Vùng đất băng giá rộng 14 triệu km2 đã tăng 770% lượng khách tham quan trong 26 năm, chủ yếu là người giàu đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Một số báo cáo chỉ ra rằng những người giàu đang chuyển từ du lịch trải nghiệm sang du lịch thám hiểm với mức chi tiêu cao hơn. Một trong những điểm đến mới của phân khúc khách cao cấp là Nam Cực.
Du thuyền là phương tiện phổ biến nhất để đến Nam Cực, với các hải trình dài từ 2 đến 4 tuần.
Hiệp hội quốc tế điều hành tour du lịch Nam Cực (IAATO) cho biết số lượng người đến tham quan Nam Cực đã tăng 770% trong 26 năm qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2018, lục địa này đã có khoảng 51.000 lượt khách, chủ yếu đến từ Mỹ (33%), Trung Quốc (16%), Australia (11%)... trong đó khách Trung Quốc tăng mạnh nhất.
Du khách mất nhiều chi phí để tới Nam Cực, từ máy bay, quần áo, trang thiết bị đến tiêm chủng. Mức giá trung bình cho một tour đến vùng đất này khoảng 9.000 – 26.000 USD, thậm chí lên đến 100.000 USD với những hành trình sang trọng dài hai tuần đến một tháng. 90% hành trình đến Nam Cực đều bằng du thuyền với những yêu cầu khắt khe như tàu chở tối đa 500 khách, 100 người được đặt chân lên lục địa cùng lúc...
Các điểm đến từng được cho là ngoài tầm với, hiện là đích đến của nhiều khách giàu có. Trong đó, Nam Cực có sức hấp dẫn riêng với các tỷ phú và doanh nhân, theo Hiệp hội du thuyền quốc tế (CLIA). Những người siêu giàu trên thế giới có xu hướng thực hiện các chuyến đi triệu đô, kéo dài hàng tháng để nạp lại năng lượng và kết nối lại với gia đình.
"Chúng tôi nhận thấy có một sự gia tăng đáng kể với khách hàng ở độ tuổi từ 35 đến 50, mong muốn được nghỉ phép dài. Những chuyến đi xa hoa còn kèm theo cả sự mạo hiểm đến mức cực đoan như trượt tuyết trong điều kiện lạnh buốt ở Nam Cực hay lặn với cá mập ở Nam Phi", Jack Ezon, chủ tịch của Ovation Travel, thương hiệu phục vụ nhiều khách VIP nói.
Nam Cực mang đến cho du khách những trải nghiệm không thể tìm thấy ở cuộc sống thường nhật.
Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates, đứng thứ 57/100 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes, cho biết ông thấy phấn khích ngay khi nghe về ý tưởng nhảy xuống làn nước lạnh giá cùng một con hải cẩu báo ở Nam Cực. "Chuyến đi cho tôi thấy những tảng băng lộng lẫy. Tôi nghĩ rằng khám phá quan trọng nhất về Nam Cực là tốc độ chúng ta đang đánh mất nó và hậu quả điều đó đem lại", Ray nói.
Nhiều du khách khác cho rằng trải nghiệm ở đây không giống bất cứ nơi nào khác. Những quy định về lượng khách tham quan giúp họ yên tâm sẽ không chạm trán du khách khác trên lục địa rộng lớn này, trừ những người trong đoàn.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu tài sản Hurun, Nam Cực nằm trong top 10 điểm đến phổ biến nhất với người giàu Trung Quốc. "Nhiều người trẻ tuổi đang tham gia vào chuyến đi đắt tiền này để thể hiện địa vị của bản thân. Ngày càng nhiều đôi tình nhân Trung Quốc đến Nam Cực để kết hôn và chụp ảnh cưới, với bộ tuxedo nằm sau lớp quần áo giữ nhiệt. Sau buổi lễ, họ lấy ra một tấm biển bằng tiếng Trung Quốc để chụp bức ảnh tuyên bố rằng họ đã kết hôn ở đây", một nhà nghiên cứu từ Quark Expeditions mô tả.
MC người Mỹ gốc Đài Loan Janet Hsieh và bạn trai người Singapore chụp ảnh cưới tại Nam Cực.
Có nhiều cách giải thích về xu hướng du lịch đến Nam Cực. Robyn Woodhead, phụ nữ Nam Phi đầu tiên từng đến cả hai vùng cực cho biết: "Ngày nay, khách du lịch đang tìm kiếm thứ gì đó khác thường chưa ai trải qua trước đây. Họ muốn những khoảnh khắc hoàn toàn không thể đạt được trong cuộc sống bình thường".
Trong khi đó, Tom Barber, đồng sáng lập một thương hiệu du lịch ở London, cho rằng: "Khách giàu có đang tìm kiếm một lối thoát và muốn học các kỹ năng của tổ tiên, như cách săn bắn và nấu thức ăn". Barber còn cho biết thêm: "Đối với người khác, đó là sự khoe khoang. Họ muốn sử dụng tiền để mở những cánh cửa mà người bình thường không thể. Điều này có thể mang đến danh tiếng cho họ".
(Theo VnExpress.net)