(SGTTO) – Những cung đường ngoằn nghèo, dốc đứng, trơn trượt… nhưng có lực hút vô cùng đặc biệt. Chinh phục chúng, có lúc hai bàn chân sưng phồng, rộp hết cả lên. Có lúc đang ở giữa núi rừng chợt nghĩ, sao mình cứ phải rước khổ vào thân… Thế nhưng, hễ 1 – 2 tháng không đi đâu là không chịu được. Cứ thế, ngày càng nhiều bạn trẻ thích những chuyến du lịch “hành xác” hơn là các hành trình nghỉ dưỡng nhẹ nhàng.
“Nghiện” trèo đèo, lội suối
Chiều thứ Sáu, vừa hoàn tất mấy việc vặt thường ngày ở chốn công sở, Huyền Trần (27 tuổi, quê Bình Phước), vừa “note” lại vài ý tưởng từ chuyến leo núi Bà Đen với hội bạn hồi tuần trước. Cô thường có thói quen ghi lại cảm xúc hay cảnh vật trong các chuyến đi thành những mẩu nhỏ, đăng lại trên facebook, blog và website riêng của mình.
Là “con gái chuyên văn” nhưng hễ Việt Nam chỗ nào có núi, có đồi, có thể leo trèo được là có mặt cô. Tính sơ sơ qua, ở Việt Nam, cô từng nhiều lần đặt chân đến đỉnh những ngọn núi như Bà Đen, Chứa Chan, Bà Rá, Ngọc Linh, Chiêu Lầu Thi…
Rồi cũng từng khăn gói tự lái xe gắn máy mười mấy ngày trời qua các cung đường uốn lượn ở Tây Bắc, Đông Bắc. Cũng từng “gù lưng” vác balo qua cung đường trekking huyền thoại Tà Năng – Phan Dũng…
Phần thưởng cho những gian khổ trong các chuyến đi là bức ảnh đẹp, giữa núi non hùng vĩ.
Có lúc, cuối tuần bạn bè rủ nhau cà phê, trà sữa, cô lại xách ba lô với chai nước, chạy xe máy lên chùa Bà (Tây Ninh) rồi leo lên đỉnh, chụp hình với cái cây cổ thụ ven đường gần chỗ đỉnh núi. Rồi về. Hôm sau đi làm, hai chân đau rã rời nhưng với cô, cảm giác đau đớn đó riết rồi thành quen, thành nghiện.
Kể chuyện leo núi, có anh porter (người chuyên khuân vác, dẫn đường trong các tour leo núi) ở Ngọc Linh từng cười vào mặt Huyền. Khi đón cô và nhóm bạn từ TPHCM lên Lâm Đồng để chinh phục ngọn núi này, anh bảo: “Nhìn bọn em tiểu thư chân yếu tay mềm thế này, chắc chỉ lên chơi, cắm trại rồi mai về thành phố chứ leo trèo gì!”.
Cũng vì câu nói đó mà ngày hôm sau, nhóm của Huyền gồm ba cô gái, hai chàng trai chinh phục đỉnh Ngọc Linh rồi trở về lại điểm xuất phát ở chân núi chỉ trong vòng một ngày. Thông thường, các đoàn thường phải dành 2 ngày 1 đêm để chinh phục ngọn núi này.
“Cung đường khó nhất với mình ở Việt Nam là Tà Năng – Phan Dũng, vì địa hình thay đổi đa dạng, có rừng rậm nhiều vắt, có những thác nước trơn trượt khó đi, có những đoạn dốc thẳng đứng… Nhưng càng khó lại càng hấp dẫn”, Huyền chia sẻ.
Khác với Huyền, Kỳ Duyên (30 tuổi, quê TPHCM) có một số lý do khác để nghiện núi rừng. Duyên sinh ra và lớn lên ở TPHCM, đi học rồi đi làm. Cô được gia đình nuôi dạy để trở thành một “tiểu thư khuê phòng”, với nhiều môn nghệ thuật như piano, hội họa, ngoại ngữ… Thế nhưng, thứ hấp dẫn nhất với cô lại là những chuyến đi “hành xác”, qua các thác nước, núi rừng để ngắm mây, ngắm cảnh.
Đối với các bạn trẻ, khám phá bản thân là một phần mục đích trong những chuyến đi.
Mới đây nhất, khi dịch Covid -19 vừa cơ bản được khống chế, cơ quan chức năng cho phép người dân đi lại du lịch, vui chơi, Duyên liền gấp hành lý, chinh phục hang Tiger, hang Over, hố sụt Kong kỳ vĩ nằm sâu trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng (Quảng Bình).
Khi được hỏi, Duyên thành thật: Cái dại nhất của mình là dân văn phòng, ít có cơ hội tập thể dục thể thao nên sức dẻo dai không có, kỹ năng leo trèo cũng không bao nhiêu nhưng lại thích chinh phục những cung đường khó.
“Mới ngày đầu của hành trình thôi mà hai chân mình đã phồng rộp hết lên, như là bị phỏng nước sôi vậy. Các cơ bắp cũng tê cứng hết. Lúc lên kế hoạch, mình còn mang theo máy quay, dự định là sẽ quay thật nhiều video nhưng rồi khi bật máy lên, câu đầu tiên thốt ra được là: Tại sao lại khổ thế này! Tại sao mình lại ở đây…”, Duyên kể.
Chi bạo mua… gian nan
Sau khi chinh phục thành công tour hang Tiger trở về, cả người Duyên đau nhức hơn tuần liền. Hằng ngày cô phải “lết” từng bước đến công sở, buổi tối lại phải đến lớp học nâng cao. Dù vất vả, khổ sở là thế nhưng chi phí cho các chuyến đi này cũng không hề nhỏ. Duyên, Huyền và nhiều bạn trẻ khác vẫn sẵn sàng “chi bạo”.
“Tốn kém, rất là tốn kém! Phải chi tiêu dè sẻn ở các lĩnh vực khác, rồi có kế hoạch cụ thể để tiết kiệm thì mới đủ chi phí cho các chuyến đi. Ngoài chi phí mua tour còn phải chi tiền mua sắm các vật dụng, dụng cụ phục vụ trekking, hiking như giày leo núi, gậy, balo, áo khoác… Những cung càng hoang dã chi phí càng tốn kém”, Duyên cho biết.
Thế nhưng, Duyên sẵn sàng chi cho các chuyến đi này thay vì mua sắm thời trang hay tận hưởng các thiết bị công nghệ hiện đại. Với Duyên, những cung đường càng khó, càng giới hạn người đi được càng hấp dẫn. Khi hoàn thành được những cung đường này, riêng cô cũng cảm thấy mình có phần “đặc biệt” hơn người khác.
“Là dân văn phòng, ngồi cả ngày nên để có được hành trình 9 – 10 tiếng đi bộ liên tục, trèo đèo, đu dây, lội suối… phải học cách tự động viên bản thân mình dữ lắm. Hơn nữa, tinh thần đồng đội trong các chuyến đi này rất cao, mọi người luôn động viên giúp đỡ nhau cùng tiến tới. Qua đó, cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa”, Duyên chia sẻ với Sài Gòn Tiếp thị.
Cô cũng cho rằng, vẻ đẹp của những cung đường du lịch mạo hiểm này còn hoang sơ, giữ được vẻ đẹp hùng vĩ vốn có của tự nhiên. Đến đây, chụp ảnh “sống ảo” cũng rất thú vị.
Còn với Huyền Trần và nhóm bạn, chi phí cho các chuyến đi được xem như tính kỷ luật của cả nhóm. Tháng 11–2018, Huyền cùng nhóm năm bạn khác chinh phục Annapurna Circuit Trek – Cung trekking kinh điển ở Nepal. Khi vừa nhen nhóm ý tưởng, cả nhóm mỗi người phải đóng ngay 30 triệu đồng cho chuyến đi, coi như lời cam kết.
“Đó không phải là một ý tưởng ngẫu hứng để rồi vài bữa lại có bạn nhắn tin rút lui. Ai muốn đi thì đóng tiền trước, không đi thì số tiền đó xung vào công quỹ cho cả nhóm. Mà muốn đi được chuyến này, kỷ luật tập luyện là cực kỳ nghiêm khắc”, Huyền cho biết.
Cụ thể, trước ngày ấn định để lên đường một năm, cả nhóm hằng ngày phải luyện tập chạy bộ, rồi tăng dần độ khó lên như vừa đeo balo 10kg, 20kg… vừa chạy. Hai tháng trước ngày khởi hành, cường độ tập luyện nâng lên mức cao hơn đeo balo nặng leo cầu thang. Một tuần trước ngày khởi hành, cả nhóm cùng đeo balo nặng, leo núi Bà Đen “test” sức khỏe.
“Chi phí cho chuyến đi phải dành dụm cả năm trời. Cũng phải kiên trì tập luyện mới đủ sức, nhưng như thế, chuyến đi càng có giá trị. Vì nếu chỉ ngồi máng trượt hay ngồi ô tô, cáp treo vèo cái đến đỉnh đồi thì cảm nhận chỉ qua loa, rồi cũng rất dễ lãng quên sau đó”, Huyền chia sẻ.
Làm mới cuộc sống, khám phá bản thân
Ông Nguyễn Ngọc Toản – Giám đốc Công ty Images Travel, cho rằng, ngày càng có nhiều các bạn trẻ thích du lịch khám phá, trải nghiệm. So với những tour du lịch đến các thành phố, điểm đến quen thuộc, các tour càng khó đi càng hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt, những cung đường có địa điểm check in nổi tiếng càng được người trẻ yêu thích.
Chi phí cho các cung đường này mạo hiểm như ở Tây Bắc, Đông Bắc hay núi rừng cao nguyên… thường cao hơn so với các tour khám phá phố cổ hay các điểm đến ở đồng bằng. Nguyên nhân là những tour này thường rất “kén chọn” du khách nên số người đi ít, chi phí chia cho mỗi người như xe, hướng dẫn viên, dịch vụ… cũng cao hơn so với các đoàn đông người.
Huyền Trần và nhóm bạn chụp hình kỷ niệm với áo dài Việt Nam tại Nepal.
Theo ông Toản, thế hệ các bạn trẻ (chủ yếu từ 35 tuổi trở lại) hiện nay thường có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi… nên những vất vả các bạn trải qua trong đời sống thường ngày không nhiều.
Việc tìm đến các chuyến đi kiểu “khổ nạn” một phần giúp thỏa mãn mong muốn trải nghiệm, khám phá bản thân, một phần để làm mới cuộc sống vốn rất đầy đủ ở thành thị. Ngược lại, du khách U50 vì đã trải qua cuộc sống thiếu thốn, ít có cơ hội trải nghiệm các tiện nghi nên có điều kiện, họ thường tìm đến những nơi có đầy đủ dịch vụ.
“Khách trẻ Việt cũng thích thi đua với nhau, khoe ảnh ‘sống ảo’ ở những điểm đến có phần đặc biệt, vì họ muốn mình là người đặc biệt”, ông Toản cho biết.
Ông Cao Xuân Thắng, Trưởng phòng Lữ hành Công ty du lịch Hương Nam Việt, cũng thông tin, tỷ lệ các bạn trẻ chọn tour khám phá núi rừng, hoặc trải nghiệm đời sống của người dân địa phương ở những vùng núi cao ngày càng tăng.
Trong những tour này, khách thường đi theo nhóm nhỏ thay vì là đoàn đông người. Họ là bạn thân, anh em hoặc đồng nghiệp có cùng sở thích khám phá bản thân, trải nghiệm gian khổ…
Trong những cung đường này, dịch vụ hậu cần còn khá đơn giản, chưa được đầy đủ, tiện nghi nhưng ngược lại, phong cảnh thiên nhiên luôn đẹp, hùng vĩ, chưa bị bàn tay con người thay đổi quá nhiều… Do đó, đây cũng chính là điểm hấp dẫn đối với du khách.
“Có những bạn trẻ nghiện leo núi, leo về đau quá khóc hu hu nhưng vài bữa sau lại lên kế hoạch, lai dành dụm tiền đi leo núi tiếp…”, ông Thắng kể.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Xem thêm về dụng cụ leo núi cắm trại tại WETREK.VN