[WeNews] Tứ Thánh Địa Phật Giáo - 4 điểm hành hương về miền đất Phật
Ấn Độ, một trong hai cái nôi của nền văn minh phương Đông, có thể sẽ giảm đi sức quyến rũ rất nhiều nếu không có ba trong bốn thánh tích thiêng liêng của Phật Giáo. Và, Ấn Độ đã không ngớt tự hào về “người con trai vĩ đại” của mình: Đức Phật - người khai sáng nên một tôn giáo, một kỷ nguyên của Từ bi và Trí tuệ. Bốn địa điểm này gắn liền với cuộc đời hoằng hóa của Ngài, do đó, được xem là bốn điểm thiêng làm rung động trái tim nhân loại. Hàng năm, Tứ động tâm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến Ấn Độ (và Nepal).
Bốn thánh địa đó là:
1. Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật đản sanh
2. Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nơi Đức Phật giác ngộ
3. Sarnath (Vườn Lộc Uyển), nơi Đức Phật khai giảng giáo pháp
4. Kushinara (Câu Thi Na), nơi Đức Phật nhập niết-bàn
LUMBINI: KHÚC HOAN CA NHÂN LOẠI
Điểm thiêng liêng thứ nhất chính là Lumbini, tọa lạc tại làng Rummindei, dưới chân dãy Tuyết Sơn hùng vĩ, cách biên giới Sonauli của Nepal - Ấn Độ 27km. Tại hoa viên này, hơn 2.600 năm trước, trên đường trở về quê hương Devadaha của mình, hoàng hậu Maya đã hạ sanh Thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa). Năm 623 TCN, nhân loại đã hoan ca chào đón Đấng Đại giác Thế tôn ra đời.
"Sau khi đã tu tập chứng đắc 10 Pháp Hoàn Thiện (Paramis), tức 10 Ba-la-mật, trong bốn a-tăng-kỳ (asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa), vị Bồ-tát, hay Đức Phật Cồ-Đàm sau này, “thọ thai” vào bụng của Maya Devi, hoàng hậu của vua Suddhodana (Tịnh Phạn), người đứng đầu vương quốc cộng hòa Thích Ca (Sakyan), nằm ngang biên giới của Ấn Độ-Nepal ngày nay. Vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, năm 623 trước CN, Hoàng hậu Maya Devi đang trên đường từ kinh đô Kapilavatthu (thành Ca-tỳ-la-vệ) để đến Devadaha, quê cha mẹ của bà, để hạ sinh đứa con, theo phong tục truyền thống của xứ này. Dọc đường, khi đi ngang qua Vườn Lumbini, một khu rừng Sala (Long Thọ) đang nở rộ những bông hoa. Đang chiêm ngưỡng phong cảnh cây, hoa tươi đẹp huy hoàng, hoàng hậu cảm thấy chuyển dạ rất nhanh để sinh thái tử. Hoàng hậu gọi những người hầu nữ che màn xung quanh. Một tay hoàng hậu nắm lấy cành cây Sala, bà hạ sinh thái tử trong tư thế đang đứng. Theo Majjhima Sutta No. 123 (Trung Bộ Kinh, kinh số 123), ngay sau khi Bồ-tát được sinh ra, Người bước 7 bước về hướng Bắc và tuyên bố về vị trí của mình trên thế gian như sau:
Aggo’ ham asmi lokassa – Ta là người đứng đầu trên thế gian.
Jetto’ ham asmi lokassa – Ta là người thượng đẳng nhất thế gian.
Setto’ ham asmi lokassa –Ta là người cao quý nhất thế gian.
Ayam antima jati – Đây là lần tái sinh cuối cùng.
Natthi dani punabbhavo – Đây là lần tái sinh cuối cùng của ta!."
Điểm quyến rũ nhất của Lumbini chính là khu Vườn Thiêng, rộng 2,56km2 với những thánh tích quan trọng như: hồ Puskarni - nơi hoàng hậu Maya tẩy trần trước khi hạ sanh Thái tử; chùa Mayadevi - nơi bảo tồn nhiều di tích, trong đó có phiến đá in hình dấu chân Phật được phát hiện vào năm 1996, đánh dấu chính xác nơi Thái tử đản sanh; và đặc biệt nhất là trụ đá vua Ashoka (A Dục) với những dòng chữ xác tín điểm thiêng Lumbini: “Quốc vương Devànampiya Piyadasi (A-Dục), người con yêu dấu của các vị Trời, hai mươi năm sau khi lên ngôi, đã đích thân ngự viếng và lễ cúng nơi này, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đã đản sanh ở đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng con ngựa trên đầu một trụ đá và dựng trụ đá lên. Bởi vì Đức Thế Tôn (Bhagavan) được sinh ra ở nơi đây, làng Lumbini được giảm thuế canh tác và chỉ còn đóng 1/8 so với mức thuế thường”.
Trụ đá của vua Ashoka
Đến Lumbini, lòng khách hành hương không khỏi hân hoan rộn rã. Này là bãi cỏ xanh ngát với những thảm hoa khoe sắc màu và hàng ngàn lá cờ ngũ sắc phất phơ trong ánh nắng đầu ngày; này là chiếc ao trong vắt soi mình ngôi chùa thắm đỏ; này là những di tích đền đài miếu mạo của một thuở huy hoàng. Đây đó dưới những tán cây, những nhà sư áo đỏ ngồi thiền hay lễ lạy; Tăng Ni, Phật tử trên khắp năm châu đọc kinh, chiêm bái trước trụ đá cạnh chùa Mayadevi. Không gian Lumbini sâu lắng một nỗi niềm hân hoan khó tả…
Ao nước thiêng Puskarni, được tin rằng là chính cái ao nguyên thủy nơi hoàng hậu đã tắm trước khi hạ sinh vị Bồ-tát
Toàn cảnh Lumbini khi làm lễ
BODG GAYA: NGẬP TRÀN THIÊNG KHÍ
“Tôi đã từng đến chiêm bái Bodh Gaya, nơi khiến cho tôi rúng động nghĩ rằng, Người đã thánh hóa quả đất này bởi những bước chân Người chạm đến những nơi vốn rất trần tục. Tại sao, tôi ngẫm trong nỗi đau, rằng tại sao tôi lại không sinh vào thời ấy, để có thể nhận được những ảnh hưởng thiêng liêng từ Người bằng cả thể xác lẫn tâm hồn”. (Rabindranath Tagore, 1935)
Dường như bất kỳ người con Phật nào cũng cảm nhận giống như bậc thi thánh của xứ Ấn khi đặt chân đến Bodh Gaya. Chỉ cái tên ấy thôi cũng đủ rúng động lòng người. Và chỉ cái tên ấy thôi cũng đủ khiến cho bao nhiêu người quên đi cái đau trần thế, cảm nhận trọn vẹn khí thiêng an lành vẫn còn phảng phất đâu đó nơi mảnh đất này qua hơn 2.500 năm dài dặc!
Với người Phật tử, không có điểm nào thiêng liêng hơn nơi Đức Phật giác ngộ: Bodh Gaya - Bồ Đề Đạo Tràng!
''Sau ‘Cuộc Từ Bỏ Vĩ Đại’, Bồ-tát đã đến gặp 2 đạo sư tu khổ hạnh là Alara Kalama và Udakka Ramaputta, những vị thầy này đã dạy cho Người tu chứng được những tầng thiền Vô Sắc Giới. Mặc dù những cảnh giới chứng đạt được đó là những cảnh giới cao nhất vào lúc bấy giờ, nhưng Người vẫn không thỏa mãn, vì những cảnh giới đó không dẫn đến Niết-Bàn (Nibbana). Sau khi từ giã họ, Người tìm đến một hang động vắng vẻ trên một ngọn đồi có tên là Đồi Dhongra. Ở đó Người đã thực hành những pháp tu khổ hạnh, đau đớn và vô ích, trong vòng 6 năm trời, có thể chỉ còn lại bộ xương gầy guộc và Người gần như sắp chết. Sau nhận thấy sự vô ích của việc tu hành xác, Người quyết định đi theo Con Đường Trung Đạo và bắt đầu ăn uống trở lại để hồi phục sức khỏe. 5 người bạn tu khổ hạnh kia nghĩ rằng người đã bỏ cuộc và bắt đầu quay lại việc hưởng lạc, nên họ đã từ bỏ Người. Bấy giờ, Bồ-tát bắt đầu cuộc đấu tranh một mình đi tìm sự giác ngộ. Một ngày trước ngày Trăng Tròn tháng Wesak, trong khi mang bình bát đứng dưới một cây Banyan chuẩn bị đi khất thực, một thiếu nữ tên là Sujata đã đến dâng món cháo nấu bằng gạo với sữa trong một cái đĩa bằng vàng. Thiếu nữ Sujata là con của một tộc trưởng của ngôi làng Senanigama sát bên. Sau khi dùng xong món cháo, Bồ-tát mang cái đĩa vàng ra bờ sông Neranjara (Ni-Liên-Thuyền) và nói lên rằng:“Nếu Ta có thể thành công trở thành một vị Phật, hãy cho chiếc đĩa này trôi ngược dòng nước, còn nếu không thể thành, hãy để chiếc đĩa trôi xuôi dòng”- và Người quăng cái đĩa vàng xuống sông. Chiếc đĩa nổi lên giữa dòng sông và trôi ngược dòng nước, được khoảng 80 cubits (37m) rồi chìm xuống theo dòng nước xoáy. Buổi chiều hôm đó, trên đường Bồ-tát đi đến Cây Bồ-Đề, người cắt cỏ tên là Sotthiya đã mang đến nắm cỏ dâng cho Bồ-tát để Người làm chỗ ngồi thiền dưới gốc cây Bồ-Đề. Bồ-tát ngồi xếp tréo chân hoa sen, mặt quay về hướng Đông, Người kiên quyết một lòng và nói rằng:“Dù cho da, gân, xương khô héo. Dù cho thịt và máu có khô cạn. Ta quyết sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi ta chứng ngộ thành Phật”.
Đến đây đỉnh điểm cuối cùng của những pháp tu Hoàn Thiện (Ba-la-mật) mà Người đã hoàn thành trong vô lượng kiếp (aeons), mà không có một chúng sinh nào, ngay cả Ma Vương và đạo quân gây chết chóc của Ma Vương cũng không thể nào làm cho Đức Phật phân tán hay rời khỏi chỗ ngồi này. Chỗ ngồi Aparajita này không thể bị làm lung lay, không thể bị phá được, Ma Vương không thể nào phá hoại được. (Aparajita: Không thể làm lung lay, không lúc nào có thể phá thế được. Hán Việt thường dịch là: Chỗ ngồi “Minh Vương Vô Năng Thắng”).
Khi Ma Vương (Mara) đến thách thức và quấy nhiễu, Bồ-tát liền đưa tay phải chạm xuống mặt đất và hô to trái đất minh chứng cho 30 pháp Hoàn Thiện (Ba-la-mật) của người. Ngay lập tức, trái đất rền vang, rung chuyển và làm phân tán Ma Vương và đạo quân của Ma Vương.
Sau đó, tâm Người tĩnh lặng và trong sạch, vào canh một, Người chứng đạt được (1) Trí Lực Biết Rõ Quá Khứ, như nhớ rõ, biết rõ những kiếp trước sau của mình và người khác, về mặt thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. (Hán Việt đọc là:‘Túc Mạng Minh’).
Vào Canh hai, vào ngay nửa đêm, Người chứng đạt được (2) Nhãn Lực Nhìn Thấy Rõ Quá Khứ, Hiện tại & Tương Lai, như nhìn thấy rõ được những kiếp trước sau của mình và người khác, về mặt không gian. (Hán Việt đọc là: ‘Thiên Nhãn Minh’).''
Cách thủ phủ Patna của bang Bihar 115km, Bodh Gaya tọa lạc tại một vùng đất màu mỡ với những cánh đồng xanh ngát được tưới tẩm bởi dòng Phalgu (dòng Ni Liên Thiền xưa kia). Điểm thiêng nhất của Bodh Gaya chính là cội bồ đề hơn 110 năm tuổi - “hậu duệ” của cội “Tất bát la” xưa kia - mà dưới cội cây ấy, Bồ tát Siddhartha, sau 49 ngày đêm thiền định, đã chứng thành Phật quả. Bấy giờ, Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà; đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi; ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch” (Kinh Pháp cú 153, 154). Ngay dưới cội bồ đề là tòa Kim cang bằng đồng mạ vàng, dài 2,28m, rộng 1,5m, cao 0,9m, đánh dấu chính xác nơi Bồ tát Thành đạo.
Linh thọ Bồ Đề. Cội Bồ Đề cách nay hơn 2500 năm che mưa nắng cho đức Thế Tôn ngày nào không còn nữa. Giờ đây chỉ là cây kế thừa ít nhất là 5 đời được tính từ cây thủy tổ theo tài liệu của tiến sĩ Schumann và khoảng 7 - 11 đời theo một số tài liệu nghiên cứu khác.
Phía đông, trước cội bồ đề, là một tòa đại tháp bằng sa thạch vuông vức mỗi bề 15m, nhọn dần lên đỉnh theo hình kim tự tháp, cao đến 51m
Tháp Đại Bồ-Đề là một công trình huy hoàng và nổi bật nhất trong khu vực Thánh Địa Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng). Cao 52m, với tổng diện tích phần nền móng hình vuông là 231 m2, mỗi cạnh vuông là 15.2 m2 (50 feet), bao gồm một tháp lớn hình kiểu kim tự tháp và 4 tháp nhỏ nằm ở 4 góc, là những mô hình thu nhỏ của tháp lớn. Cổng chính quay về hướng Đông, phía trước bên ngoài cổng là một cổng chào bằng đá do vua Asoka xây, được chạm khắc rất tinh xảo. Những khoảng trống âm tường của cả 2 mặt vách của Bảo Tháp đều có khắc hình tượng Phật. Gian đại Chánh Điện (Sanctum) ở tầng trệt sau khi đi qua một lối đi có mái vòm vòng cung, hai bên là cầu thang bằng đádẫn lên một điện thờ nhỏ hơn nằm ở tầng một.
Tượng Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng
Mỗi ngày, từ tinh sương đến tối, tại khuôn viên rộng lớn của ngôi đại tháp này luôn có hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và khách hành hương chiêm bái
Những vị sư tìm một chỗ yên tịnh đâu đó để thiền định. Nhiều người trải chiếu tại một nơi xa xa, hướng về cội bồ đề và đại tháp lễ lạy. Những đoàn Phật tử nhiễu quanh đại tháp với lời tụng kinh bằng nhiều chất giọng âm vang. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của không biết bao nhiêu tín đồ đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…
SARNATH: VANG VỌNG TIẾNG KINH XƯA
“Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh: một là lợi dưỡng vốn hạ liệt, tục luỵ, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau. Từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thực hành Trung Đạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn”.
Đó là lời mở đầu của bài kinh Chuyển pháp luân, bài kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như tại Sarnath (Vườn Nai - Lộc Uyển). Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề tại Bodh Gaya, Đức Phật đã đi bộ vượt hơn 250km, ngang qua sông Hằng để đến Sarnath. Và tại đây, Tăng già đã hình thành, và cũng từ đây, những người con Phật có đầy đủ ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
''Sau khi trải qua 7 tuần ở 7 nơi trong khu vực Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng) sau khi Giác Ngộ, Đức Phật đã quyết định đi đến truyền dạy Giáo Pháp mà Người đã giác ngộ cho 5 anh em người bạn tu khổ hạnh trước đây của Người là: Kondanna (Kiều-Trần-Như), Vappa, Bhaddiya, Mahanama và Assaji, những người đã theo Người suốt 6 năm trời tu khổ hạnh. Phật đến Vườn Nai (Lộc Uyển) ở Isipatana, tức là Sarnath ngày nay, vào ngày Trăng Tròn của tháng Asalha, chính xác đúng 2 tháng sau ngày Trăng Tròn tháng Wesak ở Bồ-Đề Đạo Tràng. Khi họ nhìn thấy Đức Phật từ xa, họ không muốn tiếp đón Người, nhưng khi Đức Phật đến gần, họ tự nhiên thấy ngược lại và đảnh lễ Người. Đức Phật có thể thuyết phục họ về sự Giác Ngộ, sự đắc đạo của Người. Đêm hôm đó, Đức Phật đã khai giảng bài Thuyết Pháp Đầu Tiên, đó là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta), mà ngay sau đó, Kondanna (Kiều-Trần-Như) đã chứng đạt ngay Tầng thánh thứ nhất (Nhập Lưu). Bốn người còn lại cũng chứng được tầng thánh thứ nhất sau 4 ngày liên tiếp nghe Đức Phật giảng dạy. Sau đó, Đức Phật cũng thuyết giảng cho họ Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta) mà sau khi nghe giảng xong, tất cả họ đều chứng đắc quả vị A-La-Hán, tầng thánh cuối cùng. Cũng tại Sarnath, Đức Phật đã chuyển hóa (Hán Việt: độ) chàng quý tộc Yasa và nhóm 54 người bạn của anh ta, và họ cũng chứng ngộ quả vị A-La-Hán. Sau đó, Đức Phật phải cử họ đi nhiều phương khác nhau, mỗi người một phương, để tiếp tục truyền bá Giáo Pháp. Vì vậy, Sarnath đã trở thành một địa danh nổi tiếng, là nơi khai giảng Giáo Pháp của Phật là nơi Tăng Đoàn (Sangha) Tu Sĩ Phật Giáo đầu tiên được thành lập. ''
Nằm cách Varanasi, thánh địa Ấn giáo, chừng 10km, Sarnath là một khu thánh tích quan trọng, gồm nhiều di tích chùa, tháp, viện. Tâm điểm là ngọn đại tháp Dhamekh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI trên di tích của một ngôi tháp nhỏ hơn có từ thời vua Ashoka, khoảng năm 234 TCN, cao 33m với nhiều hoa văn độc đáo.
Cách tháp Dhamekh không xa hiện còn một ngôi tháp được xây dựng theo lối kiến trúc mới, mô tả quang cảnh thính pháp của năm vị khổ hạnh ngồi vây quanh Đức Phật. Đây là một trong những công trình nổi bậc nhất tại Varanasi, có hình tròn-trụ, cao 43,6m với đường kính tại đế tháp khoảng 28m.
Ngoài ra, Varanasi còn có dấu tích của tháp Dharmajajika cao khoảng 61m, và một trụ đá do vua Ashoka xây dựng để kỷ niệm ngày nhà vua thăm viếng Tăng đoàn.
Mỗi ngày, Sarnath đón hàng trăm khách hành hương đến chiêm bái; nhất là vào mỗi sáng - chiều, có rất nhiều Phật tử đến kinh hành quanh tháp hay lễ lạy, ngồi thiền, tụng niệm trên các thảm cỏ. Cạnh đó là một khu vườn rộng với một vài chú nai hiền lành, ngơ ngác như cố minh chứng cho một thời an lành của chúng bên chân Đức Từ phụ.
KUSHINAGAR: NỖI ĐAU DÂNG TRÀN
Nếu Lumbini tấu lên những khúc hoan ca, Bodh Gaya ngập niềm linh thiêng rúng động, Sarnath mênh mang sâu lắng, thì Kushinagar chất chứa bao nỗi u hoài. Bởi, đây chính là nơi Đức Từ phụ, sau 49 năm giáo hóa không mệt mỏi, đặt dấu chân lên khắp một vùng rộng lớn của lưu vực sông Hằng, Ngài đã nhập Vô dư y Niết bàn.
Năm 543 trước Tây lịch, vào một đêm trăng tròn tháng Magh (tháng Một-Hai), tại ngôi làng Beluva gần thành Vaishali, Đức Phật đã thuyết về sự vô thường của vạn pháp và tuyên bố rằng ngày niết bàn của Ngài sắp đến. Từ giã Vaishali, Đức Phật bắt đầu cuộc hành trình dài 280km, hướng về ngôi làng Pava, Kushinagar. Nơi đây, ngài đã thọ nhận bữa ăn cuối cùng của bác thợ rèn Chunda và nghỉ tại rừng cây sala bên bờ sông Hiranyavati. Sau khi hỏi trong chúng đệ tử còn có ai cần hỏi điều gì nữa không, Đức Phật đã thuyết bài pháp cuối cùng, rằng: “Hãy ghi nhớ, tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ có buông lung”. Thuyết xong, Ngài an nhiên thị tịch, bấy giờ Ngài vừa tròn 80 tuổi.
''Đức Phật nằm giữa hai cây Sala Long Thọ, nghiêng mình về bên phải, đầu hướng về phía Bắc khi Người trút hơi thở cuối cùng tại trần gian này. Sau Đại Bát-Niết-Bàn của Người, đến ngày thứ 7, thân của Người được rước đi qua thành từ cổng phía Bắc ra cửa phía Đông đến đền thờ của người Malla tên là Đền Makutabandhana. Họ không thể nào đốt lửa trên giàn thiêu được cho đến khi Ngài Đại Ca-diếp (Maha Kassapa) vào đảnh lễ Đức Phật. Nghi lễ cuối cùng được thực hiện bởi Ngài Ca-diếp, và sau khi thiêu xác, những xá lợi được chia làm 8 phần bằng nhau, bởi Bà-la-môn tên là Dona, cho 8 bộ tộc thuộc miền Bắc Ấn Độ lúc đó là:
1) Vua Ajatasattu (A-xà-thế) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà)
2) Bộ tộc Licchavi của Vesali (Tỳ-xá-ly)
3) Bộ tộc Sakya (Thích Ca) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ),
4) Bộ tộc Bulias của nước Allakappa,
5) Bộ tộc Koliyans của nước Ramagama,
6) Bà-la-môn ở Vethadipa,
7) Bộ tộ người Malla ở Pava, và
8) Bộ tộc người Malla ở Kushinagar.''
Kushinagar nguyên là thủ đô của nước cộng hòa Malla xưa kia, hiện nay thuộc làng Kasia, cách thành phố Gorakhpur ở miền đông của bang Uttar Pradesh 51km. Đến với thánh địa này, khách hành hương thường chiêm bái những nơi thiêng liêng như: điện Mathakuar, nơi Đức Phật thuyết bài pháp cuối cùng; chùa và tháp Đại bát Niết bàn, nơi Đức Phật nhập diệt; tháp trà tỳ Angrachaya, nơi trà tỳ kim thân Đức Phật; và tháp phân chia xá lợi Rambhar.
Đại Tháp Niết Bàn, nới Đức Phật nhập diệt
Tháp trà tỳ Angrachaya, nơi trà tỳ kim thân Đức Phật. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, kim thân của Ngài được hỏa táng theo nghi thức tang lễ của một vị chuyển luân Thánh vương.
Tháp phân chia xá lợi Rambhar. Sau lễ hỏa táng, để tránh sự xung đột tranh giành xá lợi của đức Phật, bộ tộc Malla tại Kushinagar đã đồng ý chia xá lợi Ngài làm tám phần đều nhau cho tám vị quốc vương trong tám nước xây tháp cúng dường.
Bước vào ngôi chùa Đại Niết bàn, đập vào mắt khách hành hương là một pho tượng Phật Niết bàn dài 6m, được tạc từ đá đen, song ngày nay pho tượng được dát vàng óng bởi niềm tôn kính của những Phật tử từ khắp nơi trên thế giới. Pho tượng tuy thô mộc nhưng hết sức sống động, khiến cho những người con Phật không khỏi ngậm ngùi rơi lệ như thể Đức Thế tôn vẫn đang còn nằm đó trong cuộc thiền định dài vô tận. Trong tượng Phật nằm có ba bức tượng điêu khắc nhỏ, bức tượng đứng gần dưới chân Phật được tin là mô tả ngài Ananda đang khóc u sầu vì biết rằng Đức Thế Tôn sắp đi xa. Tượng ở chính giữa là ngài Subhadda, người đệ tử cuối cùng được Đức Phật giảng độ. Tượng một người tóc dài đứng gần mặt Phật được tin là một người đứng đầu bộ tộc Malla đang đứng lễ viếng Đức Phật.
•Nếu đứng trước khuôn mặt, người xem có thể cảm nhận ngay nét mỉm cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt.
•Nếu đứng gần giữa thân, người xem có thể cảm nhận được sự khổ trên khuôn mặt.
• Nếu đứng dưới phần chân, người xem có thể cảm nhận được sự trầm mặc và tĩnh lặng trên khuôn mặt.
Nhiều người đã cúi xuống, chạm trán mình vào chân Ngài và bậc khóc. Những giọt nước mắt rơi trên chân pho tượng, lấp lánh ánh vàng…
Cũng như tại thánh địa Bodh Gaya, thường xuyên có những Tăng Ni, Phật tử đến Kushinagar chiêm bái, cúng dường. Họ dâng lên Đức Phật tấm y mới, thay cho tấm y cũ của Ngài. Những người thiện duyên có thể thỉnh được những chiếc y này về tôn thờ, kỷ niệm.
Đối với đa số Phật tử, việc thực hiện một cuộc hành hương đến những nơi thiêng liêng như Đức Phật đã đề xướng, là một việc làm một-lần-trong-đời. Với rất nhiều thời gian, tiền bạc và nỗ lực bỏ ra, điều đó bắt buộc một người đang chuẩn bị hành hương phải hiểu rõ cuộc hành hương là vì mục đích gì, đặc biệt là về khía cạnh tâm linh, bởi vì về mặt vật chất và di chuyển thông thường đã có một công ty lữ hành chịu trách nhiệm lo chu toàn rồi. Một cuộc hành hương là một chuyến đi đến nơi thiêng liêng để thể hiện lòng thành tâm mộ đạo và niềm tin. Trong kinh điển Phật giáo, chữ niềm tin (tín) hay saddha là sự xác tín hay vững tin dựa vào sự hiểu biết chắc chắn của một người đối với Phật, Pháp, Tăng. Nó không phải là một đức tin mù quáng dựa vào những quan điểm sai lệch. Bởi vì ngu si, vô minh là kẻ dẫn dắt mình đến những tâm niệm trái đạo lý, thì niềm tin “saddha” là người dẫn dắt mình đến những tâm niệm hợp đạo lý, bởi vì niềm tin vững chắc sẽ có vai trò làm cho tâm thanh tịnh, như Đức Phật đã dạy.
Vì vậy, một người hành hương không phải giống như một du khách, đi tìm thú vui tham quan, ngắm cảnh và thưởng thức. Khác với những khoái cảm giác quan, cảnh quan của những nơi thánh địa không hề làm khởi sinh dục vọng, nhưng là điều kiện để tâm niệm lành mạnh khởi lên trong tâm người hành hương. Đức Phật đã khuyên chúng ta đi thăm viếng những nơi Người đã đản sinh, nơi Người đã Giác Ngộ, nơi Người khai giảng Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên và nơi Người đã ra đi, hay Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana), và chiêm bái những thánh tích bằng những tình cảm tôn kính. Bằng cách thể hiện lòng thành và sự tôn kính ở những nơi thánh tích, mọi người có thể thanh lọc ba nghiệp “hành động, suy nghĩ và lời nói” (thân, ý, miệng). Bằng cách này, người hành hương được tăng trưởng đạo hạnh Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, ba nghiệp quan trọng và là hay ba chi trong Bát Chánh Đạo. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng việc hành hương bằng những thái độ tinh thần đúng đắn có thể giúp chúng ta thực hành đúng những Lời Dạy của Đức Phật.
Huyền Sang
>>> Tham khảo ghế bệt hỗ trợ thẳng lưng khi ngồi thiền tại WETREK.VN