[WeNews] Cuộc sống diệu kì của Tippi Degré, Mowgli The Jungle Book ngoài đời thực
Tippi – Cô bé tưởng chừng chỉ tồn tại trong những thước phim
Không giống như bao đứa trẻ khác, thời thơ ấu của Tippi không có đồ chơi bằng nhựa hay được các bậc sinh thành bảo bọc trong nhung lụa. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Tippi đã xách vali cùng bố mẹ của mình – hai nhà nhiếp ảnh gia người Pháp – Sylvie Robert – Alan Degre đến sinh sống tại sa mạc châu Phi và cũng từ đây những điều phi thường đã được viết nên cùng năm tháng trưởng thành của cô bé.
Được ví như Mowgli, cậu bé rừng xanh phiên bản đời thực từ cuốn sách “Câu chuyện rừng xanh”, Tippi cũng đã có tuổi thơ tuyệt vời bên những cánh rừng già châu Phi.
Lớn lên nơi hoang dã
Tháng 6/1990 Tippi ra đời trong một ngôi làng hoang vắng ở Namibia, xứ sở xa xôi ở cuối Lục địa đen, tiếp giáp với sa mạc Kalahari nóng như một chiếc chảo rang khổng lồ. Bố mẹ cô là Alain Degré và Sylvie Robert, hai nhà nhiếp ảnh và làm phim nổi.tiếng người Pháp, chuyên chụp những cảnh trong rừng rậm, muông thú ở miền Nam châu Phi, tác giả của những bộ phim tài liệu hấp dẫn đầy chất thơ như Sa mạc bí ẩn Kalahari, Trở về thung lũng sư tử. .. Lòng say mê thiên nhiên hoang dã, nơi mà sự hiểm nguy rình rập song hành với các bí mật được phát hiện trên từng bước đi đã di truyền cho cô con gái bé bỏng. Họ luôn để mắt đến cô nhưng không ngăn cô sống tự nhiên như một cái cây mọc hoang giữa rừng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Tippi lớn lên như một cô bé thổ dân thuộc bộ lạc Himba, người châu Âu gọi là Bushmen (Những người sống trong lùm bụi) với cách sống “rất nguyên thuỷ”. O đây, sự phát triển của một con người xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Bởi vậy, Tippi biết bơi trước khi … biết bò. Và chỉ 10 tháng, cô đã lẫm chẫm đi chân đất theo các con vật lảng vảng ngoài cổng, như bố cô kể “ vì xung quanh nhà có rất nhiều gai nhọn, không thể bò mãi được”. Tiềng gọi “mẹ” đầu tiên Tippi thốt ra là khi cô đang lê la ngoài vườn thấy một gã hổ mang chúa đang trườn lại gần mà dường như bản năng báo cho cô biết sự nguy hiểm đang cận kề từng giây.
Nhưng người dân da đen cháy, tóc xoăn tít như những con ốc vặn bám trên đầu chấp nhận cô bé da trắng, tóc vàng nhưng luôn luôn cởi trần, với chiếc khố bé tẹo quấn ngang hông và mặt mũi lọ lem này làm thành viên bộ lạc du mục Himba của họ, Tên cô có chữ Okanti, theo ngôn ngữ Himba là “Con của đất”, vậy chẳng phải cô là người trong bộ tôc của họ đó sao? Họ bôi đất thổ hoàng lên người cô theo phong tục tiếp khách quý. Họ dạy cô cách sống sót nhờ rễ cây, củ rừng và những quả dâu đất, cách bắt chim non, bọc một thứ lá đặc biệt, xâu que và nướng vàng trên lửa ngon đến … ngất ngây, cũng như cõng cô theo trong những buổi đi săn sôi nổi. Cứ thế Tippi lớn lên…
Trong khi những cô bé cùng lứa tuổi thích thú với trò xúc cơm. mặc váy cho búp bê thì Tippi nằm dài trên cỏ, rình bắt cào cào cho con tắc kè hoa xù xì, loang lổ bám chặt trên vai và tóc cô. Trong lúc họ nhảy lò cò, nhảy dây với bạn bè hoặc tròn mắt nghe cô giáo kể chuyện cổ tích thì Tippi đang vật nhau với con báo con, cười khanh khách với chú khỉ đầu chó, ôm cứng con sư tử nhỏ để nó khỏi “đùa nhả” với cô sơn dương thơ bé run bần bật vì sợ hãi, trò chuyện huyên thiên với kên kên, ôm chú ếch trâu (bullfrog) to vật vã vào lòng nói nựng hoặc ngủ vùi, gối đầu lên đùi một bác linh miêu cũng lim dim cặp mắt… Đó là hình ảnh thường xuyên trong tuổi thơ của Tippi. Cô có tài nói chuyện với từng loài vật bằng thứ ngôn ngữ không lời hay đúng hơn, bằng ánh mắt của mình.
Tippi hiểu bằng trực giác tính nết của từng con vật để kết bạn với chúng và duy trì sự tin cậy lâu dài. Cô biết không nên sợ bất cứ con vật nào, nhưng luôn luôn phải đề phòng bản năng hung bạo từ ngàn đời truyền lại trong chúng. Không bao giờ được quay lưng lại với con dã thú và bỏ chạy trước chúng. Để áp đảo phải nhìn thẳng vào mắt chúng, tìm điểm yếu của chúng để khuất phục. Phải làm cho chúng kính nể cũng như chính mình phải biết cách tôn trọng chúng.
Một đêm kia, trong một chiếc lều bên bìa rừng ở Boswana, hai vợ chồng Alain Degré đang ngủ, chợt nghe tiếng Tippi kêu nho nhỏ. Họ choàng dây bấm đèn pin. Một con nhện độc lớn đầy lông lá đang tìm cách chui vào lỗ tai Tippi. Alain giật phắt con nhện, quật xuống đất và lấy chân di lên. Tippi oà khóc, bắt đền "Sao bố lại giết bạn con ? Nó có độc ác đâu. Nó chỉ muốn làm nhà trong đầu con thôi mà. Con đang thuyết phục nó là chỗ ấy không thích hợp và nó đã nghe lời”.
Cô có tài nói chuyện với từng loài vật bằng thứ ngôn ngữ không lời. Hay đúng hơn, bằng ánh mắt của mình.
Sáng hôm sau, Sylvie lại thấy con gái mình ngồi chơi vui vẻ với một con nhện lớn khác. .
Bài học ứng xử
Dân du mục Handuoke nuôi nhiều bò trên núi. Lũ báo dữ tợn trong vùng luôn tấn công những con bò hiền lành, buộc họ phảỉ đặt bẫy. Một con báo cái sa cơ, bị thương rất nặng và hấp hối. Trước khi chết, nó đã kịp sinh ra hai con báo con, một đực một cái. Bố mẹ Tippi xin lại con báo đực, đặt tên là J&B và nuôi bằng bình sữa như nuôi một đứa trẻ sơ sinh. Sau 1 năm chú báo đã nặng 50-60 kg, chạy cực nhanh, leo trèo cực giỏi và đôi khi thể hiện những tính chất dã thú. Một lần J&B có ý định vật cô bé xuống. Lập tức Tippi đứng dậy, trừng mắt nhìn và táng một cú nảy lửa vào mũi nó. Từ đó, J&B rất “nể” cô bé, và mỗi lân nó định làm một hành động thô gì bạo, cô chỉ cần vỗ vào đâu nhắc nhở, nó lại ngoan ngoãn cúi đầu, cụp đuôi như biết lỗi.
Một hôm Tippi cũng bố mẹ đi dạo trong làng. J&B đánh hơi thấy, nhảy phóc qua hàng rào đi theo. Hai cậu bé da đen đi trên đường, thấy J&B hoảng hốt bỏ chạy. Nguy hiểm rôi ! Đối với dã thú, sinh vật nào quay lưng chạy cũng là con mồi. J&B lập tức phóng theo và chỉ vài bước nó đã vật được một cậu xuống đất. Alain lao lên đá vào mặt J&B. Nó gầm lên, nhe nanh, chuẩn bị tấn công cả Alain. Nhưng Tippi đã vụt đến, gầm còn to hơn cả J&B, và nện lên mũi nó một cú đau điềng. Mắt toé lửa, cô giận dữ hét: “Dừng lại !”. Như có phép màu, J&B ngoan ngoãn cụp đuôi, nằm xuống như một con mèo to những lúc bị ăn mắng. Cậu bé bị thương được đưa đến bệnh viện và được cứu sống. J&B bị bố mẹ cô trừng phạt nghiêm khác, nhốt trong cũi sắt. Cô bé thường đến thăm, vỗ về và con báo gục đầu, gừ gừ nho nhỏ, như công nhận chỉ có cô mới là “bà chủ” duy nhất của nó. Lúc ấy, Tippi mới hơn 4 tuổi.
Không những chế ngự được các dã thú, Tippi còn kết bạn với những loài vật mà người thường dù có nuốt hàng chục viên thuốc liều cũng chẳng dám lại gần. Có lần Tippi dã bắt cá đem nướng thơm phức để dụ một con linh miêu nặng cả chục cân lại gân cho mình vuốt ve. Cô khoái cái cảm giác cho con báo ngoạm vào vai nhay nhay (miễn là đừng “quá đáng” đến xây xước chảy máu mà cô biết cách làm cho nó hiểu điều đó). Cô thường đem nó giới thiệu với các bạn của bố mẹ đang đứng run như dẽ: “Bạn thân của cháu đấy. Nó là con báo ngoan nhất thế giới”. Thế nhưng cô còn thích hơn cái cảm giác nhồn nhột khi được con trăn cuốn quanh người, lấy đuôi cù vào nách. Cô cười như nắc nẻ khi ôm con ếch trâu nặng gần 3 kg mà nó cứ ngọ ngoạy trơn tuốn tuột ra khỏi tay. Nhưng bạn thân nhất của cô là Leon, chú tắc kè hoa khổng lồ mà Tippi thường bí mật chạy theo, tò mò rình xem nó phóng lưỡi săn mồi nhanh như thế nào. Sau này, bà mẹ Sylvie mới biết con gái mình hay thè lưỡi liếm các thức ăn là vì “gần mực thì đen”, do bầu bạn lâu ngày với tắc kè mà sinh ra thói quen ấy.
Tippi quý nhất… “ông anh” của cô, như cô tự nhận, ấy là bác voi Abu, những 28 tuổi và nặng đúng 5 tấn không hơn không kém. Bác thường âu yếm lấy vòi đuổi ruồi cho Tippi ngủ trưa trong bóng râm do tấm thân ”bồ tượng” của bác tạo ra, phun nước cho cô tắm trong dòng suối nước đục ngầu những bùn hoặc uốn vòi đặt Tippi lên trên cái gáy rộng của bác để cùng nhau rong ruổi trong rừng.
Cháu không muốn là người nổi tiếng
Sau 10 năm sống trong rừng với bộ lạc du mục Himba, Tippi theo mẹ về Paris. Cuộc sống thời nguyên thuỷ và cuộc sống hiện đại có khoảng cách lớn, mọi thứ đối với cô đều quá xa lạ. Cô khó hoà nhập với các bạn bè là … người và nhất định không chịu đến trường. Bà mẹ Sylvie phải tạm ngừng công việc, ở nhà dạy cô học theo chương trình của nhà trường và giúp cô tiếp cận dần với cuộc sống văn minh của kinh thành xa hoa bậc nhất thế giới này. Bà cũng hướng dẫn cho cô tự viết một cuốn sách về thời thơ ấu đầy say mê của mình và cuốn sách lập tức trở thành một best-seller, được dịch ra 13 thứ tiếng (hiện đã có bản dịch tiếng Việt).
Trong căn phòng của họ, ngổn ngang những đồ kỷ niệm mang từ châu Phi về và mỗi món đồ đều gắn với một câu chuyện ly kỳ. Tippi rất thông minh, học nhanh nhưng bản tính e thẹn và ít ai ngờ cái cô bé dám vật nhau với sư tử, dám tát cả con báo dữ say mồi năm mới 4 tuổi bằng bàn tay tí hon của mình lại nhút nhát đến thế, cứ giấu mặt trước mọi người.
Hiện cô làm cố vấn cho một đoàn làm phim tài liệu về thiên nhiên và sẽ là vai chính trong cuốn phim “Cùng Tippi vòng quanh thế giới” kể lại những chuyến phiêu lưu. Khi cuốn tự truyện của cô được cả thế giới tìm đọc một cách háo hức, cô tâm sự với nhà báo: ”Cháu không muốn nổi tiếng vì cháu chỉ là một người bình thường”.
Đúng, nhưng đó là một người bình thường đã chứng minh con người không cần thiết phải tiêu diệt mà có thể sống hài hoà với mọi loài muông thú và trước hết phải hiểu chúng, yêu mến chúng và tôn trọng chúng.
Huyền Sang