[WeNews] 5 lý do khiến K2 vượt mặt đỉnh Everest trở thành đỉnh núi khó chinh phục nhất thế giới
Cứ 20 người chạm đỉnh Everest thì chỉ có một người thành công với K2. K2 thường được gọi là Nàng Mỹ Nhân Ngư của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Đồng thời là một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất thế giới - tỷ lệ tử vong trên K2 là 25% trong khi ở Everest là 6,5%.
Những lý do chính khiến K2 leo núi khó khăn hơn Everest là thiếu thốn hướng dẫn viên bản địa Sherpas, dụng cụ hỗ trợ, dây thừng cố định và các tuyến đường trên K2, thời tiết và tuyết lở khó lường hơn, tính kỹ thuật và độ dốc cũng cao hơn.
Với độ cao 8611 mét, K2 là đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Everest ở mức 8848m. Năm 2008 đã đánh dấu một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử leo núi khi 11 người leo núi chết trên K2 chỉ trong một ngày.
Vậy, chính xác thì tại sao K2 lại nguy hiểm đến vậy? Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích bằng cách so sánh K2 với Everest, vì đây là ngọn núi cao hơn 8000m phổ biến nhất đối với các nhà leo núi và người chưa có nhiều nhận thức với việc leo núi.
1. Lãnh thổ khác nhau, các quy tắc khác nhau
Về căn bản, vị trí của K2 đã là một thử thách. Núi Everest nằm ở Nepal, một địa điểm du lịch phát triển, nơi dễ dàng xin thị thực và có các chuyến bay tương đối rẻ.
Đường lên Everest Base Camp là những con đường đất rất dễ đi bộ, vì vậy bạn sẽ không quá mệt. Thêm vào đó, có các hướng dẫn viên bản địa người Sherpas mang theo tất cả các thiết bị của bạn luôn túc trực cạnh bên cùng vô số các quán trà để nghỉ chân trên đường đi. Tất cả những điều đó, khiến việc leo Everest thật thuận tiện và dễ dàng.
Điều này hoàn toàn ngược lại với cách tiếp cận K2: đỉnh núi này nằm trong dãy núi Karakoram thuộc địa phận Pakistan, một quốc gia nổi tiếng khó xâm nhập. Xin thị thực vào đây rất khó và đất nước nói chung không được coi là một điểm đến du lịch.
Sau đó, là cách tiếp cận với đỉnh của K2: sông băng. Đây không phải là vài con sông băng hiền hòa có băng trôi hững hờ mà bạn thường biết - nó là một chuyến đi đòi hỏi kỹ thuật cao, nơi bạn gặp phải sự kết hợp của băng, tuyết và đá, nơi mà thần kinh bạn phải căng như dây đàn để chú ý từng chi tiết nhỏ nhất nhằm bảo toàn mạng sống cho bản thân.
Địa hình và lãnh thổ Everest
Địa hình và vị trí lãnh thổ K2
Vì vậy, ngay cả trước khi bạn lên núi, bạn hầu như đã phải gom hết những can đảm và sức chịu đựng của cả cuộc đời vì khả năng bị thương nghiêm trọng dẫn đến mất mạng trước khi bạn tiếp cận basecamp là rất cao.
Cuối cùng, không một Sherpas hay quán trà. Bạn tự mang theo tất cả các thiết bị của chính mình và phải dựng lều dọc đường, khiến cho cuộc hành trình chinh phục đỉnh lên một độ khó hoàn toàn khác với Everest.
2. Sự khác biệt giữa lộ trình và kỹ thuật leo núi
Everest, đơn cử rõ ràng nhất là theo tuyến đường Nam Col thông thường được sử dụng bởi đoàn thám hiểm năm 1953, không phải là một ngọn núi yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Nói tóm lại, là một người leo núi, bạn không cần phải thực sự leo trèo. Hầu hết trong số đó là thách thức của các bước đá và leo lên những con dốc tuyết. Việc leo lên bằng tay hoặc rìu trên mặt đá chỉ thực sự bị hạn chế ở bước Hillary. Thách thức kỹ thuật còn lại là thác băng Khumbu ở độ cao khoảng khiêm tốn khoảng 5.500m, độ cao mà bạn vẫn có thể hoàn toàn thích nghi. Do tần suất leo lên đỉnh Everest, các tuyến đường được chọn một cách có chủ ý vì một khi bạn đã vượt qua được tảng băng thì có rất ít đòi hỏi khó khăn về kỹ thuật.
K2 có nhiều điểm đòi hỏi kỹ năng leo núi hơn và cũng có một điểm nguy hiểm đáng kể - băng qua bên dưới một dòng sông băng treo rộng lớn có một tên gọi không chính thức là Motivator - nằm trong Vùng Tử Thần nơi lượng oxy bằng 1/3 mực nước biển.
Trên K2, các tuyến đường không được bố trí tốt vì có rất nhiều người cảm thấy ngọn núi tâm linh này quá thách thức. Ngọn núi có hình dạng như một hình tam giác, vì vậy bạn sẽ phải đối mặt với việc leo dốc ngay từ ngày đầu tiên, bất kể tuyến đường bạn chọn là gì đi nữa.
Mỗi ngày là một cuộc leo núi đòi hỏi kỹ thuật trên K2, với nhiều chướng ngại vật thực sự khó khăn trên đường đi. Cuộc leo núi này tổng hợp tất cả những kỹ thuật leo tất cả các loại địa hình mà bạn có thể tưởng tượng ra: leo với hỗn hợp đá, băng và núi cao trên toàn bộ quãng đường..
Các cung đường đa dạng để leo lên Everest, cập nhật mới nhất năm 2018
Các cung đường để leo lên K2, cập nhật mới nhất năm 2019
3. Xa xôi và không dễ dàng cứu trợ
Thứ nhất là về khoảng cách đối với thành thị, Everest nằm giữa ranh giới Nepal và Trung Quốc. Về phía Nepal, Pheriche chỉ cách chưa đầy một ngày và Namche Bazaar khoảng hai ngày. Về phía Trung Quốc, bạn có thể lái xe thẳng đến căn cứ. Trong khi K2 đều mất 3-4 ngày lái xe đối với bất kì thành phố lớn nào quanh đó.
Thứ hai là về mật độ của các camp. Vì các ca cứu hộ trên 6000m là khó khăn bất kể bạn đang ở đâu, việc dựng các khu camp gần nhau trên suốt dọc đường lên là một điều hữu ích.
Trên Everest, có hai thị trấn nhỏ trong vòng một hoặc hai ngày của tuyến đường, điều này làm tăng sự yên tâm cho chính phủ cũng như các nhà leo núi. Nếu đem điều này ra so sánh thì K2 chính xác là một ngon núi biệt lập. Nếu bạn gặp rắc rối ở đó, sẽ còn rất lâu mới đến lúc bạn được cứu trợ.
4. Sự khác biệt về mức độ phổ biến
Điểm này có mối quan hệ mất thiết với hai điểm trước. Bởi vì Everest rất nổi tiếng nên nó thu hút rất nhiều công ty tổ chức dịch vụ và hướng dẫn viên được trả tiền đưa mọi người lên núi. Vì lý do này, các tuyến đường phổ biến hơn, hệ thống dây thừng cố định được dựng lên, làm cho cố gắng chạm đỉnh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Luôn có một đến vài Sherpas đi theo để hỗ trợ mang vác hành lý, dẫn đường và cứu trợ các khách hàng trên Everest
Các khách hàng trong các tour du lịch có trả tiền thường được gọi là những người có “giới hạn ngắn”, vì họ được gắn với một Sherpa bằng một sợi dây để đưa họ lên núi nhanh chóng và dễ dàng.
Ngược lại, K2 không phổ biến do vị trí xa xôi hẻo lánh cùng địa hình khó khăn của nó. Điều này đồng nghĩa với không có dây thừng cố định và không thu hút dòng khách hàng “giới hạn ngắn”. Mỗi thành viên của đội phải đóng góp vào thành công của đội đồng thời phải là một người leo núi có kinh nghiệm và kỹ năng.
Đoàn leo núi người Hà Lan trong nỗ lực cùng nhau giúp đỡ chinh phục đỉnh K2 năm 2018
Một người nổi tiếng đã nói "Bạn leo Everest để có một câu chuyện để kể trong các bữa tiệc. Bạn leo lên K2 nếu bạn muốn trở thành một trong những người leo núi giỏi nhất.”
5. Tuyết lở nhiều hơn trên K2
Một sự thật không thể chối cãi đó là thời tiết miền núi luôn luôn không thể đoán trước, nhưng một số ngọn núi được biết đến với một mức độ khó dự đoán hơn.
K2 nằm ở phía bắc xa hơn Everest, điều đó khiến ngọn núi này bị bao phủ bởi thời tiết không chỉ cực kỳ khó chịu mà còn rất khó lường. Bạn thực sự không bao giờ biết những gì bạn sẽ phải đối mặt, vì vậy bạn không thể cứ thế tin tưởng rằng trong các trận cuồng phong sẽ có những đợt lắng theo chu kỳ để bạn có đủ thời gian chạm đỉnh và rồi trở xuống an toàn.
Tuyết lở cũng phổ biến hơn nhiều trên K2 so với trên Everest.
Vì lý do này, mọi nỗ lực chạm đỉnh thành công trên K2 đều được gán cho việc hội tụ đủ sự may mắn cũng như kỹ năng. Khi bạn nhìn vào danh sách các trường hợp tử vong trên K2, bạn sẽ thấy một số người leo núi rất nổi bật có thành tích cao trong số họ. Cái ý nghĩ dù bạn có kỹ năng giỏi nhất nhưng vẫn bỏ mạng nơi đỉnh núi hẻo lánh vì vận may không mỉm cười thực sự rất đáng sợ.
(Bản quyền dịch thuật và phân tích - tổng hợp thuộc sở hữu của WETREK.VN)
>>> K2 có nhiều lý do để khó chinh phục hơn Everest, nhưng có lý do chung khiến những đỉnh núi trong top độ cao 8000m trở thành canh bạc đối với bất kỳ nhà leo núi lành nghề nào, đọc thêm về "VÙNG TỬ THẦN"