[WeNews] Cần lưu ý điều gì khi du lịch đến vùng có không khí loãng trên cao?
Đối với các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, trước tiên bạn cần có những kiến thức cần thiết về môi trường, thiên nhiên nơi đó, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ dùng bảo vệ cơ thể, vật dụng sơ cứu khi gặp chuyện. Sau mỗi chuyến đi, bạn trở về bình an vô sự với những kỷ niệm của mình mới là điều đáng quý hơn cả.
Mới đây các trang tin tức quốc tế có đưa tin về một du khách tử vong vì say độ cao ở vùng núi…. Câu chuyện của vị du khách xấu số này cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai ham du lịch mạo hiểm về sự chuẩn bị trước thiên nhiên khắc nghiệt. Không chỉ say nắng mới khiến con người tử vong mà sự loãng không khí ở những vùng cao cũng tác động nguy hiểm không kém. Vậy du lịch những nơi khắc nghiệt như thế, bạn cần chuẩn bị những gì?
Du lịch ở vùng cao không khí loãng, bạn cần chuẩn bị gì? - Ảnh: Nguyễn Thiện Chí
1. THÔNG TIN VỀ CHỨNG “SAY ĐỘ CAO” Ở VÙNG CAO KHÔNG KHÍ LOÃNG
Một du khách trẻ tuổi người Israel đã tử vong vì say độ cao khi đang đạp xe trên "con đường tử thần" Yungas Road ở Bolivia. Sở dĩ gọi là "con đường tử thần" vì hàng năm có tới hơn 100 người đã bỏ mạng tại con đường cực kỳ nguy hiểm ấy, và cô du khách kể trên cũng là một trong những nạn nhân xấu số ở đó khi bị say độ cao rồi ngất đi và qua đời trên đường tới bệnh viện ở thủ đô La Paz của Bolvia.
Con đường tử thần Yungas Road cao hơn 3000m - Ảnh: Timesofisrael
Hành trình chinh phục những nơi cao luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy - Ảnh: Nguyễn Thiện Chí
Các chuyên gia y tế nước này cho biết, các triệu chứng ngạt thở có thể xảy ra khi người ta ở độ cao 1500m và sẽ bị say khi ở độ cao 2400m, và con đường tử thần này cao tận 3000m. Ở độ cao khoảng 2400m trở lên, người bị say độ cao cấp tính có thể biến triển thành phù não, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.
Vẻ đẹp trên cao cuốn hút con người nhưng lại chứa đầy nguy hiểm - Ảnh: Nguyễn Thiện Chí
Nguyên nhân say độ cao: Do ở những vùng núi cao, lượng oxy ít hơn hẳn, càng lên cao không khí càng loãng, áp suất không khí thấp khiến cơ thể con người dễ diễn ra những phản ứng tiêu cực. Các triệu chứng nhận biết: người bị nạn sẽ cảm thấy đau thắt đầu dữ dội, khó thở, lú lẫn, mất thăng bằng, mất tập trung và buồn nôn, nặng hơn sẽ bắt đầu co giật, nôn và hôn mê, bất tỉnh.
Biểu hiện ban đầu ở mức độ nhẹ là đau đầu, uể oải, buồn ngủ, chóng mặt, rét run, khó thở, buồn nôn, nôn, tím tái. Tiếp đó là ù tai, rối loạn thị lực, thính lực, nhịp tim mạnh, ngạt thở. Nếu phát hiện cơ thể có những phản ứng tiêu cực này, cần gọi cấp cứu gấp hoặc báo với người đồng hành để có những biện pháp sơ cứu kịp thời trước khi xe cấp cứu đến.
2. CÁC CÁCH CHUẨN BỊ, PHÒNG TRÁNH
Yungas Road được biết đến là con đường tử thần với nhiều nguy hiểm và thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng chính yếu tố ấy khiến nơi đây trở thành điểm thu hút khách du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên Yungas Road cũng như những điểm đến mạo hiểm khác đều có thể bị con người chinh phục nếu du khách có một sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho chuyến đi mạo hiểm của mình. Ngoài những vật dụng thiết yếu của một chuyến du lịch bình thường, bạn cần đến các cửa hàng đồ bảo hộ phượt thủ để tìm hiểu về các món đồ phải có cho du lịch mạo hiểm.
Trước mỗi chuyến du lịch mạo hiểm, ngoài đồ dùng sinh hoạt và vật dụng bảo hộ, điều quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị đó chính là sức khỏe của bản thân. Nếu thường xuyên có những chuyến phiêu lưu dài ngày, bạn đừng quên việc rèn luyện thể lực và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cần đảm bảo chắc chắn rằng bản thân không mắc các chứng bệnh dị ứng, bệnh về hô hấp, tim mạch và nên biết được các món ăn mà cơ thể không tương thích.
Việc bổ sung vitamin và các chất bổ cũng rất cần thiết để chuẩn bị thể lực cho những chuyến đi dài. Vì việc chinh phục các điểm du lịch mạo hiểm có độ cao đòi hỏi một sức khỏe cực kỳ tốt, nên chuyến đi ấy cũng nên dãn ra nhiều ngày, để có thể nghỉ ngơi sau các chuyến bay mệt mỏi, thư giãn tinh thần và nghỉ ngơi sau khi chinh phục nữa.
Cần có một sự chuẩn bị thật kĩ cho những chuyến đi mạo hiểm - Ảnh: Nguyễn Thiện Chí
Tham khảo từ chuyến đi Ladakh - Himachal Pradesh của anh Nguyễn Thiện Chí, mình tổng hợp được một số món đồ thiết yếu cho chuyến du lịch "trên cao" như sau: Xisat nước biển sâu dạng xịt ( bắt buộc ), thuốc chống AMS, thuốc tiêu chảy ( bắt buộc ), đồ giữ ấm ( quần áo lót cách nhiệt, khăn len, nón len, bao tay ), áo khoác lạnh, giày da giữ ấm, kính đen chống UV ( nắng ở những vùng cao thường chứa nhiều tia UV hơn hẳn ), túi ngủ, bảo hiểm du lịch ( tuy không bắt buộc nhưng tốt nhất nên có bảo hiểm vì chuyến đi chứa nhiều rủi ro ), đồ ăn ( mì gói, lương khô, ruốc, đồ hộp… ).
Đối với những người mê du lịch thì những địa điểm càng nguy hiểm lại càng ẩn chứa nhiều vẻ đẹp ngỡ ngàng. Ở những độ cao càng khó chinh phục càng tiềm tàng nhiều khung cảnh thỏa mãn tầm mắt con người. Tuy con người trông thật nhỏ bé trong thế giới rộng lớn, nhưng sức mạnh, khả năng và kĩ năng có thể giúp chúng ta chinh phục được thiên nhiên dù khắc nghiệt đến mấy. Cảnh quan ở những vùng cao ấy luôn chứa một vẻ đẹp tuyệt vời, mà những bức ảnh ở Ladakh là minh chứng rõ nét nhất cho điều ấy.
Đi là để trở về. Những chuyến du lịch không chỉ là hành trình để ta khám phá thế giới nơi những vùng đất mới mà còn là trải nghiệm để chúng ta khám phá bản thân, bảo vệ bản thân trước khắc nghiệt của cuộc sống. Nhất là đối với các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, trước tiên bạn cần có những kiến thức cần thiết về môi trường, thiên nhiên nơi đó, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ dùng bảo vệ cơ thể, vật dụng sơ cứu khi gặp chuyện. Sau mỗi chuyến đi, bạn trở về bình an vô sự với những kỷ niệm của mình mới là điều đáng quý hơn cả.
TungTT - MyTour