Menu
Logo WeTrek 2024 new (0)
Bạn cần trợ giúp ?
Gọi cho chúng tôi (miễn phí)
028 7305 1988
Live Chat
Tài khoản
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập bằng số điện thoại
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc
Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật
26/03/2024  -  2886 Lượt xem

Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

Con suối Bình Lư có đầu nguồn chảy từ đỉnh núi men theo sườn Tây Nam của dãy Ngũ Chỉ Sơn hợp lưu với một dòng suối khác từ đỉnh Fanxipan đổ xuống dòng Nậm Mu rồi men theo tỉnh lộ 106 cuối cùng hòa mình vào Sông Đà chảy xuống đồng bằng. Nó góp phần làm trù phú một vùng rộng lớn, cung cấp năng lượng dồi dào cho các thủy điện Bình Lư, Thủy điện Mường Kim. Nhưng ngay đầu nguồn, nó đã được dùng cho một mục đích kinh tế đặc biệt. Dòng nước lạnh giá chảy từ độ cao 2600m rất thích hợp cho việc nuôi giống cá hồi nước lạnh từ tận Bắc Âu xa xôi. Với mức giá dao động từ 300-500tr.đ/tấn, cá hồi đang là lĩnh vực hái ra tiền của những ông chủ vùng cao, đồng thời tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

Trang trại cá hồi dưới chân Ngũ Chỉ Sơn

Những bước chân đầu tiên của chúng tôi dọc theo con suối lạnh ngắt đó, men theo một trang trại cá hồi xây thô sơ, những bể bê-tông được lót tấm nhựa xanh lè nhằm trữ nước để trôi tuột xuống những khe đá. Nước suối khá lớn, lưu lượng dồi dào, nhưng nước chảy xuống bể cá được lấy các khe sạch có độ cao trên 1500m, nơi trâu bò không tới được, nhằm tránh dịch bệnh và các hàm lượng vi chất có hại trong thịt cá. Những đàn cá được kiểm dịch nghiêm ngặt,từ khâu giống cho tới đầu ra cuối cùng trước khi vào đưa vào bếp ăn hoặc xuất khẩu ngược. Tôi thầm nghĩ, nếu có thời gian dứt khoát phải quay lại nơi đây để thưởng thức món bổ dưỡng này ngay tại trang trại, nhưng hôm nay thời gian là kẻ thù của chúng tôi. Sau bữa trưa vội vàng ngay đầu nguồn con suối - chúng tôi mất toàn bộ buổi sáng và trưa cho việc tìm porter, lúc đó đã là 2h chiều, ánh mặt trời không thể xuyên qua các đám mây mù, báo hiệu một ngày cuối đông nhanh tối.Tôi vội vã giục các bạn đồng hành nhai vội mấy miếng bánh mì kẹp thay cho bữa trưa rồi tiếp tục lên đường.

Vào mùa mưa, con đường qua suối này hoàn toàn không thể đi được. Chúng tôi liên tục phải đảo từ bên này qua bên kia bờ suối. Thỉnh thoảng lại gặp những người thổ dân ở đây. Họ đi chăn trâu, bẫy chim, chặt cây hoặc lấy củi. Một nhóm trai bản cầm cả cần câu đi câu cá suối, họ thổi những điệu khèn lá vui tai và hết sức thân thiện với chúng tôi. Có lẽ hầu hết thanh niên gặp ở đây đều biết con đường ven suối, nhưng cũng như trong bản, họ không biết đường xuyên tâm Ngũ Chỉ Sơn. Tôi dừng lại, hỏi thăm một vài chàng trai rồi mấy già bản nhưng họ hoặc không biết tiếng Kinh hoặc lắc đầu không biết đường.

Thậm chí cho tới lúc đó, A Sinh, người đóng vai trò dẫn đường cho tôi cũng chẳng biết chính xác mình sẽ đi đâu. Tôi bàn với Sinh: Em khoác ba-lô này, dẫn anh theo con đường lớn nhất ven suối, nếu có 2 hướng đi, tới đó anh sẽ quyết định đi đường nào. Sinh bảo tôi, nếu anh muốn leo lên đỉnh núi,em biết một đỉnh cao lắm, rất khó đi, mà dân ở đây đi bẫy khỉ mất cả ngày leo.Trên đó còn đàn khỉ to, con đầu đàn rất hung dữ, phải đi mấy người cùng nhau thì mới dám vào lãnh địa của nó. Tôi vui mừng đồng ý ngay và hy vọng trưa ngày mai mình lên được núi khỉ. Với lượng đồ ăn này, hai anh em có thể khám phá hết vùng núi, mà tôi vẫn hy vọng rằng núi khỉ đó chính là đỉnh Ngũ Chỉ Sơn huyền thoại, hay chí ít nó cũng giúp tôi nhìn được toàn cảnh dãy Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tây Nam.

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

A-Sinh, người đóng vai trò dẫn đường ngồi nghỉ ở bãi cỏ ven đường, xa xa là rặng núi khởi đầu của NCS

Vừa đi vừa trò chuyện với Sinh, trông nhỏ con thế mà khỏe hơn chúng tôi rất nhiều, Sinh đeo balo nặng hơn mà đi như đi chơi, vừa đi vừa trò chuyện vừa ngoảnh lại đợi. Cậu khá thông thạo tiếng Kinh phổ thông,nhưng những từ ngữ như tên các loại thực vật thì Sinh hoàn toàn không rõ, chỉ gọi bằng những từ tiếng Mông xa lạ. Đang đi dẻo chân, Sinh chợt dừng ở một ngã 3 suối,nơi có rất nhiều những cây giống như cây thông non, mọc rất nhiều ngay dưới bãi cát ven suối mà tôi ngờ rằng quả chúng là giống hạt trần giống thông phát tán theo dòng suối xuống đây. Sinh bảo dân bản gọi địa danh này là Ngã Ba Suối,đúng như bản chất của nó và bảo nên đi đường tay phải. Quyết định đồng thuận nhanh chóng được đưa ra vì trên bản đồ địa hình, con suối phía trái dẫn tới một đỉnh đèo cao 2000m ngược với hướng mong muốn của tôi.Chúng tôi phải vượt qua suối 2 lần nữa mà một trong 2 lần đó, Chuẩn bị trượt chân ướt hết giầy. May mà không trẹo chân, mất vài phút để kiểm tra balo và đồ điện tử, tất cả vẫn khô do balo của Chuẩn được thiết kế chống nước rất tốt. Sau đó một đoạn ngắn chúng tôi tới một khe vực khá hiểm trở. Sinh chỉ phía xa: "Lối này không đi được đâu anh ạ, trơn trượt nguy hiểm lắm, mình đi lên cái đồi này vòng xa một chút để tránh vách đá kia". "Thế có tách xa con suối này không?" tôi hỏi, lòng mong rằng mình sẽ đi không quá xa nó, đó chính là cứu cánh duy nhất của kế hoạch. "không xa lắm đâu, mình sẽ gặp một con suối nữa,nhưng em không biết có phải suối này không". Vậy là okie theo đường mòn lớn lên đồi.

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

Con thác cao trên đường mà chúng tôi phải đi vòng qua
Được một lúc, chợt tiếng suối reo lớn dần, từ rì ràoxa xăm chuyển sang ù ù rồi ầm ầm như tiếng thác đổ. Đúng là tiếng thác rồi, tôiquay hỏi Sinh: Sao em bảo tách xa suối? "Đấy là tiếng thác anh ạ. Mình vừavòng lên đồi, lát nữa sẽ đi qua thác trước khi tách hẳn khỏi con suối. Rồi tiếngthác đổ lớn dần, một con vực sâu hút hiện ra, rồi dải thác lụa cao phải tới nămchục mét trắng tinh đổ xuống từ khe núi. Hóa ra chúng tôi đã đi vòng lên đỉnhthác bằng đường đồi. "Có xuống được chân thác không?" "Được anh ạ,nhưng mất thời gian đấy, đi theo con suối này lần xuống khe kia là xuốngthác". Thời gian không cho phép, tôi đành đi men theo con đường mòn trơnnhẫy ngay gần thác rồi một lần nữa leo lên đồi tách khỏi con suối đi tiếp.

Trời về chiều, hoàng hôn buông dần. Đang từ đường ven suối dẫu có trơn trượt nguy hiểm nhưng vẫn dễ chịu hơn loại đường chân núi này,dốc ngược dựng đứng, đường thì nhiều đất khô và sỏi nhỏ rất trơn lại không chỗ bấu víu. Tôi liên tục dừng lại nghỉ ngắn, mỗi lần chỉ 3-5s nhưng cũng khá mất thời gian. Tôi bảo Sinh cứ đi trước, hễ thấy ngã 3 thì dừng lại đợi bọn anh,nhưng đừng đi quá xa, cứ nghe tiếng là được, chứ đi thế này anh không có động lực phấn đấu đâu. Sinh bèn rảo bước chẳng mấy chốc biến mất khỏi đám cây rừng. Ngoảnh lại thấy Chuẩn còn tệ hơn tôi nhiều, thở bằng cả mũi lẫn tai. Chuẩn hổn hển nói với tôi: em chưa từng đi dốc dài thế này, thỉnh thoảng cũng luồn rừng mang balo dù lên núi, nhưng thường chỉ phải leo vài trăm mét là cùng. Tôi bèn chặt cho hai anh em mỗi người một cây gậy tươi làm thêm chân thứ 3 để dùng tay đỡ bớt lực cho đôi chân, cũng khá khẩm hơn chút, nhưng vẫn mệt như cũ chỉ có tần suất nghỉ là giảm đi. Dường như kể từ giờ trek thứ 3 đôi chân hai anh em mới bắt đầu quen dần với cường độ vận động, dẻo dai hơn, đi nhanh hơn, hơi thở dần dần điều hòa với nhịp chân bước.

Thỉnh thoảng Sinh lại dừng đợi ở một ngã ba. Đối với tôi giả sử đi một mình thì vẫn quyết định được hướng đi đúng, nhưng với những người không quen đi rừng, đường mòn đó có thể là một mê cung khó hiểu chẳng biết đi về đâu. Những quyết định rẽ của Sinh rất hợp với ý tôi, vậy là từ khoảng 1600m trở lên chẳng có lần dừng hội ý nào nữa. Trừ một lần Sinh dừng lại chỉ cho hai anh em toàn cảnh con đường ven suối và cả bản làng dưới chân núi. Thực ra vẫn chẳng đi được bao xa, mỗi giờ kể cả thời gian nghỉ, cả ăn nhanh, uống nước, chỉnh trang đồ đạc,chúng tôi chỉ đi được hơn 2km, sau 3 giờ trek liên tục mới được khoảng 7km, mà như vậy soi vào đường chim bay bằng mắt thường cảm giác như bản của Sinh vẫn ngay dưới chân. Chúng tôi lại hò nhau cặm cụi nối đuôi tiến sâu vào rừng. Khu rừng tái sinh, từng bị đốt trụi để làm nương nhưng nay bỏ hoang không trồng thảo quả,không nhiều điều ấn tượng. Đoạn trên kia mới vào rừng già, đẹp lắm - Sinh bảo. Ừ, anh cũng biết vậy, chưa đến khu vực thảo quả thì sẽ không có rừng già. Cứ lầm lũi đi không biết bao lâu, tôi phải tranh thủ thời gian trời còn sáng để mải mốt đi, vì cứ mỗi phút nghỉ ngơi lúc trời chiều có thể phải trả giá bằng hàng chục phút mò mẫm trong đêm, thậm chí lạc đường. Đã hơn 5h30 chiều, Sinh động viên đi nhanh, còn khoảng 1h nữa mới tới lán thảo quả - tôi không muốn ngủ lại giữa rừng vì sợ rằng thời tiết này dứt khoát sẽ có mưa đêm.

Thực ra 1 tiếng đi rừng mà Sinh nói tương đương với hơn 2 tiếng của ba người đi trong đêm. Kể từ lúc rút đèn pin ra khoảng 6h kém,chúng tôi cật lực đi thêm 2h nữa trong ánh đèn. Vừa đi vừa niệm Phật, mong cả đoàn bình an, vì tôi biết đây là thời gian đi kiếm mồi của lũ rắn. Đường vẫn lên dốc xuống đèo, mỗi lần lên dốc đứng, các lát cắt đường địa đồ và vị trí GPS không cho thấy bất kỳ một địa điểm cắm trại khả dĩ nào. Mặc dù có tới 4 đèn pin chúng tôi quyết định chỉ dùng 2 chiếc để dự phòng cho tình huống xấu và những đêm sau. Chuẩn đưa đèn cho Sinh đi trước mở đường còn tôi đi đoạn hậu cầm đèn soi cho Chuẩn. Không biết bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu lần hụt bước, bao nhiêu lần trượt chân, cuối cùng cũng tới được một bãi cỏ rộng rãi bằng phẳng. Tán cây che bên trên, bãi cỏ rộng chừng hơn trăm mét vuông, thảm cỏ khá dày, vây quanh là nương thảo quả đảm bảo rằng lũ rắn vốn sợ mùi rễ thảo quả tránh xa. Chỗ này quả là địa điểm cắm trại tuyệt vời nếu như... Oái oăm thay, không có dấu hiệu của nước quanh đây. Đi tiếp hay dừng? Chuẩn hoang mang hỏi tôi, cả hai đều rất mệt rồi. Tôi tham khảo qua ý kiến Sinh, nhìn vào địa đồ ước lượng khoảng cách tới con suối rồi hai anh em quyết định: Đi tiếp! Không có nước nấu ăn, không thể có sức chiến đấu cho ngày mai.

Chúng tôi phải rời xa bãi cỏ phẳng xanh rêu trong luyến tiếc để tiếp tục con đường mòn. Bỗng dưng các dấu hiệu của con đường mòn nhỏ dần,nhỏ dần rồi mất dấu hẳn. Một khe núi sừng sững hiện ra, vách cao chừng hơn trăm mét, một vết nứt sâu hút dẫn thẳng lên đỉnh lộ le lói chút ánh sáng của sương mù phía trên. 

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

Vách đá mà chúng tôi vòng qua còn dốc trên 90 độ (hình minh họa)

Trong ánh đèn, phải để ý kỹ lắm mới thấy những dấu chân trên đá. Chỉ một lát cắt của phiến đá cỡ chừng nửa bàn chân tách ra trên một vách đá nghiêng hơn cả mức dựng đứng, chính là con đường phía trước. Tiếc là quá tối nhìn chẳng thấy đừng nói tới chuyện chụp ảnh. Chúng tôi thận trọng từng người lần lượt bám vào cây dại mọc trên vách đá làm điểm tựa,áp sát người vào vách núi, balo quay ra vực rồi từng bước lần trên đá vòng qua bên kia vực sâu. Nhìn trên địa hình đồ chi tiết thì có vẻ đây là nơi không thể đi được, nhưng kỳ thực phía sau vách đá này mới là sự sống. Không gian đang im ắng như tờ bỗng đâu nghe như có tiếng suối rì rào văng vẳng. Chúng tôi bước nhanh trên con đường mòn phẳng, một căn lán hiện ra trên vách núi. Khác với những lán thảo quả thường thấy, nó nằm chình ình án ngữ giữa lối đi. Sàn của lán và lò sấy thảo quả được đào sâu vào trong đất, những thanh tre khô cong kê phía trên mấy thanh gỗ lớn làm giàn sấy, xung quanh đầy đủ củi khô, lá lót sàn. Thậm chí có cả mấy cái chăn vắt trên thành lò sấy, trông có vẻ bẩn thỉu nhưng khá khô ráo. Một chiếc đèn pin cũ hỏng vứt chỏng chơ cạnh lò. Dựa vào mức độ mục nát của lớp lá lót sàn và đống củi cháy dở, có vẻ như căn lán này bỏ hoang đã lâu.Tuy nhiên mái lán lợp bằng lá thảo quả phơi khô kết trên thân trúc còn khá tốt. Chẳng cần dựng lều, tôi phân công Sinh đi lấy nước, tôi nhóm lửa, Chuẩn trải chăn lên đống lá khô, vốn là "giường"của người chủ lán vô danh, trải thêm lớp bạt lều rồi đến túi ngủ. Căn lều được che chắn tốt trong đất, nên đống lửa vừa bùng lên lập tức có cảm giác ấm áp, an toàn. Đối với tôi, có lẽ nó là khách sạn 3 sao rồi, giữa lúc mệt mỏi hoang mang nhất, nơi hoang vu này nó hiện ra như một phép màu. Phép màu do chính người Mông bản xứ tạo ra.

Những ngày hôm đó chuyến đi còn chưa dừng lại. Lúc Sinh xách cái can trong lều ra suối lấy nước, cứ ngỡ tiếng suối rì rào ở ngay gần nhưng 45ph, rồi 1h trôi qua vẫn chưa thấy Sinh đâu. Tôi sốt ruột quá xách đèn pin, rời khỏi cái ghế vốn là một khúc cây khô bổ đi tìm. Có dấu hiệu rõ ràng của hai con đường, một lên nương thảo quả, một xuống suối lấy nước như bao lán thảo quả khác. Thông thường tôi chỉ cần nhìn dưới chân mà không cần ngẩng đầu lên cũng biết được có lán thảo ven đường quả dựa vào hai dấu hiệu này. Tôi chọn con đường xuống suối tìm Sinh - sợ rằng cậu xách nước bị trượt ngã đập đầu vào đá ngất đi thì gay go. Nhưng càng đi xuống, lối mòn càng nhỏ dần, sâu hút. Một trăm, hai trăm rồi ba bốn trăm mét. Đi mãi đi mãi tới được suối, gào thét hú gọi Sinh không thấy tiếng trả lời. Tôi soi đèn khắp nơi, huy động mọi giác quan và kinh nghiệm theo dấu của mình để tìm Sinh mà không thấy đâu. Tất tả, tôi ngược dốc trở lại con đường chính. Quả thực tôi chưa từng hoang mang như thời điểm đó, vừa sợ hay con gì nó chén mất cậu cũng nên, vừa hoảng hốt nghĩ tới những tình huống xấu nhất, vừa lo sợ bóng đêm, nỗi ám ảnh rắn rết và - nỗi sợ bao trùm hơn cả là cảm giác đơn độc khi ở trong rừng khi không có bạn đồng hành.Tôi ngược lên con đường phía trên ngay cạnh lán một đoạn gọi Sinh tiếp, nhưng vẫn không ai trả lời. Nỗi sợ đơn độc trong rừng buộc phải quay lại lán - tôi định rủ Chuẩn đi cùng. Cố giấu vẻ mặt lo âu, tôi bảo Chuẩn không tìm thấy Sinh ở suối. Chuẩn có vẻ khá bình tĩnh, khuyên tôi ở lại lều chờ thêm một lúc rồi hai anh em sẽ đi tìm. Tôi ngồi xuống châm một điếu thuốc, đói, mệt, rồi cơn buồn ngủ ập đến...

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn Kỳ 3: Thác lụa, khe núi hiểm ác trong rừng già và con đường bí mật

Hóa ra tôi toàn lo hão, được một lúc gã thợ đi rừng bản xứ mò về với vài lít nước trên tay, gần như nằm vật ra trên bạt vì mệt. Hóa ra cu cậu đi lên đường trên rồi mò tiếp sâu xuống một cái khe, ở đó nước chảy tí tách từng giọt nên mãi mới hứng được mấy lít mang về.Tôi thở phào. Vậy là tận gần 10h chúng tôi mới được ăn bữa tối sau khi đã gần như nhịn bữa trưa mà chỉ nạp năng lượng bằng đồ ăn vặt và nước pha đường gluco. Đồ ăn tối khá ngon lành với chân giò xông khói, giò bò, canh rau chua đóng gói nấu với mỳ tôm và thoải mái thịt hộp các loại. Hôm nay chẳng có thời gian đâu để hái rau rừng. Sau vài tuần rượu, giấc ngủ êm ấm trong túi ngủ, cạnh bếp củi lách tách đến khá nhanh.

Chia sẻ bài viết:
Khám phá thêm
Chăm sóc khách hàng
NHẬN BẢN TIN SỐNG CÁ TÍNH
Để nhận ngay thông tin khuyến mại, deals hấp dẫn
faceyoutubetwintter

Tại WETREK.VN, chúng tôi tin rằng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên luôn đáng sống. WETREK.VN tiên phong khích lệ mọi người tích cực tham gia các hoạt động diễn ra ngoài trời, luôn cam kết trang bị và chăm sóc tốt nhất các Hoạt động Giải Trí Ngoài Trời này theo các tiêu chí An Toàn, Trách Nhiệm, Sướng.

GIẢI TRÍ NGOÀI TRỜI LÀ GÌ

Giải Trí Ngoài Trời (Outdoor Recreation) là những hoạt động thể thao, giải trí, thư giãn diễn ra ngoài trời, thường trong môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên. Ví dụ như hoạt động du lịch (travelling), chạy bộ địa hình (trail-running), đi bộ đường dài (hiking - trekking), leo núi (mountaineering), cắm trại (camping), đạp xe (cycling), chèo thuyền - kayak - ván chèo đứng SUP (paddling), câu cá (fishing), trượt tuyết (skiing), lướt sóng (surfing) và nhiều hoạt động khác. Hoạt động giải trí ngoài trời cũng có thể là những trò chơi thể thao hay những buổi luyện tập thể thao theo nhóm được tổ chức ngoài trời.

wetrek

HỆ THỐNG CỬA HÀNG WETREK STORES

Đã khai báo BCT DMCA.com Protection Status

Copyright © 2013-2023 WETREK.VN. All rights reserved.

Mua lẻ: 02873051988 | CSKH: chamsockhachhang@wetrek.vn | NCC: purchasing@wetrek.vn | Khách doanh nghiệp: b2b@wetrek.vn

Công ty TNHH WETREK RETAIL
Địa chỉ: Số 235 Nguyễn Ngọc Nại, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giấy ĐKKD: 0109655188, ngày cấp: 02/06/2021, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Trang Chủ Mua Sắm Thương Hiệu WeTrek Store