Chúng tôi ăn gần xong thì đàn đom đóm kéo đến. Các bạn bé vội lao đi bắt đom đóm thả vào chai (đi ngủ còn mang vào lều cho đom đóm ngủ cùng). Bạn nào cũng cười rất sung sướng, chạy vòng quanh khu cắm trại mấy lượt mà không thấy mệt.
Các bạn nhỏ chơi đùa trong lều. Ảnh: Thúy Loan.
Đến 9h tối cả nhà kéo nhau vào lều đi ngủ. Mới vào thì lều khá nóng. Đêm xuống trời dần lạnh, sương phủ khắp nơi. May cả nhà mang theo chăn và ôm nhau chặt nên khá ấm. Lúc này, một anh nhân viên bắt đầu đi thu vé cắm trại (30.000 đồng mỗi người lớn). Lúc tối dựng lều thì có 4 đoàn nhưng đến đêm thì chỉ còn đoàn tôi và một nhóm bạn gái. Hai nhà khác chỉ dựng lều chơi tối, vì họ đều ngủ trong các nhà Luồng.
Lần đầu bọn trẻ được ngủ qua đêm trong lều trại nên rất háo hức. Sáng 6h tất cả đã thức giấc. Bọn trẻ con vùng dậy, chạy 4-5 vòng quanh sân để tập thể dục rồi vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Bữa sáng đơn giản với bánh mì sữa, pate và cháo nhưng được ngồi ăn giữa đất trời thiên nhiên nên rất tuyệt.
Nhà tôi ngồi chơi và cho trẻ chạy nhảy tung tăng đến 9h thì dỡ lều và thu dọn đồ lên xe ra về. Trên đường ra có nhiều bướm hơn hẳn so với chiều hôm trước. Cả đoàn dừng chân uống nước mía tại khu Hồ Mạc.
Lúc này lượng xe đi vào rất đông, nhà tôi không thể ra được nên lại rẽ vào khu cứu hộ linh trưởng (vé 350.000 đồng cho cả đoàn, đi xe điện và có hướng dẫn viên). Sau đó ban quản lý mở lối đi khác cho các đoàn đi ra, kết thúc một chuyến trải nghiệm vui vẻ và thú vị, bạn bé nào cũng muốn ở lại để chơi tiếp.
Lưu ý, nếu đi luôn nhớ mang theo áo khoác, đồ dài và chăn gối. Đèn là thứ không thể thiếu được trong buổi cắm trại (đèn pin, đèn cảm ứng, đèn sạc...). Ngoài ra cần mang theo thuốc xịt muỗi và thuốc bôi chống muối.
(Thúy Loan-Vnexpress)