Chất thải của du khách khiến Iriomote - hòn đảo hoang sơ của Nhật Bản - đối mặt với những nguy cơ về cả cảnh quan và môi trường.
Iriomote là một hòn đảo ở cực Nam của Nhật Bản (gần với Đài Loan hơn Tokyo), cách đất liền khoảng 1.000 km. Bãi biển tuyệt đẹp, thác nước hùng vĩ, rừng nguyên sinh rậm rạp và rừng đước độc đáo cùng hệ thống sông khiến nơi đây trở thành điểm đến tuyệt vời cho những người yêu khám khá.
Nhưng thiên đường này cũng có chông gai. Nếu cần nhà vệ sinh, bạn không gặp may: Toilet gần nhất cách 45 phút chèo thuyền kayak và 50 phút leo núi. Du khách phải "trả lời tiếng gọi của tự nhiên" trong rừng rậm. Điều này gây ra các hiểm họa về môi trường, chưa kể rất mất mỹ quan, và lượng khách lớn càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Chất thải làm hỏng "thiên đường"
Với dân số chỉ khoảng 2.500 người, Iriomote đón đến 400.000 du khách trong năm không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Con số này được dự báo tăng lên sau khi dịch bệnh được khống chế và hòn đảo trở thành Di sản Thế giới.
Trong khi những người leo núi, cắm trại, hay du khách gặp hoàn cảnh khẩn cấp vẫn đi vệ sinh giữa thiên nhiên ở các khu vực khác trên khắp thế giới, tình hình ở thác Pinaisara - điểm tham quan trung tâm hòn đảo - đặc biệt nghiêm trọng, khi hàng chục nghìn du khách cùng sử dụng một diện tích nhỏ.
Du khách cần vượt một quãng đường dài để đến thác Pinaisara. Ảnh: Iriomote-island.
"Khi có quá nhiều người tập trung một chỗ, không ít người sẽ lật cùng một tảng đá để đi nặng. Và rồi họ bắt đầu "giải quyết" ngay trên bề mặt, khi trời mưa, nước sẽ cuốn phân và nước tiểu xuống nước. Điều này làm giảm chất lượng của điểm đến, và gây nguy cơ nhiễm bệnh cho những người ở hạ nguồn" - Geoff Hill, chuyên gia quản lý chất thải của người, nhà sáng lập ToiletTech (công ty cung cấp giải pháp vệ sinh cho các điểm đến hẻo lánh đông khách) cho biết.
Tất nhiên, các loài động vật vẫn "giải quyết nỗi buồn" trong rừng, nhưng phân người có thể gây tác động xấu đến môi trường. "Đôi khi, vi khuẩn chiếm đến nửa khối lượng chất thải của người", Daniel Evans, nhà nghiên cứu đất tại Đại học Cranfield (Anh) nói.
Khi phân hủy trong khí hậu cận nhiệt đới nóng ẩm, phân người sẽ giải phóng các mầm bệnh, vi khuẩn và thậm chí là kháng sinh vào trong đất. Đồng thời, một số thói quen khi đi vệ sinh có thể khiến chất thải của con người trở thành vấn đề lớn.
Hill cho biết: "Chúng ta thường đi nặng và đi nhẹ vào toilet. Khi phân và nước tiểu trộn với nhau, ammonia sẽ giết chết các vi sinh xử lý chất thải".
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng
Một giải pháp cần được thực hiện để bảo tồn hệ động thực vật của Iriomote, cũng như danh tiếng điểm đến đẹp hoang sơ của hòn đảo này. Đó là lúc Ryusuke Matsushita, một hướng dẫn viên du lịch, ra tay.
Anh đến Iriomote gần hai thập kỷ trước, đem lòng yêu khung cảnh tuyệt đẹp của nơi này và quyết định ở lại. Từ đó, Matsushita dồn sức bảo vệ nơi này. Là thành viên Hội Canoe Iriomote, anh cùng các kiểm lâm địa phương lên kế hoạch để giải quyết vấn đề.
Matsushita chuyên hướng dẫn du khách khám phá công viên quốc gia ở Iriomote. Ảnh: Iriomote-island/AO.
"Cuộc khủng hoảng chất thải người" không chỉ có ở Iriomote. Các công viên quốc gia hẻo lánh tại Nhật, Iceland, Mỹ và nhiều nơi khác cũng đang phải đối mặt với phân và nước tiểu mà du khách để lại. Ở Everest, người ta phải dùng trực thăng để đưa phân người xuống, và du khách phải ký quỹ một khoản tiền, nhận hoàn lại khi mang chất thải của mình xuống núi. Cách giải quyết của Iriomote đơn giản hơn: Xây dựng các lều toilet.
Nhóm Matsushita nhận được ngân sách từ Bộ Môi trường Nhật Bản và liên hệ với một công ty vệ sinh sản xuất ghế toilet gấp gọn, túi đựng chất thải, và các lều nylon. Được thiết kế cho người leo núi, chúng phù hợp với rừng sâu của Iriomote.
Các toilet tạm này được đặt thử nghiệm trong 2 tháng ở thác Pinaisara từ tháng 7/2019, và ngày nay chúng vẫn ở đó. Khi đến nơi, du khách sẽ được hướng dẫn nhanh cách sử dụng. Matsushita cho biết: "Phần lớn khách đến Pinaisara là người đi tour có hướng dẫn viên. Họ sẽ được hướng dẫn cách dùng, và được phát cho một túi đựng chất thải".
Cụ thể, khi du khách kéo khóa cửa lều lại, họ sẽ đặt túi lên bệ ngồi toilet và trả lời "tiếng gọi của tự nhiên". Sau khi xong việc, họ sẽ buộc chặt trước khi bỏ vào một túi khử mùi và đem theo cho đến cuối chuyến đi. Các túi này sẽ được vứt vào một thùng rác riêng để kiểm lâm mang đi tiêu hủy.
Du khách "giải quyết" ở các lều toilet và mang theo túi chất thải để bỏ vào thùng rác được thu gom cuối ngày. Ảnh: AO.
Từ khi các toilet này được lắp đặt, Matsushita nhận thấy "môi trường quanh thác Pinaisara đã được cải thiện, chất thải, mùi hôi và giấy vệ sinh đã biến mất". Phản hồi cho thấy phần lớn người dùng hài lòng khi nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước được giảm thiểu, và rừng bớt bị phá hoại trong quá trình đi tìm nơi kín đáo để "giải quyết nỗi buồn". "Cách này tốt hơn là đi vệ sinh trong bụi rậm", Matsushita nói thêm.
Cần thêm giải pháp lâu dài
Tất nhiên, giải pháp này cũng gặp phải những lời phàn nàn và lo ngại. Một số du khách của Matsushita cho biết họ không muốn phải đem theo túi đựng chất thải đến tận cuối ngày. Số khác lo ngại việc đốt túi sẽ tạo ra rác nhựa và CO2.
Evans, nhà nghiên cứu đất, nói rằng dù việc đốt giúp "loại bỏ mầm bệnh, trong khi giữ lại một số chất có thể bón cho đất như phốt-pho, kali trong tro", những lợi ích đó không thể bù đắp được lượng CO2 thải ra.
"Bạn tạo ra khí thải từ thứ có thể trở thành đất hoặc nguyên liệu hữu cơ", Hill nói thêm.
Bên cạnh đó, việc dọn dẹp toilet và xử lý các thùng đựng túi chất thải cũng cần nhân lực - điều Iriomote không có. Công viên quốc gia của đảo chỉ có 25 nhân viên, chủ yếu là tình nguyện viên hay thực tập sinh từ các đại học Nhật Bản. Tệ hơn, khu đốt rác cũng đã đạt giới hạn, và Matsushita lo ngại khi du lịch trở lại và lượng khách tăng lên, cơ sở hạ tầng của đảo sẽ không thể đáp ứng.
Iriomote nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp, nhưng đối mặt với các vấn đề từ du khách. Ảnh: AO.
Bên cạnh đó, kinh phí cũng là một vấn đề: Ngân sách của chính phủ dành cho các toilet đang cạn dần. Mỗi chiếc túi đựng chất thải tốn 5,5 USD, và việc tiêu hủy túi đã sử dụng còn tốn kém hơn. Chi phí trở nên đắt đỏ đến mức Matsushita cho biết nhân viên ở đây đang cân nhắc việc áp dụng phí vào cửa. Điều này có thể sẽ khiến công viên ít du khách hơn, do các công viên quốc gia tại Nhật đều miễn phí.
Các giải pháp khác đang được thử nghiệm. Ví dụ, một toilet tự hoại không sử dụng nước đã được lắp đặt ở bãi đỗ xe khu thác Pinaisara năm ngoái. Điều này giúp giảm áp lực cho các lều vệ sinh và thân thiện với môi trường, nhưng cũng có nhược điểm, như có nguy cơ bị ngập và tràn ra trong mưa bão.
Trong lúc đó, Matsushita tin rằng 3 chiếc toilet dạng lều này có thể được bố trí khắp Iriomote. "Nhưng điều đó cần sự phối hợp, tiền và thời gian", anh nhấn mạnh. Còn hiện tại, du khách đến thác Pinaisara không cần lo lắng nếu đột nhiên cần "giải quyết nỗi buồn".
Theo Zing.vn