Do đai bảo hộ leo núi là thứ giữ bạn lại khi treo mình trên vách núi, vậy nên việc kiểm tra các vết mài mòn hoặc rách là cực kỳ quan trọng. Nếu bạn nghi ngờ đai bảo hộ không còn an toàn, hãy mua một bộ đai mới ngay. Còn bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy tắc cơ bản của việc bảo quản đai bảo hộ leo núi.
Một dây đai bảo hộ leo núi được dùng khá nhiều không hẳn là không an toàn, nhưng nếu đai có nhiều vết xước và bị phai màu thì đó chính là dấu hiệu để có thể thay một đai mới rồi. Một số đai bảo hộ được đánh dấu màu cam bên dưới vòng buộc và vòng đỡ giúp bạn xác định được thời điểm cần thay đai mới.
Đai bảo hộ dù được dùng đến hay không cũng sẽ bị xuống cấp theo thời gian, vì thế để đảm bảo an toàn cho bạn, hãy thay đai đã mua hơn 7 năm, kể cả khi nó được bảo quản rất tốt hoặc chẳng bao giờ dùng đến.
Các chuyên gia leo núi như người hướng dẫn leo núi, hoặc những người dành trọn thời gian để leo núi nên thay đai bảo hộ sau 1 năm. Trong trường hợp bị ngã hoặc va đập nặng, hãy thay đai ngay.
Khi đai bảo hộ leo núi của bạn bị dính bẩn, trước hết hãy cố gắng rửa qua nhẹ nhàng với nước. Nếu vẫn không chùi được các vết bẩn, hãy dùng tay giặt đai với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ (không dùng thuốc tẩy), sau đó rửa sạch với nước. Phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Vận chuyển đai bảo hộ leo núi trong túi đựng của nó và không để đai tiếp xúc với các vật sắc, dụng cụ phá băng, đế đinh, ánh nắng mặt trời, chất ăn mòn (như a-xít từ ắc quy, xăng, dung môi, thuốc tẩy) hoặc bất cứ thứ gì có thể làm hỏng đai. Nếu đai bảo hộ leo núi không có sẵn túi đựng riêng khi mua, một túi đựng đồ có thể là một giải pháp tiết kiệm và đơn giản.
Cất đai bảo hộ leo núi ở nơi khô, râm mát và không bị nhiễm bẩn. Nếu đai bị ướt, hãy phơi khô trước khi cất.
DUKI Hoàng