Từ cuối tháng 9, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì nhuộm vàng cả một vùng đồi núi rộng lớn.
Hoàng Su Phì là huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang với những thửa ruộng bậc thang vào loại đẹp nhất Việt Nam.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã là: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.
Năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức cấp bằng công nhận Di tích Quốc gia.
Hoàng Su Phì có địa hình chia cắt mạnh bởi núi cao, độ dốc lớn. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác nông nghiệp thích nghi với điều kiện tự nhiên của con người nơi đây.
Từ khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hàng năm là thời gian lúa chín, những thửa ruộng chuyển màu từ xanh sang vàng.
Trên đường dẫn vào xã Bản Phùng, khu vực sinh sống của dân tộc La Chí.
Điểm nhìn từ con đường dẫn lên khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng, vua của người La Chí, ở xã Bản Phùng.
Thời điểm cuối tháng 9 hàng năm sẽ diễn ra sự kiện “Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”, tổ chức tại thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì với nhiều hoạt động gắn liền với bản sắc văn hóa nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.
Một gia đình trẻ người Dao ghi lại khoảnh khắc mùa vàng tại xã Hồ Thầu.
Ruộng bậc thang trên con đường dẫn lên xã Hồ Thầu, nằm cách thị trấn Vinh Quang - trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 30 km.
Mỗi dân tộc sinh sống ở đây có tín ngưỡng nông nghiệp, nghi lễ cúng bái, cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới khác nhau, chứa đựng kho tàng văn hóa từng tộc người.
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì còn được người dân kết hợp nuôi cá. Theo anh Thành, cán bộ huyện Hoàng Su Phì, giống cá nuôi ở đây không bỏ ruộng ngay cả khi nước tràn xuống bên dưới và là đặc sản của vùng đất này.
Toàn huyện Hoàng Su Phì có khoảng 3.000 ha ruộng bậc thang trải khắp các đồi núi.
Một thửa ruộng bậc thang ở xã Hồ Thầu nằm giữa những vạt rừng trong ánh nắng chiều.
(Kiều Dương-Vnexpress)