Uluru hay còn gọi là Ayers Rock. Đây là một ngọn núi đá nguyên khối khổng lồ thuộc dãy núi Ayers nằm ở vùng lãnh thổ phía bắc Úc, cách thị trấn lớn gần nhất, Alice Springs, 450 km đường bộ.
Nhìn từ xa, bề ngoài của “hòn đá khổng lồ” Uluru tròn và bóng nhẵn màu nâu cam đặc trưng, toàn vẹn một khối, không có lấy một cái cây nào. Núi cao 863m so với mặt nước biển và có tổng chu vi là 9,4km. Điều đặc biệt nhất ở hòn đá Uluru này chính là nó có khả năng tự đổi màu vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Lúc bình minh mặt trời vừa mọc thì toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt, đến giữa trưa là màu đỏ cam phản chiếu ánh mặt trời, khi về chiều, rặng đá chuyển màu đỏ thẫm hoặc chuyển màu tím sẫm, và đêm xuống là màu vàng nâu hòa với cảnh vật xung quanh.
Uluru được người Anangu Pitjantjatjara coi trọng như một ngọn núi linh thiêng. Vùng quanh Uluru có nhiều mạch nước, hang đá và tranh vẽ cổ. Uluru là một Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Uluru và Kata Tjuta (còn gọi là Olga) là hai địa điểm nổi bật tại Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta. Năm ngoái, khoảng 380.000 du khách đã đến khu vực này, tăng 20% so với năm 2017 và tiếp tục tăng trong năm nay.
Có rất nhiều hoạt động thú vị có thể trải nghiệm ở ngọn núi này. Biểu tượng âm nhạc Paul Simon từng nói với nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey rằng đây là nơi mà bà nhất thiết phải đến thăm. Quả thực, bà Oprah Winfrey không phải thất vọng với lời gợi ý này.
Khi đến Uluru, bạn sẽ có cơ hội tản bộ thỏa thích để từ từ ngắm các loại thực vật phong phú. Nếu bạn chọn đường đi bộ Mala thì sẽ đi qua con hẻm Kantju xinh đẹp. Không chỉ thế, nơi này còn có hoạt động cắm trại trên cao có một không hai. Khu cắm trại Ayers Rock Resort sẽ cung cấp cho du khách đầy đủ đồ dùng, đồ cắm trại và nơi ăn nghỉ. Nơi này nhìn có vẻ hoang sơ nhưng tất cả mọi ca bin đều được trang bị điều hòa. Đến bữa ăn tối, bạn cùng gia đình có thể thưởng thức món ăn của người thổ dân dưới trời sao lấp lánh.
Có nhiều hoạt động tham quan hấp dẫn, nhưng nhiều du khách lại bất chấp để leo lên đỉnh núi cao. Từ những năm 1950 đã có ít nhất 36 vụ tai nạn nghiêm trọng, và từ năm 2002 đến 2009 có 74 vụ cấp cứu cần chăm sóc y tế.
Chủ tịch hội đồng, thổ dân Sammy Wilson cho biết người dân sinh sống nơi đây luôn phải chịu áp lực lớn: “Suốt nhiều năm, cộng đồng Anangu cảm thấy bị đe dọa, cứ như ai đó cầm súng chĩa vào đầu chúng tôi, buộc chúng tôi phải mở cửa. Quyết định này để người Anangu và những người không phải người Anangu cùng tự hào nhận thức điều đúng đắn nên làm là đóng cửa nơi này”.
Không dừng lại ở đó, ngọn núi linh thiêng này còn phải chịu đựng rất nhiều hành động vô ý thức của du khách như tiểu tiện, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước dưới chân núi, và làm ô nhiễm nền văn hóa của thổ dân.
Quản lý công viên quốc gia Uluru từ năm 2010-2020 đã tính chuyện cấm leo núi Đá Thiêng nếu tỷ lệ du khách leo núi giảm dưới mức 20%. Ông Wilson nói: “Người da trắng xem vùng đất này có giá trị kinh tế, nhưng chúng tôi lại trân trọng núi Đá Thiêng theo khía cạnh văn hóa. Chúng tôi muốn bảo vệ nét đẹp văn hóa của chúng tôi, vì nếu không gìn giữ, nét văn hóa này sẽ hoàn toàn biến mất trong 50-100 năm nữa”. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, người dân rất vui vẻ khi có nhiều du khách đến thăm, nhưng họ không ủng hộ việc leo núi.
Cuối cùng, cộng đồng thổ dân đồng thuận với quyết định đóng cửa núi Uluru vào ngày 26/10 năm nay.
(Huyền Sang - theo news.com.au)