Khi lựa chọn mua ống nhòm, bạn sẽ thấy có vô vàn mức giá cho những loại ống nhòm lương tự nhau. Bởi vậy, việc hiểu được các đặc tính của ống nhòm, như độ phóng đại, đường kính vật kính và vòng tròn thị kính sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vị lựa chọn ống nhòm phù hợp.
KÍCH CỠ ỐNG NHÒM
Ống nhòm rất đa dạng về kích cỡ (được xác định bởi kích cỡ vật kính) để phù hợp với nhiều loại hoạt động dã ngoại. Dưới đây là so sánh nhanh:
Cỡ lớn - Full-size (thông số phổ biến: 8 x 42mm, 10 x 50mm)
Phù hợp nhất cho hoạt động quan sát thế giới tự nhiên, động vật hoang dã và sử dụng khi trên thuyền.
Ống nhòm cỡ lớn thu được nhiều ánh sáng hơn và hoạt động tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Chúng thường cung cấp hình ảnh rõ nét hơn và phạm vi quan sát hơn, nên rất phù hợp cho việc quan sát các loài chim, nhưng chúng lại quá lớn và nặng cho những chuyến dã ngoại (backpacking).
Cỡ vừa - Mid-size (thông số phổ biến: 7 x 35mm, 10 x 32mm)
Sự lựa chọn tốt nhất sử dụng cho hoạt động thể thao và hoạt đông nơi hoang dã.
Dù hơi nặng một chút cho những chuyến dã ngoại, chiếc ống nhòm này cân bằng được giữa kích cỡ vừa phải và độ truyền tải ánh sáng ở mức trên trung bình.
Cỡ nhỏ - Compact (thông số phổ biến: 7 x 35mm, 10 x 32mm)
Phù hợp nhất với những hoạt động ngoài trời trong ngày.
Ống nhòm loại này nhẹ nhất, nhỏ nhất, phù hợp cho những chuyến đi dã ngoại. Tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian dài sẽ không đem lại cảm giác thật sự thoải mái.
ĐỘ PHÓNG ĐẠI (MAGNIFICATION)
Những chiếc ống nhòm được xác định bởi 2 con số. Số đầu tiên là độ phóng đại.
Ví dụ: chiếc ống nhòm 7 x 35mm có độ phóng đại bằng 7, nghĩa là vật thể sẽ hiển thị gần gấp 7 lần so với khi được quan sát bằng mắt thường. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy một con hươu đứng cách bạn 200 yard (khoảng 180 m) qua một chiếc ống nhòm 7x, nó sẽ có vẻ như chỉ ở cách bạn khoảng 28,6 yard (25,7 m) (200 chia cho 7).
Lưu ý rằng những chiếc ống nhòm với độ phóng đại lớn hơn 10 sẽ phóng đại sự chuyển động của tay bạn, làm việc quan sát cố định gặp khó khăn.
ĐƯỜNG KÍNH CỦA VẬT KÍNH (OBJECTIVE LENS DIAMETER)
Con số thứ hai được sử dụng trong việc phân loại ống nhòm là đường kính (tính theo mm) của vật kính (là thấu kính ở xa mắt bạn hơn; gần với vật thể đang được quan sát hơn).
Ví dụ: chiếc ống nhòm 7 x 35mm có vật kính đo được là 35mm.
Đường kính của vật kính kính chủ yếu để xác định xem ống nhòm của bạn có thể thu được bao nhiêu ánh sáng. Nếu bạn có 2 chiếc ống nhòm với thông số giống hệt nhau, ngoại trừ đường kính vật kính, ống nhòm nào có đường kính vật kính lớn hơn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn. Nhiều ánh sáng hơn nghĩa là tầm nhìn rõ hơn, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu.
VÒNG TRÒN THỊ KÍNH (EXIT PUPIL)
Thông số về vòng tròn thị kính là một con số chỉ ra vật thể khi hiển thị sẽ rõ thế nào nếu được quan sát trong tình huống ánh sáng yếu. Con số này càng cao bao nhiêu nghĩa là hình ảnh càng rõ nét bấy nhiêu. Vòng tròn thị kính lớn, ngoài ra, còn giúp dễ dàng hơn để duy trì một hình ảnh trọn vẹn của vật thể nếu tay bạn chuyển động hoặc rung.
Kích thước của vòng tròn thị kính (đo bằng mm) được tính bằng cách chia đường kính của vật kính cho độ phóng đại.
Ví dụ: Với chiếc ống nhòm 7 x 35, 35 chia cho 7 ra đường kính của vòng tròn thị kính là 5mm.
Trong ánh sáng rất yếu, con ngươi của chứng ta có thể giãn rộng lên tới 7mm. Nếu chiếc ống nhòm có kích thước của vòng tròn thị kính dưới 7, thì có nghĩa nó đang hạn chế lượng ánh sáng và mắt có thể nhận được. Những ống nhòm 7 x 50 sẽ có kích thước của vòng tròn thị kính là 7,1mm - như vậy đây là một lựa chọn tốt cho việc quan sát vào ban đêm.
- Trong tình huống ánh sáng yếu (bình minh, hoàng hôn, ở dưới những tán cây dày đặc hay trong khi đang quan sát trời đêm), loại ống nhòm với thông số vòng tròn thị kính cao (khoảng 5mm trở lên) là lựa chọn phù hợp.
- Khi quan sát vào ban ngày, kích thước của vòng tròn thị kính ít quan trọng hơn. Dưới ánh sáng mặt trời, con ngươi thu hẹp lại tới xấp xỉ 2mm. Tất cả ống nhòm đều có kích thước vòng tròn thị kính tối thiểu 2mm.
ĐỘ SÁNG TƯƠNG ĐỐI (RELATIVE BRIGHTNESS)
Liên quan tới vòng tròn thị kính, độ sáng tương đối cũng đo xem một vật thể hiển thị rõ nét như thế nào với mắt bạn: con số này càng cao bao nhiêu, vật thể sẽ hiển thị càng rõ nét bấy nhiêu. Điều này rất hữu ích trong điều kiện ánh sáng yếu.
Độ sáng tương đối được xác định bằng cách bình phương thông số của vòng tròn thị kính.
Ví dụ: Một chiếc ống nhòm có chỉ số vòng tròn thị kính là 4,3. Bình phương con số đó (4,3 x 4,3) để tính ra thông số của độ sáng tương đối là 18,5.
Vậy thông số về kích thước của vòng tròn thị kính giống nhau có tạo ra độ sáng như nhau không? Những nhà sản xuất ống nhòm cao cấp trả lời là “Không”, họ khẳng định rằng nhiều yếu tố - loại lăng kính (prism), thành phần thấu kính, chất lượng bộ phận cấu thành và lớp phủ quang học (optical coatings) - tất cả đều ảnh hưởng đến độ sáng tương đối.
KHOẢNG ĐẶT MẮT (EYE RELIEF)
Đây là khoảng cách giữa thị kính và mắt bạn khi mà toàn bộ phạm vi quan sát đều có thể nhìn thấy. Khoảng đặt mắt dài tăng sự thoải mái bằng cách cho phép bạn giữ chiếc ống nhòm xa mặt.
Thông số khoảng đặt mắt đặc biệt hữu ích nếu bạn đang đeo kính. Phần lớn các nhà sản xuất khuyên rằng những người đeo kính nên cuộn vòng đệm cao su của thị kính xuống trước khi quan sát; tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ.
Lưu ý: Nếu bạn đeo kính, hãy tìm ống nhòm có thông số khoảng đặt mắt từ 11mm trở lên.
PHẠM VI QUAN SÁT CỦA ỐNG NHÒM (FIELD OF VIEW)
Thông số này nói cho bạn biết về chiều rộng của khu vực (đơn vị feet) mà bạn có thể quan sát khi đưa mắt nhìn, cách nơi bạn đứng 1.000 yard (khoảng 914 m). Một phạm vi quan sát rộng là cần thiết để tìm và xác định những vật thể như chim chóc. Thường thì độ phong đại càng cao sẽ dẫn tới phạm vi quan sát càng hẹp.
LẤY NÉT (FOCUS)
Hầu hết tất cả ống nhòm đều được trang bị vòng xoay lấy nét trung tâm (central focusing wheel) nằm giữa hai ống. Chúng ngoài ra còn thường có cơ cấu bù trừ độ hội tụ (diopter adjustment ring) tập trung riêng vào từng ống. Điều này cho phép bạn bù trừ cho những khác biệt trong tầm nhìn giữa hai mắt. Cơ cấu bù trừ độ thường được đặt ở ống bên trái hoặc bên phải gần thị kính.
LỚP PHỦ TRÊN THẤU KÍNH (LENS COATINGS)
Một phần ánh sáng đi qua thấu kính của ống nhòm bị phản xạ bật ra ngoài. Sự phản xạ này làm giảm lượng ánh sáng đi qua thấu kính và khiến hình ảnh hiển thị bị tối. Để giảm thiểu sự phản xạ và đảm bảo có được hình ảnh sắc nét, rõ ràng, lớp phủ được sử dụng. Việc tráng lớp phủ nhiều lớp trên thấu kính (multi-coated lens) giảm tối đa sự phản xạ và tăng khả năng truyền ánh sáng.
ỐNG NHÒM CHỐNG THẤM NƯỚC TUYỆT ĐỐI VÀ CHỐNG TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TIẾT
Nếu bạn sử dụng ống nhòm trên một con thuyền hay trên mặt đất trong suốt một ngày mưa, bạn sẽ cảm thấy cần cân nhắc tới ống nhòm chống thấm nước tuyệt đối hoặc chống tác động của thời tiết.
Ống nhòm chống thấm nước tuyệt đối (waterproof) thường sử dụng những vòng đệm tròn (O-rings) để tạo ra một vòng kín ngăn hơi ẩm xâm nhập. Chúng ngoài ra còn ngăn bụi bẩn hoặc những mảnh vụn nhỏ rơi vào.
Ống nhòm chống tác động của thời tiết (weather-resistant) thì không chống thấm nước hoàn toàn. Chúng được thiết kế để bảo vệ chống lại những cơn mưa nhỏ chứ không phải khi bị chìm trong nước.
ỐNG NHÒM CHỐNG MỜ SƯƠNG
Ống nhòm có thể bị mờ khi bạn di chuyển chúng giữa những nhiệt độ khác nhau, như nhiệt độ lạnh ngoài trời và nhiệt độ ấm trong nhà. Sương mờ không chỉ gây khó chịu, mà ngoài ra còn có khả năng gây hại tiềm tàng nếu hơi ẩm bị giữ lại bên trong ốm nhòm.
Để đối phó với hơi nước ngưng tụ, những nhà sản xuất ống nhòm đã phát triển các phương pháp thay thế không khí bên trong ống kính quang học với khí trơ, loại khí không có hàm lượng hơi ẩm và vì vậy sẽ không ngưng tụ lại. Điều này bảo vệ ống nhòm khỏi bị mờ ở mặt trong của thấu kính.
Ethan Nguyen