Loại quả này tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bên trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm.
Chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 23/7/2021 đến 6/8/2021), trên địa bàn tỉnh Hà Giang liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc do trẻ ăn quả rừng có chứa độc tố tự nhiên, đáng tiếc có 3 em tử vong do ngộ độc quá nặng.
Những vụ ngộ độc thương tâm
Khoảng 15 giờ ngày 06/8/2021, cháu Hầu Mí Sình và cháu Hầu Mí Đình trú tại thôn Lù Cao Ván, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đi rừng lấy củi cách nhà khoảng 100m và tự hái quả ở trong rừng ăn.
Cả 2 cháu xuất hiện các triệu chứng: Đau đầu, hoa mắt, nôn ói liên tục, đau bụng nhiều đi ngoài phân lỏng, nôn nhiều lần. 20 giờ cùng ngày gia đình đã đưa 2 cháu đi Bệnh viện đa khoa Khu vực Yên Minh khám và điều trị.
Hai cháu được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ly bì, mệt nhiều… và được đưa vào Khoa cấp cứu, Khoa hồi sức tích cực và chống độc để cấp cứu và xử trí. Tuy nhiên do ngộ độc quá nặng, cả 2 cháu Sình và Đình đã không qua khỏi.
Một trường hợp không may khác tử vong là cháu Ly Thị Mỷ ở thôn Khúa Lủng, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn. Khoảng 14 giờ ngày 02/8/2021, cháu Ly Thị Chợ 11 tuổi và Ly Thị Mỷ 6 tuổi cùng trú tại thôn Khúa Lủng rủ nhau hái quả hồng châu ăn.
Khoảng 6 giờ ngày 03/8/2021 cháu Mỷ hoa mắt, chóng mặt, khó thở, còn cháu Chợ đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Đến 14 giờ cháu Mỷ có dấu hiệu sưng hai mắt, nấc và không nói được. Thấy vậy gia đình 2 cháu đưa đến Trạm y tế xã Tả Phìn, khi đến nơi cháu Mỷ không đo được mạch, nhiệt độ, huyết áp; tim ngừng đập, ngừng hô hấp, đồng tử giãn, được xác định cháu Mỷ đã tử vong trước khi đến Trạm y tế.
Ngay sau đó gia đình đã chuyển cháu Chợ lên Bệnh viện đa khoa Đồng Văn tiếp tục theo dõi và điều trị. Tình trạng lúc vào viện cháu Chợ tỉnh táo, tiếp xúc được, còn đau đầu, đau bụng, đi ngoài ít hơn.
Cháu Ly Thị Chợ được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Văn.
Trước đó, ngày 23/7/2021, các cháu Thò Mí Xá 12 tuổi, Thò Mí Sính 10 tuổi, Thò Mí Nô 9 tuổi, Thò Mí Vư tuổi, Thò Mí Thành 9 tuổi cùng ở tại thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc rủ nhau đi chơi ở thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.
Trên đường đi từ thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn về nhà các cháu thấy mấy quả rừng chín có màu tím đẹp nên đã cùng nhau hái ăn. Sau ăn khoảng 3 giờ, các cháu đau đầu, chóng mặt, nôn và đau khắp bụng kèm theo đi ngoài. May mắn các cháu được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt.
Cây hồng châu có tên gọi theo địa phương khác là: cây rom, cây mề gà, cây khua mật, cây móc quạ, chi pản sloa.
Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to dài gần bằng 2 ngón tay người lớn, màu của lá xanh đậm.
Quả tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt. Quả chín vào thời gian tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch.
Cách xử trí ngộ độc quả hồng châu
Trường hợp bệnh nhân tỉnh táo cho bệnh nhân uống nước và gây nôn. Lập tức vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cơ giới để được cấp cứu nhanh chóng.
Cách phòng ngộ độc tốt nhất là tuyệt đối không ăn các loại hoa quả, thực vật lạ và chính quyền địa phương, nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến cho học sinh cách nhận biết những loại cây có thể gây ngộ độc để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Theo Soha.vn