Trekking ở núi Bromo, Indonesia. (Ảnh: Hường Trần)
1. Giấy tờ tuỳ thân, tiền bạc
Trong bất kỳ chuyến du lịch, phượt nào thì việc mang theo giấy tờ tuỳ thân là rất cần thiết. Việc này đặc biệt quan trọng trong một số trường hợp khi phải làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia, chính quyền địa phương hay kiểm lâm trong các chuyến leo núi.
Giấy tờ và tiền khi đi du lịch nên được chia làm 2 nơi cất giữa khác nhau và để trong bao nylon để tránh thấm nước. Lưu ý không nên mang quá nhiều tiền, chỉ vừa đủ cho chuyến đi và dự phòng thêm 1 thẻ ATM/Visa.
Balô cực kỳ quan trọng trong các chuyến đi, không riêng gì trekking. (Ảnh: @cozmeeder)
Trong các chuyến leo núi nên lựa chọn loại có kích cỡ vừa đủ và phù hợp với thể trạng từng người. Tránh trường hợp mang balô quá rộng, dẫn đến việc nhét thêm thật nhiều đồ dùng không cần thiết trong một chuyến trekking, làm bạn dễ bị đuối sức.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, nên lựa chọn balô có thanh đỡ lưng, đai bụng, đai ngực và nhiều ngăn, để có thể để nhiều đồ đạc và dễ tìm kiếm khi cần thiết. Đừng quên mang theo áo mưa, bọc balô hoặc lựa chọn balô chống thấm. Màu balô có nhiều lựa chọn, nếu đi rừng thì nên lựa chọn các balô có màu sắc nổi bật: cam, xanh lá, đỏ… để dễ nhìn thấy.
3. Nước và lương thực
Đây là những thứ cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Phụ thuộc vào địa hình (có chỗ lấy nước hay không, leo bao nhiêu ngày, thời tiết nóng hay mát…) sẽ có sự chuẩn bị về số lượng nước và lương thực mang theo phù hợp.
Tất cả nên tuân theo tiêu chí “vừa đủ”, mang các loại đồ khô, đồ hộp, những món có chứa năng lượng dồi dào, nhẹ và dễ bảo quản. Đồ ăn khô thường sử dụng phù hợp mang theo leo núi như: lương khô, bánh mỳ, xúc xích, giò chả, đồ hộp, mì gói… nếu có điều kiện sẽ mang theo gạo và đồ ăn tươi như: gà, thịt heo nhưng phải chú ý bảo quản để tránh ôi thiu.
Tất cả đồ ăn, thức uống mang theo nên tuân theo tiêu chí “vừa đủ”. (Ảnh: @papedatelor.id)
Về phần nước, tùy theo quãng đường và thời gian leo mà bạn chọn lựa mang bao nhiêu nước cho vừa đủ. Nếu đi trong 2 ngày, nên mang theo khoảng 3 lít nước và tranh thủ lấy nước tại khe suối nếu có.
Giày leo núi nên lựa chọn loại có độ bám tốt. (Ảnh: @ilhammf35_)
Mang giày vừa chân hoặc rộng 1 size, tránh trường hợp quá chật sẽ gây khó chịu khi di chuyển liên tục, giày bộ đội cũng là một sự lựa chọn lý tưởng cho việc leo núi. Ngoài ra bạn có thể mang thêm 1 – 2 đôi tất để có thể thay đổi sau 1 ngày hoặc ướt, hạn chế việc mang giày/tất ướt trong thời gian quá dài.
Trong trường hợp đi rừng không có khoảng không bằng phẳng thì sử dụng võng tối ưu hơn, nhưng với cung trekking không có cây lớn thì sử dụng lều lại tiện lợi hơn, vừa có thể ngủ nhiều người. Về chất liệu, nên lựa chọn cho mình chiếc túi ngủ, lều với chất liệu nhẹ nhàng và dễ dàng gấp nhỏ để thuận tiện khi mang theo.
Lưu ý đặc biệt trong các chuyến leo núi nên mang theo túi ngủ hoặc chăn mỏng vì thời tiết trên cao khá lạnh và sương nhiều, bạn cần đủ ấm để có thể ngủ lấy sức sau 1 ngày vận động quá nhiều.
Cắm trại trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng. (Ảnh: Thu Huệ)
Việc ngủ ngoài trời thực sự không tốt bởi dễ gặp phải muỗi, các sinh vật tấn công hay sương gió, mưa. Vì vậy hãy mang theo lều và túi ngủ để đảm bảo giấc ngủ ngon và nhanh chóng phục hồi sức lực.
Trang phục leo núi nên lựa chọn đồ rộng, có thể co giãn giúp thoải mái khi di chuyển. Lựa chọn áo thun có độ thấm hút và thoát mồ hôi tốt, sử dụng màu sáng để dễ nhận ra và lên hình đẹp.
Khi trekking trong rừng hoặc khu vực ẩm ướt nên sử dụng quần dài, để hạn chế vắt, côn trùng hoặc rắn tấn công cũng như tránh trầy xước do cây, cỏ xung quanh trong quá trình di chuyển. Quần áo mang theo cần được bỏ vào túi nylon chống thấm trước khi bỏ vào balô.
Có thể sử dụng mũ rộng vành giúp chống nắng hay mưa tốt. (Ảnh: @huydo262)
Nếu phải di chuyển leo nhiều núi hay vách đá nên sử dụng áo mưa bộ, tuy nhiên nếu trekking đường dốc nhẹ thì sử dụng áo mưa cánh dơi sẽ phù hợp hơn vì có thể che được cả balô, và có thể sử dụng làm tấm lót trải.
7. Đồ điện tử: máy ảnh, điện thoại, pin dự phòng
Tốt nhất bạn nên sử dụng 2 điện thoại để có thể liên lạc khẩn cấp trong trường hợp 1 máy bị hư, hai sim khác mạng để phòng trừ trường hợp yếu hay mất sóng.
Đồ điện tử phải luôn được bọc kín, và bảo quản đúng cách để tránh va đập hoặc ướt do mưa, lội suối. Đừng quên mang theo pin dự phòng để đảm bảo điện thoại đủ pin sử dụng chụp ảnh, dò đường và liên lạc.
8. Bản đồ, GPS
Việc leo núi ngày nay đa phần dựa vào kinh nghiệm và người dẫn đường, tuy nhiên trong 1 số trường hợp tự leo núi hoặc không có người dẫn đường nên dự phòng thêm bản đồ (có thể sử dụng trên smartphone) hoặc GPS.
Khi đã vào rừng sẽ rất khó xác định được phương hướng. (Ảnh: DMT)
9. Dụng cụ y tế
Việc xây xát, té ngã khi băng rừng, lội suối... không phải là điều gì xa lạ với những chuyến trekking. Khi đó, bạn sẽ rất cần các dụng cụ y tế cần thiết nhưng băng bông, nước muối, gạc, hay thuốc sát trùng... Hãy bỏ riêng các dụng cụ này vào 1 túi nhỏ để dễ kiếm và quản lý đồ dùng.
Ngoài ra, mỗi cá nhân nên chuẩn bị nước tăng lực, viên sủi giúp phục hồi nhanh sức khỏe và chống say nắng, tăng sức đề kháng khi đi leo núi.
10. Vật dụng khác
Dao, bật lửa, đèn pin là những vật dụng cần thiết và đa năng, có thể sử dụng nhiều trong khi leo núi, nên mang theo và để ở nơi có thể dễ tìm thấy.
Trong chuyến trekking, bạn sẽ phải leo trèo thám hiểm hoặc chinh phục các đoạn đường khó, dốc và nguy hiểm. Vì vậy dây thừng sẽ giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra dây thừng hay dây nylon giúp bạn căng lều trại, gói thức ăn, treo đồ.
Nên trekking theo nhóm để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)
Trên đây là danh sách những vật dụng cần thiết cho 1 chuyến trekking, leo núi, tuỳ thuộc vào thời gian, độ khó, địa hình…. mà người tham gia nên có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình. Trước khi lên kế hoạch, bạn cũng nên xem xét thời gian, địa điểm và dự báo thời tiết để chuyến đi được trọn vẹn nhất.
QuangHV - VnExpress