Pu Si Lung thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngọn núi nằm ngay trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Lai Châu được coi là chốn cuối trời Tây Bắc. Mặc dù không nổi tiếng như Sa Pa hay Mộc Châu, xứ Lai Châu vẫn hút hồn khách với thảo nguyên nơi Mường Thanh và “nóc nhà biên giới” Pu Si Lung. Cùng CELEB một lần trải nghiệm chuyến chinh phục đỉnh Pu Si Lung qua những tổng hợp kinh nghiệm và chia sẻ du lịch Tây Bắc trong bài viết dưới đây.
Thông tin về Pu Si Lung, Lai Châu
Pu Si Lung thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tọa độ địa lý được xác định tại…. Ngọn núi nằm ngay trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ Pu Si Lung đến đỉnh Fansipan khoảng 300km.
Đỉnh cao nhất tại Pu Si Lung cao 3.076m. Trong bảng xếp hạng 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Pu Si Lung xếp thứ 3. Đây là ngọn núi cao nhất tại khu vực biên giới phía Bắc. Đứng trên đỉnh cột mốc 42, Pu Si Lung như bức tường thành trấn giữ vùng đất, vùng trời Lai Châu.
Bức tường thành Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm)
Thông tin đi Trekking Pu Si Lung
Mức độ khó: 7/10
Cảnh đẹp: 6/10
Chiều dài leo núi: 40 km
Thời gian: Leo mất ít nhất 4 ngày 3 đêm
Địa hình: Vách đá, lối mòn, đường suối, thác, rừng nguyên sinh.
Khí hậu: Ban ngày nắng nóng, đêm lạnh.
Người dân: Chủ yếu là người dân tộc Thái. Họ rất thân thiện, mến khách và sẵn lòng cho bạn ngủ lại qua đêm, thiết đãi thịnh tình.
Pu Si Lung là địa đểm Trekking mạo hiểm (Ảnh sưu tầm).
Thời gian nên đi Pu Si Lung: Tháng 10 đến tháng 4 năm sau: Mùa khô thích lợp leo núi. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Đây cũng là khoảng thời gian các loại hoa rừng đua nở, phong cảnh trên núi rất đẹp.
Những điều đang chờ bạn tại Pu Si Lung
Chặng đường để leo lên đỉnh sẽ phải trải qua rất nhiều chướng ngại vật khó khăn. Đối với dân mê Trekking, ai cũng từng nhiều hơn một lần muốn chinh phục Pu Si Lung nhưng số người thất bại cũng không hề ít.
Thiên nhiên hoang sơ tại Pu Si Lung tạo nên những thử thách vượt giới hạn của con người. Tuy nhiên cũng mang đến những cảnh đẹp khiến ta khao khát được chiêm ngưỡng.
Cột mốc số 42
Đây chính là mục đích mà những nhóm Trekking muốn chinh phục Pu Si Lung. Cộc mốc nằm trên độ cao 2800m. Cột mốc được làm bằng đá hoa cương nặng tới hơn 100 kg, chỉ nghĩ đến quãng đường, độ cao phải vượt qua đã thấy sự nỗ lực của con người nhiều như thế nào để xây dựng được nó.
Cột mốc 42 – nơi đánh dấu lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc (Ảnh sưu tầm).
Những đoạn đèo chơi vơi
Đường đến Pu Si Lung khó khăn nhưng cũng đầy thơ mộng. Những con đường đất vàng rực, chiều rộng chỉ chưa đầy 2m, có đoạn không được 1m. Một bên tựa vào núi, một bên là vực sâu hun hút, chỉ một phút lơ đãng hay bất cẩn, bạn sẽ gặp nguy hiểm ngay. Tất cả những điều trên được coi là “đặc sản” chỉ khi du lịch ở Tây Bắc mới có được.
Những đoạn đường đầy thử thách khi đến Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Thế nhưng những con đường ôm lấy núi, uốn lượn chẳng theo hình thù gì vô tình lại tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Người lãng khách bon bon trên con đường núi quanh co trong chiều tà khiến lòng người lâng lâng.
Những đoạn đường đầy thử thách khi đến Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Những khu rừng nguyên sinh
Pu Si Lung được người dân tại đây bảo vệ và gìn giữ. Rừng đối với họ thực sự là vàng, là bạc. Những cánh rừng già được giữ nguyên vẹn, không hề có tác động. Các gốc cây cổ thụ đã hình thành cả nghìn năm, vươn ngọn cao tít, tỏa bóng che khuất ánh nắng mặt trời.
Thảm thực vật ở đây được phân tầng rõ rệt từ cây bụi thấp tầng, dây leo, tầm gửi đến những thân cây cao lớn. Cảnh đẹp trong rừng mùa hoa Lan, hoa Đỗ Quyên, hoa chuối rừng rực rỡ quyến rũ.
Tận hưởng không khí mát lạnh và cảnh đẹp tại đại ngàn Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Rừng tại Pu Si Lung rất nổi tiếng với các loài hoa Lan như Hoàng Thảo U Lồi, Hoàng Thảo Đùi Gà, Hoàng Thảo Nghệ Tâm, Giả Hạc, Hạc Vỹ … đặc biệt là loài Hoàng Thảo Kèn vô cùng quý hiếm và độc nhất vô nhị chỉ có tại đây.
Những loại hoa Lan đẹp nhất tại Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Dốc Ba Tiếng
Cái tên đúng như bản chất của nó. Chỉ là con dốc thôi nhưng phải mất 3 tiếng mới vượt qua được. Những đoạn vách đá dựng ngược, người leo phải bò sát người, nắm lấy những mỏm đá lồi ra, căng toàn bộ cơ của cơ thể để bám thật chắc.
Đoạn đường chinh phục khó khăn nhất có lẽ là dốc Ba Tiếng (Ảnh sưu tầm).
Nhìn những vách cao chẳng thấy đỉnh, đá chơ chọi, rêu bám trơn trượt, chẳng mấy ai còn giữ được lòng cam đảm mà vượt qua.
Dòng suối Nậm Sì Lường thơ mộng
Nói là suối nhưng lượng nước nhiều chẳng kém sông. Nước suối ở đây mát lạnh, trong veo. Cảnh đẹp nơi đây thơ mộng, bình yên và trong trẻo đến nao lòng.
Thưởng thức món cá suối Nậm Sì Lường (Ảnh sưu tầm).
Dòng suối không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho đồng bào nơi đây mà còn là nguồn cung cấp nước để hoạt động nhà máy thủy điện Nậm Sì Lường. Cũng nhờ dòng suối này mà cuộc sống của người dân có ánh điện rọi sáng mỗi đêm, trẻ em gần hơn với cái chữ.
Núi cỏ cháy
Những vạt rừng cỏ cháy vào mùa khô có lẽ là đoạn dễ đi nhất. Chủ yếu là các lối mòn, ít chướng ngại vật. Cả một triền núi nhuộm màu nâu vàng của cỏ. Trời chiều hắt ánh nắng cuối ngày lên đồng cỏ khiến khung cảnh bỗng mang vẻ đẹp cô đơn, man mác buồn.
Những đoạn đường ngập trong cỏ cháy (Ảnh sưu tầm).
Biển mây Pu Si Lung
Ai nói Pu Si Lung không có những biển mây đẹp. Trên độ cao 3000 m, nếu đi đúng mùa săn mây bạn sẽ được ngắm những biển mây đẹp tuyệt vời. Đoạn đường từ Mường Nhé đến đồn biên phòng Pa Vệ Sử sẽ đi qua đoạn đường đèo môt bên là núi, một bên là vực thẳm. Những ngày mây xuống thấp, đi trên đèo, mây ngay dưới chân, bồng bềnh, trắng mịn.
Những con đường rẽ lỗi giữa mây và núi (Ảnh sưu tầm).
Bạn sẽ nghỉ đêm trên núi 2 lần. Buổi sáng ở độ cao 2000 – 3000m, biển mây xuất hiện thường xuyên. Giữa núi rừng, biển mây hiện ra là khoảnh khắc đẹp nhất tại Pu Si Lung.
Bình minh trên biển mây tại Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Chuẩn bị trước hành trình
Để chúng ta luôn là người chủ động, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng trước hành trình.
Hãy chắc chắn bạn đã hiểu biết cặn kẽ nhất về địa điểm này. Nghiên cứu thật kỹ lịch trình sẽ đi. Hãy lên danh sách chuẩn bị vật dụng mang theo.
Hãy rèn luyện thể lực thật tốt. Nếu bạn chưa từng leo núi hãy tập leo núi thấp trước, hoặc luyện tập leo núi trong nhà. Lên lịch trình rèn luyện thể lực điều độ mỗi ngày: Chạy bộ, nâng tạ, cải thiện khả năng cơ bắp, điều hòa nhịp thở….
Hãy liên hệ với các Porter dẫn đường. Dù bạn có kinh nghiệm như thế nào thì cũng không thể bằng người bản địa ở đây. Tại Pu Si Lung có những người dân sống dưới chân núi đã rất quen với nghề đưa các đoàn leo núi. Họ giúp khuân vác bớt đồ. Đặc biệt bạn sẽ không lo bị lạc khi có họ đi cùng.
Chuẩn bị lương thực, thực phẩm
Gạo: 2 ngày trên rừng, mỗi người mất khoảng 0,5kg gạo
Thịt: Nên có cả thịt khô và thịt tươi, gà để nướng buổi tối. Các loại thịt đóng hộp để ăn bữa trưa.
Bạn có thể tận dụng rau rừng: Rau dớn, nõn chuối, hoa chuối rừng.
Nước uống: Mỗi người nên chuẩn bị ít nhất 2 lit nước/ngày. Ngoài ra có thể tận dụng nguồn nước suối để uống và dự trữ.
Đồ ăn vặt: Kẹo ngọt, bánh ngọt, các thanh protein cho những lúc nghỉ ngơi hoặc đói ngang đường.
Chuẩn bị thuốc men
Các loại thuốc xịt, bôi chống muỗi, vắt, các loại hương để trong lều trại ngủ buổi tối.
Thuốc đau đầu cảm cúm không gây buồn ngủ, tác dụng nhanh.
Thuốc sát trùng nếu chẳng may bị thương.
Các loại băng, gạc, sơ cứu đơn giản.
Chuẩn bị lều trại ngủ qua đêm
Dây thừng
Dao chặt, dao phát
Đồ đánh lửa
Trang bị cá nhân
Quần áo phượt: thoải mái, thoáng mát ban ngày. Ấm, nhẹ, nhiều lớp ban đêm.
Giầy phượt: Chống trơn trượt, độ bám cao, kháng nước.
Tất chân cao cổ, khoảng 4 – 5 đôi
Mũ, găng tay chống nắng, khăn bịt.
Đồ vệ sinh cá nhân: Kem đánh răng, bàn chải
Đi Phu Si Lung phải xin giấy phép
Để được phép leo núi bạn hãy chuẩn bị giấy tờ: Chứng minh thư, giấy giới thiệu của địa phương đang sinh sống mang đến ban chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu để xin cấp phép leo núi.
Trên đoạn đường đến Cột mốc 42, bạn sẽ đi qua đồn biên phòng Pa Vệ Sử. Nếu không có giấy phép bạn sẽ không được leo núi.
Chúng ta rất không nên đi “Chui” vì đây là hành động trái quy định pháp luật, không văn minh. Hơn nữa nếu chúng ta gặp nguy hiểm sẽ rất lâu và rất khó được hỗ trợ. Đây và vùng núi địa chính trị, quân sự quan trọng, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Hành trình đến Lai Châu
Quãng đường từ Hà Nội – Lai Châu: 400km
Thời gian di chuyển: 7 – 8 tiếng (tùy phương tiện và thời gian nghỉ chặng có thể lâu hơn)
Phương tiện: Xe máy, ô tô, xe khách.
Lịch trình đối với xe máy: Trung tâm Hà Nội – Quốc lộ 32 – cầu Trung Hà – Phú Thọ – Yên Bái – đường 279 rẽ hướng đi Lai Châu.
Lịch trình cho ô tô: Trung tâm Hà Nội – Cao tốc Hà Nội – Lào Cai (xuống ở đoạn Yên Bái) – Rẽ tỉnh lộ 279 đi Lai Châu
Lịch trình đi xe khách: Lên ở bến Mỹ Đình, giá vé 300 – 350 nghìn/lượt.
Bạn nên sắp xếp lịch trình, lựa chọn thời gian xuất phát để đến Lai Châu vào buổi sáng sớm, hoặc ngủ lại Lai Châu 1 đêm.
Hành trình từ Lai Châu – Pu Si Lung
Sau khi đến Lai Châu, bạn sẽ bắt đầu hành trình tiếp theo vào sáng sớm. Từ đây phương tiện dễ di chuyển nhất chỉ có xe máy.
Chỉ có xe máy mới đưa bạn đến được chân núi Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Đoàn tiếp tục di chuyển vào địa phận huyện Mường Tè. Đoạn đường từ Lai Châu vào Mường Tè còn khoảng 120km. Đường đi khá khó khăn, nhiều đoạn dốc núi, đèo quanh co, chủ yếu là đường đất, sỏi đá ghồ ghề. Nhiều đoạn chỉ đi được 10 – 15km/giờ, phải mất hơn 3 tiếng mới di chuyển đến nơi.
Đoạn đường tới Mường Tè càng vào sâu càng khó đi (Ảnh sưu tầm).
Từ Mường Tè vào đồn biên phòng Pa Vệ Sử sẽ tiếp tục mất thêm 60km nữa. Đoạn đường này lại càng khó đi hơn đoạn trước, bạn mất khoảng 2h30 để đến nơi.
Check in tại đồn biên phòng Pa Vệ Sử (Ảnh sưu tầm).
Sau khi đến đồn biên phòng, bạn sẽ xuất trình giấy phép được leo núi và nghỉ lại tại đây. Các chiến sĩ tại đồn và người dân nơi đây rất hiền lành, thân thiện. Bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món ăn núi rừng rất ngon. Bạn chắc chắn sẽ được mời rượu, hãy cân nhắc tửu lượng của mình, đừng để sáng hôm sau không thể leo núi được vì … say nhé.
Nghi chặng tại đồn biên phòng Pa Vệ Sử (Ảnh sưu tầm).
Hành trình chinh phục Pu Si Lung
Chặng 1: Chân núi – hang đá nghỉ đêm
Sau khi chia tay đồn biên phòng bạn sẽ bước vào chặng chinh phục đầu tiền. Từ đồn biên phòng đến điểm chân núi còn khoảng 7km, bạn có thể đi xe máy hoặc đi bộ.
Chân núi là vùng đồng cỏ xanh mướt, hoa ven đường thi nhau kheo sắc. Cảnh đẹp nhẹ nhàng, nên thơ trữ tình.
Những đồng cỏ dại dưới chân núi Pu Si Lung (Ảnh sưu tầm).
Sau khi vượt qua chặng đầu tiên khoảng 4 – 5 giờ đi bộ bạn sẽ đến con suối đầu tiên, nghỉ ngơi và bắt đầu hành trình buổi chiều. Hãy thưởng thử hương vị món cá suối ngon tuyệt được các Porter bắt tươi roi rói từ suối lên nhé.
Đoạn suối nghỉ chân đầu tiên (Ảnh sưu tầm).
Chặng đường buổi chiều sẽ vất vả hơn nhiều. Đoàn bắt đầu phải leo vách đá, thác, suối, băng qua rừng rậm để đến con suối lớn tiếp theo cạnh hang đá. Khu vực này có bãi đất trống bằng bẳng để hạ trại, đốt lửa nấu cơm và nghỉ lại qua đêm.
Chặng 2: Hang đá – đỉnh Pu Si Lung
Sau khi thức dậy, hoàn thành các thủ tục cá nhân, đoàn của bạn sẽ phải tiếp tục lên đường. Chặng chinh phục tiếp theo chính là cột mốc 42. Sau quãng đường 3 – 4 tiếng băng rừng sẽ đến được cột mốc. Bạn có thể nghỉ ngơi, ăn trưa, chụp ảnh rồi tiếp tục leo đỉnh vào buổi chiều.
Từ cột mốc lên đỉnh núi còn khoảng 1h leo bộ nữa. Sau khi lên đến đỉnh, bạn hãy nhanh chóng check in rồi xuống núi sớm. Khoảng 6h tối là phải đến điểm hạ trại. Đoàn sẽ nghỉ đêm tứ 2 tại rừng.
Chặng 3: Xuống núi
Buổi sáng hôm sau là khoảng thời gian thích hợp để tận hưởng bình minh trên biển mây. Mây tại Phu Si Lung cũng đẹp lãng mạn chẳng kém bất cứ vùng núi nào.
Khoảng 7h sáng, bạn nên thu dọn và di chuyển xuống núi. Chặng đường xuống sẽ nhanh hơn lúc leo. Đến khoảng 1h chiều, đoàn đã có mặt tại đồn biên phòng. Hãy nghỉ ngơi lấy lại sức rồi lái xe về Mường Tè. Sau khi đến Mường Tè, theo đường cũ trở lại thành phố Lai Châu. Nếu thích bạn có thể nghỉ lại đây thêm 1 đêm hoặc bắt xe về thẳng Hà Nội. Kết thúc chuyến hành trình chinh phục Pu Si Lung 4 ngày 3 đêm.
Hi vọng bài viết của chúng tôi có thể giúp bạn dễ dàng hơn cho chuyến hành trình chinh phục Pu Si Lung. Thanh xuân như những chuyến đi, có chuyến đi nhẹ nhàng, lãng mạn, cũng sẽ có chuyến đi khó khăn, mạo hiểm. Chần chừ là thanh xuân qua mất đấy nhé.
Tùng Nguyễn - Celeb